Ngứa vì đá lạnh
Đều đặn mỗi tháng, Linh phải đến Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) để tái khám theo định kỳ. Căn bệnh mà em mắc phải rất “dị biệt”.
Linh kể, từ nhiều tháng nay, em xuất hiện những cơn khó thở khi uống nước đá lạnh. “Chỉ cần một ngụm nhỏ là ngực em đau thắt, không thể thở nổi, cứ ngỡ như sắp chết.
Trước đó, em hay bị ngạt mũi khi trời trở lạnh nên nghĩ họng kém, không dám sử dụng nước lạnh.
Thế nhưng mỗi khi vào bếp hoặc phải tiếp xúc với đồ lạnh như kem, đá, chỉ sau khoảng 15 phút tay em bắt đầu nổi mẩn đỏ, ngứa, càng gãi càng khó chịu và khiến bàn tay sưng đỏ lên”, Linh nói.
Các bác sĩ tiến hành xét nghiệm phản ứng da của bệnh nhân Linh đối với đá lạnh.
Bác sĩ Bùi Văn Khánh, Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, tiền sử bệnh nhân chưa từng bị dị ứng thuốc và thức ăn.
Điều này khiến các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân Linh bị mày đay mãn tính do lạnh.
Sau đó, Linh được chỉ định các xét nghiệm máu cơ bản đánh giá tình trạng dị ứng và các bệnh phối hợp khác. Ngoài ra bệnh nhân cũng được thực hiện xét nghiệm kích thích với đá lạnh. Kết quả cho thấy bệnh nhân dương tính sau 15 phút.
Trước những căn cứ trên, các các sĩ kết luận Linh bị mày đay mãn tính do lạnh chưa rõ nguyên nhân.
Bác sĩ Khánh cho biết thêm, bệnh là phản ứng của da sau khi tiếp xúc với yếu tố lạnh, khiến cơ thể xuất hiện ban đỏ, sẩn phù kèm theo ngứa.
Bệnh nhân có thể bị sưng lưỡi, phù nền thanh quản gây khó thở nếu sử dụng nước đá lạnh.
Nếu toàn bộ cơ thể tiếp xúc với thời tiết có nhiệt độ thấp thì phản ứng có thể rất nghiêm trọng, ngoài ban đỏ toàn thân kèm theo ngứa, bệnh nhân có thể xuất hiện các phản ứng nguy hiểm khác như khó thở, suy hô hấp, sốc phản vệ và tử vong.
Sốc phản vệ, tử vong nếu tiếp xúc toàn thân với nước lạnh
Theo bác sĩ Khánh, nguyên nhân thực sự của hiện tượng này chưa được biết rõ.
Tuy nhiên các nghiên cứu đều cho thấy những bệnh nhân đều mắc các chứng bệnh nhiễm trùng, virus trong thời điểm khởi phát bệnh và có các tế bào trên da rất nhạy cảm với nhiệt độ, chúng dễ dàng bị phá vỡ và giải phóng ra các chất trung gian hoá học vào máu như histamine gây ban đỏ, ngứa và đôi khi là sốc phản vệ.
Bác sĩ Khánh cũng cho biết thêm, nhiều nghiên cứu đã đi tìm câu trả lời cho vấn đề này và ngày nay các nhà khoa học đã thống nhất ngưỡng nhiệt độ phổ biến gây bệnh cho bệnh nhân là 4 độ C.
Tuy nhiên một số bệnh nhân có thể xuất hiện triệu chứng ở nhiệt độ cao hơn hoặc thấp hơn. Đôi khi không khí ẩm ướt và giá lạnh ở ngưỡng nhiệt độ này có thể gây bệnh.
Các chuyên gia cũng cảnh báo trẻ em hoặc thanh thiếu niên là nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh này (chiếm tới 80%). Ngoài ra, bệnh nhân đang bị nhiễm trùng như viêm họng cấp, viêm phổi; đang mắc chứng bệnh mạn tính như viêm gan B, ung thư...
“Người bệnh nên đến viện khi xuất hiện các triệu chứng liên quan tới nhiệt độ lạnh.
Điều này giúp người bệnh tránh nguy hiểm lớn nhất có thể phải đối mặt là phản ứng toàn thân gây khó thở, sốc phản vệ thậm chí chết nếu tiếp xúc với lạnh ở diện rộng trên da hoặc toàn thân”, bác sĩ Khánh nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Khánh, hiện này, các cơ sở y tế chưa có phương pháp chữa khỏi bệnh, tuy nhiên có thể điều trị triệu chứng. Để hạn chế, người bệnh cần lưu ý tránh tiếp xúc với yếu tố lạnh trực tiếp, cần có các dụng cụ bảo hộ và giữ ấm.
Đặc biệt, bệnh nhân cần tránh uống nước đá và thức ăn lạnh như kem có thể gây khó thở và chết do phù nề thanh quản.
>> Vị thuốc nam dễ kiếm "dĩ độc trị độc" chữa nhiều bệnh ung thư
>> 19 điều nếu làm đủ thì không bao giờ sợ bệnh ung thư