“Đội lốt” cam Hà Giang
La liệt trên các đường phố tấp nập xe cộ như Xuân Thủy, Cầu Giấy, Nguyễn Trãi, Hồ Tùng Mậu, Cầu Diễn (Hà Nội)… loại cam này nổi bật lên với giá những tấm biển giá “siêu rẻ”, chỉ 10.000-5.000đ/kg. Khi được hỏi, những người bán hàng đều trả lời một cách rất chắc chắn: “ Cứ mua đi, cam Hà Giang chính gốc luôn. Đang vụ cam nên mới có giá rẻ thế này!”.
Nhiều nơi còn trưng biển “Cam Hà Giang” rất rõ ràng để thay cho lời giải thích về nguồn gốc của loại cam này. Chính vì lẽ đó, “cam siêu rẻ’ là lựa chọn của rất nhiều người tiêu dùng, trong đó phần lớn là sinh viên và người thu nhấp thấp. Một người bán hàng rong trên đường Cầu Diễn cho biết: “Một ngày anh bán được từ 1-2 tạ cam. Đây là loại quả “rẻ nhất trong các loại” nên rất dễ bán”.
Tuy nhiên, trước thông tin của người bán, nhiều người tiêu dùng đã phản đối rằng: “Hiện tại Hà Giang chưa vào mùa thu hoạch cam, người dân trên đó chưa có cam ăn làm sao bán đầy Hà Nội”. Để tìm hiểu rõ thông tin, chúng tôi đã liên lạc tới Sở Nông nghiệp Hà Giang. Trao đổi với phóng viên Tạp chí Sức khỏe gia đình, ông Hoàng Nhị Sơn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang, Lãnh đạo phòng Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản Hà Giang khẳng định: “Vụ cam Hà Giang thường rơi vào tháng 12 âm lịch, khoảng trước và sau Tết Nguyên đán. Ở thời điểm này, cam còn non nên chưa thể thu hoạch được. Vì vậy, không thể có chuyện cam Hà Giang bán tràn lan trên thị trường Hà Nội”.
Đặc điểm của cam Hà Giang cũng khác với cam đang được bán tràn lan trên thị trường. Loại cam được quảng cáo là “siêu ngọt”, “siêu rẻ” dưới Hà Nội có vỏ mỏng, màu xanh bóng, nhiều nước, khi chín chuyển sang màu vàng úa, không có hạt và chua. Trong khi đó theo ông Sơn, cam sành Hà Giang quả to và tròn, vỏ sần sùi, có hạt. Khi chín, thịt cam màu vàng, mọng nước, vị ngọt thanh và có mùi thơm đặc. Cam Hà Giang càng chín kỹ, độ thơm, ngọt càng đậm đà. Nói về giá cả, ông Sơn cũng cho hay, năm trước, cam Hà Giang bán tại nguồn đã có giá từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, chưa bao giờ có giá siêu rẻ như loại cam đang bán trên thị trường Hà Nội.
Đại diện cho những người dân trồng cam, anh Phạm Quang Lân, Chủ tịch Hiệp hội cam Bắc Quang, đồng thời cũng là một chủ trang trại cam rộng 9 ha ở thôn Vĩnh Chính, xã Vĩnh Hảo, Bắc Quang, Hà Giang cũng khẳng định: “Cam sành Bắc Quang giờ còn rất non, chưa có vị, chưa có màu sắc gì, làm sao có thể bán xuống Hà Nội được!”
Và bộ mặt thật…
Theo chân những người bán hàng rong, chúng tôi đến tận chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội). Đây là nơi cung cấp một lượng hoa quả khổng lồ cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Càng về đêm, không khí chợ ngày càng nóng dần lên. Những chiếc xe tải chở hoa quả nối đuôi nhau vào chợ. Tất cả các loại hoa quả: lựu, xoài, thanh long, dưa hấu, ổi,… đều có thể tìm thấy ở đây. Không khó để nhận ra những xe tải chở những sọt cam cao chất ngất. Trước khi tung hoành trên khắp các tuyến phố, cam “siêu rẻ” nằm ngoan ngoãn trong sọt tre và những sọt nhựa đen mà những tiểu thương ở đây gọi là “giành”.
Theo quan sát của phóng viên, tất cả tấm giấy lót trong giành cam đều là những tờ báo tiếng Trung. Thiết nghĩ những thùng đựng hoa quả toàn dùng giấy lót và chữ bên ngoài bằng tiếng Trung Quốc thì sao có thể có nguồn gốc trong nước. Không lẽ dân ta mua giấy báo nước ngoài về lót đáy hoa quả?!
Khi đến gần, những tờ giấy báo đó bốc mùi hệt mùi thuốc sâu, rất khó chịu. Để đánh lừa người dân tin rằng những hoa quả đó không phải hàng nhập lậu mà là hàng trong nước, nhiều tiểu thương dỡ cam ra và chuyển sang thùng, sọt mới; những tờ giấy có chữ nước ngoài được cuộn tròn và vứt đi.