Theo Đông y, lá lốt có vị cay nồng, hơi cay, tính ấm, công dụng ôn trung (làm ấm bụng), tán hàn (trừ lạnh), hạ khí (đưa khí xuống dưới), chỉ thống (giảm đau), yên cước thống (đau lưng, đau chân), ty uyên (chảy nước mũi), trị nôn mửa, đầy hơi, khó chịu...
Dùng cho các trường hợp đau bụng lạnh gây nôn thổ, tiêu chảy, hội chứng lỵ trên cơ địa hư hàn, đau đầu, đau răng, chán ăn đầy bụng, đau nhức xương khớp khi trời lạnh, chứng ra nhiều mồ hôi ở tay chân, mụn nhọt lâu liền miệng...
Kinh nghiệm dân gian hay dùng lá lốt để chữa các chứng bệnh đau nhức xương khớp, đau bụng do lạnh, chứng ra mồ hôi chân tay, mụn nhọt, đau đầu, đau răng...
Khi dùng lá lốt làm thuốc, có thể dùng tươi hay phơi khô dùng dần, mỗi người chỉ nên ăn từ 50 - 100g lá lốt tươi mỗi ngày.
Những bài thuốc hay từ lá lốt được ứng dụng nhiều trong dân gian
- Bài thuốc chữa đau nhức xương khớp khi trời lạnh: Lá lốt phơi khô 5 - 10g hoặc lá lốt tươi 15 - 30g. Cho 2 bát nước vào sắc còn nửa bát, uống khi thuốc còn ấm.
Khi dùng bài thuốc này nên uống vào sau bữa tối, mỗi liệu trình là 10 ngày.
- Bài thuốc chữa sưng đầu gối: Lá lốt, ngải cứu tươi mỗi vị 20g giã nát thêm chút giấm vào chưng nóng. Dùng hỗn hợp này đắp, chườm vào nơi đầu gối sưng đau. Mỗi liệu trình là 10 ngày.
- Bài thuốc chữa đau bụng do nhiễm lạnh: 20g lá lốt tươi, rửa sạch đun với 300ml nước còn 100ml. Uống trước ăn tối khi thuốc còn ấm. Uống trong 2 ngày.
- Bài thuốc chữa chứng ra mồ hôi ở tay, chân: 30g lá lốt tươi cho vào 1 lít nước đun sôi trong vòng 3 phút. Cho thêm chút muối rồi chờ nước nguội dần đến khi còn ấm. Dùng nước này ngâm chân tay thường xuyên trước khi đi ngủ.