Giật mình con mắc bệnh người lớn
Tại khoa Sản – Da liễu của Bệnh viện Đa khoa Hà Nội, vợ chồng chị Trương Thị Bình quê ở Yên Phong, Bắc Ninh đưa con trai 6 tuổi đến khám chứng nghẹt bao quy đầu. Cháu bé tên Vũ Quốc Đ.
Chị Bình kể gần đây thấy con bị đau ở dương vật. Trước đó cháu đi khám đã được bác sĩ chẩn đoán hẹp bao quy đầu, phải nong tách.
Chị Bình thi thoảng hay tự nong tách cho con. Tuy nhiên, gần đây chị thấy ở đầu dương vật của cháu bé hay đọng cặn. Cháu bé rất sợ đi tiểu vì kêu đau và buốt. Anh chị đưa bé đi để cắt bao quy đầu.
Bác sĩ Phùng Thanh Vân kể khi ông nong tách bao quy đầu thấy của quý của cháu bé có ổ sùi. Sinh thiết ổ sùi phát hiện đó là sùi mào gà. Khi nghe nói con mắc bệnh sùi mào gà, một loại bệnh xã hội, cả bố và mẹ cháu bé đều ngơ ngác.
Chị Bình cho biết vợ chồng chị không ai bị bệnh này, chỉ nghe nói trên báo đài chứ không mường tượng ra đó là bệnh gì.
Biết nguyên nhân gây bệnh chủ yếu lây qua đường tình dục, vợ chồng chị khẳng định không phải nguyên nhân này.
Bác sĩ Vân cho biết bệnh sùi mào gà không chỉ lây qua đường tình dục mà có thể lây qua quần áo, đồ dùng, bồn cầu. Chỉ cần có vi rút và niêm mạc hở là lây bệnh.
Bác sĩ Vân từng gặp cả trường hợp cháu bé 2 tuổi đã bị sùi mào gà ở miệng, mặt, mắt do cha mẹ của bé hôn con hoặc tay có vi rút HPV truyền cho con.
Có thể lây qua hôn, sờ tay
Bác sĩ Vân kể nhiều phụ huynh khi biết con bị sùi mào gà thường không tin, đòi đi kiểm tra lại. Các bác sĩ đều giải thích sùi mào gà là bệnh xã hội lây chủ yếu qua con đường tình dục nhưng sùi mào gà là bệnh có thể lây qua tiếp xúc trực tiếp.
Trẻ em mắc bệnh sùi mào gà là do vô tình tiếp xúc với vi rút gây bệnh từ người lớn mà bản thân cha mẹ cũng không biết.
Sự lơ là, chủ quan của cha mẹ hay những người thân mắc sùi mào gà sẽ dễ dàng truyền bệnh cho bé. Vì khi hôn, nếu cha mẹ của bé bị nhiễm vi rút HPV có thể truyền cho con qua niêm mạc.
Nhiều bậc cha mẹ có vi rút HPV có thể đã qua điều trị sùi gà nhưng vi rút vẫn ẩn trong máu. Khi lây sang cho con, cháu bé có thể nhiễm vi rút HPV và do sức đề kháng của từng bé, có bé ẩn trong máu nhưng có bé biểu hiện ra ngoài ở dạng u nhú trên da.
Ngoài ra, vi rút lây truyền qua đường tình dục có thể tồn tại vài giờ sau khi tay, chân tiếp xúc với bộ phận sinh dục, quần áo vừa thay.
Khi người lớn chạm vào nơi bị nhiễm bệnh, tay chưa được rửa và tiệt trùng mà lại chăm sóc, tắm rửa cho trẻ, đụng chạm các bộ phận sinh dục của trẻ thì rất có khả năng truyền mầm bệnh sang.
Trong một số trường hợp trẻ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục là do bị lạm dụng, xâm hại.
Khi mắc bệnh sùi mào gà, trẻ thường có các biểu hiện ngứa ngáy, khó chịu ở bộ phận sinh dục, trẻ thường hay gãi, đụng chạm vào chỗ nhạy cảm của mình. Ở các bé gái có thể tổn thương lạ ở vùng kín như ra khí hư, xuất huyết âm đạo, bé trai thì đau buốt khi đi tiểu.
Khi vi rút HPV xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ nhân bản thành một lượng lớn, chủ yếu là ẩn náu trong tế bào da, làm cho tế bào bị phân chia nhanh chóng.
Đồng thời, theo mức độ sinh sôi và lan truyền của vi rút, dần dần hình thành nên các nốt sùi đặc trưng của bệnh sùi mào gà. Các nốt sùi này xuất hiện trên bề mặt da và không ngừng lớn lên.
Từ khi bị nhiễm đến lúc này gọi là thời kì ủ bệnh, thời gian từ 3 tuần đến 8 tháng. Cá biệt có một số bệnh nhân có thời gian ủ bệnh kéo dài đến một năm, thậm chí lâu hơn chứ không phải quan hệ gần đây mới bị sùi mào gà.
Nhiều trường hợp bị sùi mào gà vẫn có thể tái phát đi tái phát lại nếu trong quá trình điều trị không kiêng.