Căn bệnh âm thầm nếu để biến chứng 100% tử vong

Thái Phong (T.H) |

Bệnh phình động mạch chủ là căn bệnh tiến triển âm thầm không có triệu chứng trong nhiều năm nhưng nếu xảy ra biến chứng thì tỷ lệ tử vong từ 85 - 100%.

Động mạch chủ là tên gọi của động mạch lớn nhất trong cơ thể người. Động mạch chủ có nhiệm vụ dẫn máu từ tim đi nuôi các bộ phận khác trong cơ thể.

Tùy thuộc vào vị trí của động mạch chủ mà có tên gọi khác nhau, động mạch chủ chạy xuyên qua ngực cung cấp máu cho nửa phần trên cơ thể gọi là động mạch chủ ngực, động mạch chủ đi đến bụng cung cấp máu cho phần dưới cơ thể gọi là động mạch chủ bụng.

Khi một phần động mạch chủ bị giãn nở ra hoặc phình to hơn bình thường thì được gọi là chứng phình động mạch chủ.

Nguyên nhân của bệnh phình động mạch chủ là do 1 phần bị động mạch chủ bị yếu nhưng vẫn phải chịu áp lực của máu chảy qua khiến phần bị yếu này phình ra giống như 1 quả bóng và có thể bị vỡ khi độ giãn vượt mức an toàn.

1. Sự nguy hiểm của bệnh phình động mạch chủ:

Bệnh phình động mạch chủ là căn bệnh tiến triển âm thầm không có triệu chứng gì trong nhiều năm nhưng lại có thể gây vỡ động mạch chủ bất cứ lúc nào. Vỡ động mạch chủ thường gây mất máu, sốc, dẫn đến tử vong.

Sự nguy hiểm của bệnh phình động mạch chủ phụ thuộc vào độ phình của động mạch chủ, phình càng cao thì nguy cơ vỡ càng cao.

Con số mà các nhà khoa học đưa ra cụ thể đường kính túi phình nhỏ hơn 5cm thì nguy cơ vỡ mỗi năm ước tính nhỏ hơn 3% nhưng nếu lớn hơn 7cm thì nguy cơ vỡ mỗi năm sẽ tăng lên 20 - 40%.

Vị trí phình động mạch chủ cũng quyết định cấp độ của sự nguy hiểm.

Ví dụ, phình động mạch chủ bụng khi gặp biến chứng là vỡ túi phình thì tỷ lệ tử vong lên đến 85%. Phình động mạch chủ ngực là bệnh lý rất nặng, khi gặp biến chứng vỡ phình gây ra mất máu cấp thì tỷ lệ tử vong lên đến 100%.

Tử vong do vỡ phình động mạch chủ được coi là một trong 15 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong số các căn bệnh nguy hiểm gây tử vong cao trên thế giới.

Hình ảnh động mạch chủ bị phình.

Hình ảnh động mạch chủ bị phình.

2. Những người có nguy cơ cao bị bệnh phình động mạch chủ:

Theo các nhà nghiên cứu, bệnh phình động mạch chủ thường tấn công một số nhóm đối tượng với tỷ lệ cao hơn các nhóm khác. Đứng đầu trong số nhóm có nguy cơ cao chính là những người hút thuốc.

Những người hút thuốc có nguy cơ cao bị xơ vữa động mạch. Những mảng xơ vữa đó lớn lên làm thành động mạch bị yếu đi tạo thành chỗ phình hoặc túi phình ở thành mạch. Những chỗ thành mạch yếu này có thể bị vỡ.

Với người hút thuốc, tỷ lệ bị phình động mạch chủ cao gấp 8 lần người không hút và tỷ lệ chết do vỡ phình động mạch chủ cao hơn rất nhiều lần so với người không hút thuốc.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn thống kê một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh phình động mạch chủ, bao gồm:

- Nam giới trên 60 tuổi.

- Người bị cao huyết áp.

- Người có người thân trực hệ, chẳng hạn như mẹ hoặc anh em trai, bị phình động mạch chủ.

3. Những dấu hiệu của bệnh phình động mạch chủ:

Phình động mạch chủ là căn bệnh diễn tiến âm thầm trong nhiều năm và thường không có biểu hiện gì, hoặc ngay cả khi có những dấu hiệu báo động thì cũng bị bỏ qua. Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy cơ thể mình xuất hiện một số triệu chứng sau thì nên lưu tâm:

- Cảm thấy đoạn mạch ở bụng to ra và có nhịp đập giống như nhịp đập của tim.

- Các cơn đau xuất hiện đột ngột ở vùng bụng hoặc ở dưới lưng. Nếu có triệu chứng này xảy ra, cần kiểm tra ngay vì có thể túi phình sắp vỡ.

- Trường hợp hiếm gặp hơn là có thể cảm thấy đau nhức, tím tái ở các ngón chân hoặc bàn chân vì nhữn mảnh vỡ từ túi phình gây tắc mạch máu nhỏ ở bàn chân và các ngón chân. Nếu trường hợp này xảy ra không được điều trị kịp thời có thể gây mất chi.

- Khi bạn đột ngột cảm thấy mệt lả trong người, chóng mặt, đau, thậm chí mất ý thức thì có thể túi phình đã bị vỡ. Trường hợp này cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng, cần được cấp cứu ngay lập tức.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại