Bác sĩ tâm thần bị phơi nhiễm: Đôi lúc bị điên ngẫu hứng

Phúc Mai |

Điều trị bệnh nhân tâm thần để kê thuốc chuẩn có khi các bác sĩ phải hóa thân thành bệnh nhân để hiểu họ nói gì, nghe họ tâm sự rồi mới đưa ra được cách điều trị tốt nhất.

Làm bạn với bệnh nhân tâm thần Nghề thầy thuốc là mơ ước của nhiều người nhưng các bác sĩ chữa bệnh cho người tâm thần lại bị bạn bè nhìn với con mắt ái ngại..

Tuy nhiên, làm bác sĩ tâm thần cũng có những điều mà người bác sĩ cảm nhận đó là cái duyên, là may mắn của mình với nghề.

Mỗi ngày tiếp xúc với hàng chục bệnh nhân tâm thần, Tiến sĩ Tô Thanh Phương – Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết để hiểu những bệnh nhân của mình hơn, đôi khi bác sĩ cũng nũng nịu, nói những câu chuyện của người điên để bệnh nhân cảm giác yên tâm và đồng ý chia sẻ với mình.

Nói về nghề, bác sĩ Phương cho biết, khác với điều trị bệnh khác chỉ cần nhìn hình ảnh, nhìn bằng mắt và các triệu chứng còn điều trị bệnh nhân tâm thần để kê thuốc chuẩn có khi các bác sĩ cũng phải hóa thân thành bệnh nhân tâm thần để hiểu họ nói gì, nghe họ tâm sự rồi mới đưa ra được những cách điều trị tốt nhất.

Nhiều khi, các bác sĩ thường trêu đùa nhau đã làm ở bệnh viện tâm thần thì rất khó lòng chuyển công tác đi nơi khác. Hàng ngày họ phải thường xuyên tiếp xúc với những bệnh nhân bất thường về tâm lý nên bạn bè cũng ái ngại khi gặp.

Mối quan hệ giữa thầy thuốc với bệnh nhân đã khiến đa số các bác sĩ bị ảnh hưởng một phần nào đó. Mọi người thường nói đó là hiện tượng “phơi nhiễm”.

Ông Phạm Xuân Vỵ - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và phục hồi chức năng người tâm thần Thái Bình cho biết chuyện nhân viên chăm sóc bệnh nhân tâm thần bị ảnh hưởng tâm lý từ các bệnh nhân có rất nhiều.

Thậm chí, khi đi làm thường quát to, nói chuyện với bệnh nhân phải nói to, dọa nạt nên khi về nhà nói chuyện với con cái cũng lớn giọng, lâu dần cũng thành quen.

Đôi khi, nghe người bị bệnh giải thích dài dòng và khó hiểu, người nghe cũng có những biểu hiện như thế.

“Điên ngẫu hứng" Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương chia sẻ về câu chuyện phơi nhiễm.

Hơn 20 năm gắn bó với bệnh nhân tâm thần, ông chứng kiến nhiều bác sĩ điều trị cho bệnh nhân tâm thần khi về với xã hội họ bị người ta coi là người có vấn đề.

“Chuyện phơi nhiễm là điều đương nhiên. Chúng tôi thường gọi đó là điên ngẫu hứng. Bởi bác sĩ tâm thần đang phải làm theo những cách của người tâm thần và lâu dần thành quen và ngẫu hứng lên theo” – TS Hùng tâm sự.

Vợ con hay người sống cùng gia đình bác sĩ thì quen dần điều đó nhưng đôi khi người ngoài lại tỏ ra ái ngại. Họ gọi những bác sĩ tâm thần là “hâm”.

Bác sĩ Hùng cho biết “khi điều trị cho bệnh nhân tâm thần phân liệt, chúng tôi phải đặt mình vào tâm trí của người bị bệnh để hiểu họ.

Nói chuyện với bệnh nhân tâm thần lâu, tâm lý hiểu nhau chặt chẽ thì bản thân chúng tôi lại nhận được phần nào các biểu hiện bệnh lý của bệnh nhân chia sẻ lại như chuyện cảm xúc khóc cười, nổi cáu theo họ.

Tuy nhiên, việc phơi nhiễm với các biểu hiện trên sẽ dần mất đi khi bác sĩ không còn tiếp xúc với người bệnh nữa”.

Cùng chung suy nghĩ như thế, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Dũng - Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia cho biết số bác sĩ bị ảnh hưởng tâm lý của bệnh nhân có rất nhiều và khi trở về cuộc sống với bạn bè, gia đình các bác sĩ phải lấy lại thăng bằng.

Để chiều được các bệnh nhân đôi khi bác sĩ giả làm người yêu, làm chồng thậm chí "cùng điên" với họ để nghe họ nói gì, họ kể vì với mình. Kỹ năng và kinh nghiệm với bác sĩ tâm thần rất quan trọng bởi các bệnh nhân tâm thần đôi khi họ cần chỗ dựa tâm lý vững chắc.

Bác sĩ Dũng chia sẻ sống cùng nơi với những người bị bệnh tâm thần nặng đôi khi người ngoài nhìn vào cũng ái ngại. Nhưng bác sĩ tâm thần cũng có nhiều điều vui, những kỷ niệm khó quên.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại