1. Mô tả:
Bèo tây, còn gọi là bèo Nhật Bản, lộc bình, có tên khoa học là Eichhornia crassipes Solms., thuộc họ bèo tây Pontederiacear.
Loại bèo này được cho rằng có nguồn gốc từ Nhật Bản nên được gọi là bèo tây, bèo Nhật Bản, còn gọi là lộc bình do cuống lá phình lên giống lọ lộc bình.
Bèo tây là cây thảo, sống nổi ở nước hay những nơi ẩm ướt, lá mọc thành hình hoa thị, có cuống phồng lên thành phao nổi, trông giống như chiếc lọ lộc bình.
Gân lá hình cung, hoa mọc thành chùm ở ngọn. Hoa không đều, màu xanh tím. Cánh hoa trên có một đốm vàng 6 nhị, 3 dài, 3 ngắn. Bầu thượng 3 ô đựng nhiều noãn, quả nang.
2. Chuyện về cây bèo tây trong thời kỳ kháng chiến:
Bác sĩ Trang Xuân Chi đã kể lại trên tạp chí Cây thuốc quý câu chuyện về cây bèo tây trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Khi bác sĩ công tác ở tiểu đoàn quân y F325 đánh Mỹ ở miền tây Khe Sanh (Bắc Quảng Trị) đã học được kinh nghiệm xử lý những vết thương nhẹ của thương binh bằng cách dùng bèo tây giã nát trộn với muối để đắp vào vết thương, sẽ hết viêm ngay.
Nhờ có bèo tây, những chỗ mưng mủ thì thu nhỏ lại, chỗ nào sưng to có mủ thì vỡ mủ ra. Nhờ có kinh nghiệm này mà các đơn vị bộ đội đã tiết kiệm được một số thuốc kháng sinh Tây y để dành cho điều trị thương bệnh binh nặng hơn.
Theo chia sẻ của bác sĩ Chi, liều lượng bèo tây tùy thuộc vào nơi viêm (sưng) trên da của bệnh nhân. Nhưng phải rửa thật sạch bằng nước muối sinh lý, khi giã nhỏ cũng phải cho 1 ít muối sạch trộn vào.
GS Đỗ Tất Lợi trong cuốn "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" cũng xác nhận: "Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước ở miền Nam, nhân dân dùng cây bèo Nhật Bản đắp lên những nơi sưng tấy, viêm loét do các chất độc hóa học gây ra, có nhiều kết quả tốt".
3. Công dụng quý của bèo tây:
Theo GS Đỗ Tất Lợi, cây bèo tây dù được trồng phổ biến ở nước ta nhưng chủ yếu dùng làm thức ăn cho vật nuôi, không phải để làm thuốc.
Tuy nhiên, qua kinh nghiệm thực tế, người ta cũng phát hiện ra rằng loại cây này để dùng đắp bên ngoài khi bị đau (mụn nhọt, vết thương) thì cũng cho kết quả rất tốt.
Cách dùng là: Hái một nắm bèo tây rửa sạch, giã nát, thêm một ít muối trắng rồi đắp lên nơi sưng tấy. Khi khô lại thay miếng đắp khác, ngày thay 2 hay 3 lần.
Với cách chữa này, theo GS Đỗ Tất Lợi, vết tấy sẽ rút rất nhanh, nếu chưa mưng mủ thì sẽ tan, nếu đã mưng mủ rồi thì thời gian mưng mủ sẽ rút ngắn, chóng vỡ hay chóng trích được hơn.
Theo quan điểm của các nhà khoa học, hiện nay nhân dân ta ở nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa còn rất nghèo, chưa mua nổi bảo hiểm y tế. Vì vậy việc sử dụng cấc cây, con thuốc Nam như cây bèo tây rất có lợi, vừa ít tác dụng phụ lại không tốn tiền, dễ kiếm.
Chính vì vậy, những bài thuốc như thế này nên được nghiên cứu cẩn thận và phổ biến rộng rãi trong nhân dân.