Ăn để sống và ăn để chết

Tuấn Nguyễn |

Sống ở trên đời, muốn tồn tại, con người phải ăn. Muốn có cái ăn đương nhiên phải biết tìm kiếm, lao động chứ cái ăn không thể tự rơi vào miệng. Nhu cầu ăn của mỗi người khác nhau và tất nhiên, miếng ăn cho từng cá nhân cũng tùy thuộc vào kết quả lao động, khả năng thu nhập của mỗi người.

Ăn vừa đủ chất, có chọn lọc kết hợp với lao động, học tập, nghỉ ngơi thì con người sẽ sống vui, sống khỏe, ít bệnh tật.

Còn ăn quá nhiều chất bổ hay đồ ăn mất an toàn, chứa chất độc thì mang họa vào thân. Nhẹ thì ngộ độc, nặng thì ung thư, mà đã dính vào ung thư thì… lúc đó có muốn ăn cũng không được nữa.

Chuyện về đồ ăn thức uống có lẽ bàn cả ngày không hết. Nhưng gần đây, nó luôn trở thành vấn đề nóng khiến nhiều ngành, nhiều người đặc biệt quan tâm.

Nhất là mới đây, hàng nghìn công nhân, một công ty ở Hải Phòng sau bữa ăn thấy đau bụng, chóng mặt, nôn mửa… có dấu hiệu của ngộ độc thức ăn, phải đưa đi cấp cứu.

Nguyên nhân ban đầu được xác định là do cơm có màu vàng bất thường.

Trước đó, nhiều công nhân của công ty này còn bỏ bữa vì trong thức ăn có nhiều… sinh vật lạ.

Sự việc này trở nên phức tạp, ảnh hưởng đến trật tự xã hội khi tất cả các xe ôtô phải trưng dụng, tất cả các bệnh viện trong thành phố phải vận hành tối đa công suất để cấp cứu người bệnh.

Rất may mọi người tai qua nạn khỏi nhưng một lần nữa, sự việc lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự an toàn của bữa ăn trong các khu công nghiệp, các nhà bếp tập thể.

Trước đó, hàng trăm công nhân của một công ty trong khu công nghiệp Chương Mỹ, Hà Nội sau khi dùng bữa trưa cũng lên cơn đau bụng quằn quại.

Qua xét nghiệm cho thấy, thủ phạm dẫn đến vụ việc này là món canh rau ngót nhiễm khuẩn lỵ.

Còn ở phía Nam, một vụ ngộ độc với hơn 300 công nhân trong khu công nghiệp Long Hậu (Long An) đã phải nhập viện.

Bệnh viện tuyến dưới không thể cấp cứu xuể, vậy là ngành Y tế TP Hồ Chí Minh phải điều động nguồn lực từ nhiều bệnh viện tuyến trên thì mới có đủ y, bác sĩ và các phương tiện cứu người.

 

Minh họa của Lê Tiến Vượng.

Minh họa của Lê Tiến Vượng.

Rõ ràng, những ca ngộ độc thực phẩm thời gian qua không chỉ tăng về số vụ, mà còn cả số người bị nhiễm, tập trung đến gần 70% tại các khu công nghiệp.

Khảo sát mới đây được công bố khiến tất cả chúng ta đều choáng: Theo Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm cho thấy, trong 14 năm qua, cả nước xảy ra 2.683 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 78.051 người bị ngộ độc phải nhập viện, trong đó 688 ca tử vong.

Vậy đấy, sướng vì ăn mà khổ cũng vì ăn. Nhưng để dẫn tới hậu quả là cướp đi mạng sống của một con người từ việc ăn uống thì đó quả là một bi kịch mang tính xã hội.

Vậy đâu là nguyên nhân của những bi kịch này? Bữa ăn cho công nhân trong khu công nghiệp với số tiền ít ỏi thì làm sao đòi hỏi thực phẩm chất lượng, rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, công nhân làm việc trong khu công nghiệp với cường độ lớn, liên tục nhưng bữa ăn chỉ đáp ứng được 2/3 nhu cầu dinh dưỡng.

Với khẩu phần quá khiêm tốn, cốt sao công nhân ăn no nên thực phẩm nhập vào với giá siêu rẻ. Dân gian có câu: "Của rẻ là của ôi, của đầy nồi là của không ngon", chính vì thế, việc công nhân bị ngộ độc thực phẩm cũng là điều dễ hiểu.

Còn đây là một cảnh báo khác từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Chúng ta sống được chính là từ nguồn lương thực, thực phẩm được sử dụng mỗi ngày.

Song, lương thực, thực phẩm lại là nguyên nhân gây ra khoảng 50% số người tử vong trên toàn thế giới. WHO cảnh báo, trong 20 năm nữa, các ca ung thư trên toàn thế giới sẽ tăng gần 60%.

Trong đó, Việt Nam được dự đoán là nước có số ca ung thư tăng nhanh nhất thế giới, mà nguyên nhân chính là các loại hóa chất độc hại dùng để tẩm ướp tồn dư trong thực phẩm.

Cuộc sống hiện đại bên cạnh những văn minh cũng bộc lộ những mặt trái của nó, điển hình là việc vì lợi nhuận, con người trở nên độc ác với đồng loại.

Biết bao loại thực phẩm bẩn nhập lậu đã được "phù phép" bằng nhiều loại hóa chất rồi trôi nổi trên thị trường.

Bản thân người thực hiện hành vi này cũng quá hiểu tác hại của nó với sức khỏe con người, nhưng vì lợi nhuận, họ bất chấp tất cả.

Khi những khẩu hiệu kêu gọi chưa mang lại kết quả như mong muốn thì biện pháp hữu hiệu chính là xử lý nghiêm khắc, triệt để.

Dư luận đòi hỏi phải truy tố những cơ sở sản xuất, chế biến hay những người kinh doanh thực phẩm nhiều lần vi phạm nghiêm trọng hoặc tái diễn với mức án nghiêm khắc.

Chỉ có vậy, chúng ta mới hạn chế được những hậu quả đau lòng từ việc ăn uống mỗi ngày.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại