Cảnh báo: Chúng ta đang phải "ăn chì" hàng ngày mà không biết

Thái Phong (T.H) |

Theo ước tính của FDA, một người lớn có thể hấp thụ khoảng 11% lượng chì trong bát đĩa, còn trẻ em nằm trong khoảng từ 30% đến 75%.

1. Chì độc hại với sức khỏe như thế nào?

Chì là một nguyên tố có trong tự nhiên có một số công dụng nhất định trong đời sống con người. Tuy nhiên, nếu chì được đưa vào cơ thể, nguyên tố kim loại nặng này sẽ gây nên nhiều tác hại cho cơ thể.

Theo các nhà khoa học, nồng độ chì cho phép trong cơ thể người là dưới 10mcg/dL.

Nếu lượng chì trong cơ thể cao hơn mức này sẽ gây ra nhiễm độc chì gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí có thể gây ra tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Những tác hại của chì đối với sức khỏe được kể đến như:

- Gây ra một số bệnh kinh niên, mãn tính như bệnh thận hoặc bệnh thần kinh.

- Tác động lên hệ thống enzym vận chuyển hidro gây nên một số rối loạn trong cơ thể, trong đó chủ yếu là rối loạn bộ phận tạo huyết (tủy xương). Tùy theo mức độ nhiễm độc mà cơ thể con người sẽ phải chịu những tai biến hoặc nặng nhất là tử vong.

- Với phụ nữ có thai: Nếu tiếp xúc với chì thường xuyên thì khả năng xảy thai hoặc thai nhi chết sau khi sinh là rất lớn.

- Với trẻ em: Chì tích tụ ở xương, cản trở chuyển hóa Canxi bằng cách kìm hãm sự chuyển hóa vitamin D, gây độc cả cơ quan thần kinh trung ương lẫn thần kinh ngoại biên.

Đặc biệt, chì gây tác động mãn tính tới phát triển trí tuệ, gây biến chứng viêm não cho trẻ.

Cần lưu ý đặc biệt tác hại của chì đối với trẻ em vì mức độ hấp thụ chì ở trẻ em cao gấp 3 - 4 lần người lớn.

Nhiều sản phẩm nhiễm chì được bày bán công khai trên thị trường (Ảnh minh họa)

Nhiều sản phẩm nhiễm chì được bày bán công khai trên thị trường (Ảnh minh họa)

2. Thực trạng bát đĩa nhiễm chì ở Việt Nam:

Theo số liệu của Bộ Y tế, hàm lượng chì trung bình của người Việt Nam là 20mcg/dL, tức là gấp đôi hàm lượng chì cho phép tồn tại trong cơ thể.

Tình trạng nhiễm chì cao trong cơ thể của người Việt một phần là do ô nhiễm chì có trong không khí, trong nước uống và một phần do con người trực tiếp đưa vào cơ thể thông qua việc ăn uống và sử dụng vật dụng gia đình.

Đặc biệt, nhiều nhà khoa học khuyến cáo, bát đĩa gốm sứ mà người Việt sử dụng hàng ngày cũng góp phần đưa một lượng chì lớn vào trong cơ thể.

Theo thống kê của cục Quản lý Chất lượng sản phẩm (Bộ Khoa học và Công nghệ), trên thị trường hiện nay có tới 80% các sản phẩm gia dụng đựng chứa thực phẩm (như bát đĩa, cốc chén, bình uống nước...) có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Qua xét nghiệm, các sản phẩm này thường có hàm lượng chì vượt mức quy định, có khả năng gây nguy cơ nhiễm độc chì rất cao cho người tiêu dùng.

Đặc biệt, trong khi người tiêu dùng rất cảnh giác với các loại bát đĩa, đồ gia dụng rẻ tiền vì cho rằng chúng có nguồn gốc từ Trung Quốc thì nhiều gia đình có điều kiện lại chuộng các loại bát đĩa cao cấp có giá bán cao ngất ngưởng.

Tuy nhiên, không ít sản phẩm cao cấp này thực chất là bát đĩa Trung Quốc được gắn mác của các nước như Đức, Pháp, Ý, Hàn Quốc... khiến cho người tiêu dùng lầm tưởng về độ cao cấp và an toàn của sản phẩm.

Điều đáng lo ngại là khi mua các sản phẩm gốm sứ, chúng ta rất khó phát hiện sản phẩm nào có nhiễm chì vì khi nung nóng tới nhiệt độ 1.200 - 1.500 độ C thì chì không để lại dấu vết trên sản phẩm để có thể nhận ra bằng mắt thường.

Chỉ khi gặp điều kiện thuận lợi như tiếp xúc với nhiệt độ cao hoặc đựng chứa dung dịch axit thì chì mới phai ra, theo thức ăn xâm nhập vào cơ thể con người.

3. Tại sao bát đĩa có thể nhiễm chì?

Theo TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, các sản phẩm đồ gốm sứ trên thị trường, loại càng nhiều hoa văn sặc sỡ thì có hàm lượng chì càng cao.

Cũng theo TS Thịnh, việc sử dụng chì trong sản phẩm gốm sứ, thủy tinh do những nguyên nhân sau đây:

- Dùng chì để dễ tạo màu, giúp sản phẩm có hoa văn đẹp mắt.

- Giúp tiết kiệm năng lượng trong quá trình nung nóng vì chì dẫn nhiệt mạnh, từ đó giảm được chi phí sản xuất.

4. Cách nhận biết bát đĩa nhiễm chì:

- Dùng dấm để thử sản phẩm gốm sứ nhiễm chì: Đựng giấm vào sản phẩm bát đĩa bằng gốm sứ, nếu sản phẩm có dấu hiệu trắng ra hoặc giấm bị đổi màu thì có khả năng chứa tạp chất.

- Thử tiếng vang của sản phẩm thủy tinh để phát hiện sản phẩm nhiễm chì: Sản phẩm thủy tinh có chứa chì tiếng kêu rất vang, đồ không có nhiễm chì tiếng kêu đục và nhỏ hơn.

- Ngoài ra, các bà nội trợ chú ý mua sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, không có hoa văn sặc sỡ, không có hoa văn trong lòng chứa thức ăn. Không dùng bát đĩa gốm sứ để nấu chín thức ăn trong lò vi sóng, không đựng thức ăn có axit...

 

 

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại