Bác sỹ kinh hãi gắp hơn 300 con giun trong bụng bệnh nhi 3 tuổi

Thái Phong (T.H) |

Theo ước tính của ngành y, tỷ lệ nhiễm giun của trẻ em Việt Nam chiếm khoảng 44%.

Thực trạng nhiễm giun ở trẻ

Có lẽ, nhiều năm về sau, các bác sỹ ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cũng không quên được trường hợp cháu bé mới 3 tuổi nhiễm giun nhiều hy hữu đến mức bị tắc ruột, phải mổ cấp cứu.

Theo đó, cháu Trần Văn Đạt (34 tháng tuổi) ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, nôn ói. Chuẩn đoán ban đầu của bác sỹ là cháu bị tắc ruột chưa rõ nguyên nhân.

Sau khi siêu âm, chụp phim và tiến hành xét nghiệm, bác sỹ xác định cháu Đạt bị tắc ruột do nhiễm quá nhiều giun, cần phẫu thuật cấp để gắp giun ra.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Văn, Kíp trưởng kíp phẫu thuật gắp giun sán hy hữu này cho biết: "Ca mổ kéo dài suốt 3 giờ liền, bắt hơn 300 con giun sán để bảo vệ tuyệt đối đường ruột cho cháu bé".

Hơn nửa kg giun sán được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam vừa phẫu thuật gắp ra từ trong bụng bé Trần Văn Đạt. Ảnh: N.K

Hơn nửa kg giun được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam phẫu thuật gắp ra từ trong bụng bé Trần Văn Đạt. (Ảnh: VNE)

Trường hợp của cháu Trần Văn Đạt tuy là hy hữu nhưng cũng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng thiếu ý thức trong việc chăm sóc sức khỏe, giữ gìn vệ sinh cho trẻ em, nhất là ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, miền núi...

Theo ước tính của ngành y, tỷ lệ nhiễm giun của trẻ em Việt Nam chiếm khoảng 44%. Tại một số địa phương như Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn La... con số này là hơn 70%.

Nguyên do là các bé rất hiếu động, thích khám phá mọi thứ xung quanh mình, thường hay chơi đùa, đi chân đất, bò lê trên sàn nhà, lại hay mút tay, nhặt thức ăn rơi vãi dưới đất.

Nếu cha mẹ không chú ý vệ sinh tay chân và giữ vệ sinh chung cho bé thì đã tạo một cơ hội vô cùng thuận lợi cho ký sinh trùng đường ruột phát triển sản sinh ra giun sán với số lượng lớn.

2. Những loại giun thường gây bệnh ở trẻ em

Giun đũa

Giun đũa chiếm đến 80 - 90% số ca nhiễm giun ở trẻ em ở nước ta.

Giun đũa sống trong ruột non. Trứng giun theo phân ra ngoài gây ô nhiễm nguồn đất, nước. Nếu trẻ tiếp xúc với trứng, ấu trùng giun đũa, chúng lại vào cơ thể và trở thành giun trưởng thành.

Giun đũa có thể sinh sản tới hàng trăm con trong ruột gây tắc ruột hoặc di chuyển vào đường gan – mật gây áp-xe gan.

Trẻ bị nhiễm giun đũa thường đau bụng vùng quanh rốn, nôn ra giun, đi ngoài ra giun, bụng ỏng, gầy yếu. Nếu trẻ đau bụng dữ dội và kéo dài thường là biến chứng của giun như giun chui đường mật, tắc ruột…

Giun kim

Giun kim sống ở ruột già, đẻ trứng ngay ở hậu môn gây ngứa hậu môn. Nếu trẻ gãi hậu môn rồi đưa tay lên miệng thì sẽ tái nhiễm giun rất nhanh.

Khi trẻ bị nhiễm giun kim thường khó ngủ hay quấy khóc do ngứa hậu môn, thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa, phân lỏng. Có thể nhìn thấy giun kim ở hậu môn hoặc trong phân.

Giun móc

Giun móc ký sinh ở tá tràng, miệng bám vào niêm mạc ruột để hút máu, trung bình mỗi ngày, một con giun móc có thể hút 0,2ml máu.

Ðường lây nhiễm giun móc chủ yếu qua miệng do ăn phải ấu trùng từ rau sống, tay bẩn, đất bụi và qua da.

Trẻ nhiễm giun móc thường đau bụng vùng trên rốn, phân đen, thiếu máu từ từ, da xanh niêm mạc nhợt. Trường hợp nhiễm nặng dễ gây thiếu máu nặng, suy tim và có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.​

Phòng bệnh giun cho trẻ em:

Tăng cường vệ sinh cá nhân

- Rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đại tiện.

- Ăn chín, uống nước đã đun sôi, nếu ăn rau sống phải rửa sạch.

- Không đi chân đất, tránh ấu trùng giun móc chui qua da.

Vệ sinh môi trường

- Quản lý phân chặt chẽ, sử dụng hố xí hợp vệ sinh, chỉ đi đại tiện vào hố xí, trẻ nhỏ ỉa vào bô, không dùng phân tươi để bón.

- Sử dụng nguồn nước sạch.

- Xử lý rác hợp vệ sinh.

Tẩy giun định kỳ

Tẩy giun cho trẻ trên 2 tuổi 6 tháng hoặc 1 năm 1 lần.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại