Sinh năm 1912, nay đã 98 tuổi mà vẫn mạnh khỏe, giáo sư Can Tổ Vọng được tôn sùng như một bậc đại danh y đương đại của Trung Quốc.
Ông là bác sỹ đầu ngành chuyên về Tai - Mũi - Họng, là người đi tiên phong trong công cuộc hiện đại hóa chuyên khoa này của nền y học Trung Quốc.
Xuất thân là Giáo sư Y khoa của Đại học Nam Kinh, ông Can Tổ Vọng nhận được sự trợ cấp đặc cách của chính phủ cho các công trình nghiên cứu của mình (Ảnh: nguồn internet)
Những học thuyết ông đưa ra không chỉ đặt nền móng cho ngành Tai – Mũi – Họng mà còn đưa Trung Y thoát khỏi những quan điểm rập khuôn truyền thống.
Đóng góp của ông đã giúp y học Trung Y tiến từ “Tứ chẩn” (khám bệnh bằng cách nghe – nhìn – hỏi – chạm) lên “Ngũ chẩn” (bổ sung thêm xét nghiệm, chẩn đoán bằng máy móc).
Can Tổ Vọng cũng điều chỉnh từ “Bát cương” (gồm 4 cặp phạm trù âm – dương, trong – ngoài, nóng – lạnh, hư – thực) sang “Thập cương biện chứng” (gồm 5 cặp phạm trù là trong – ngoài, nóng – lạnh, hư – thực, ngọn – rễ, riêng – chung).
Suốt đời đam mê khoa học, ông Can từng được mệnh danh là cuốn “Thư sống” nhờ kho tàng kiến thức phong phú của mình. Ông cũng là tác giả của nhiều công trình y học có giá trị đã được xuất bản như “Nghiên cứu về họng trong Trung y”, “Can Tổ Vọng y thoại”…
Mặc dù đã ở tuổi 98, hằng ngày ông vẫn duy trì thói quen đọc sách, dạy học, sưu tầm thư tịch và viết lách.
Tuy thính lực có phần suy giảm, việc giao tiếp chủ yếu thông qua chữ viết, nhưng ông Can vẫn giữ được tinh thần sáng suốt và trí tuệ vô cùng minh mẫn.
Ông Can Tổ Vọng vẫn duy trì phương châm dưỡng sinh của riêng mình ở tuổi 98 (Ảnh: nguồn internet)
Trước đây, giáo sư Can Tổ Vọng từng mong muốn có thể “làm việc tới năm 90 tuổi, sống thọ tới năm 100 tuổi.” Nay nguyện vọng ấy gần như đã đạt được, ông lại đặt ra mục tiêu sống tới năm 110 tuổi.
Tiết lộ về bí trường họ của mình, ông Can chỉ nói vẻn vẹn trong 8 chữ: “Đồng tâm, nghĩ thực, quy dục, hầu hành", nghĩa là: Tâm như trẻ nhỏ, Ăn như loài kiến, Mưu cầu như loài rùa, Hiếu động như loài khỉ.
Tâm như trẻ nhỏ
“Đồng tâm” nghĩa là tâm như trẻ nhỏ. Hai chữ này muốn hướng con người ta tới tính cách đơn thuần, biểu thị mong ước bản thân luôn giữ được tấm lòng của trẻ thơ, mãi nhiệt tình, dồi dào sức sống.
Đây được xem là biện pháp dưỡng thần vô cùng hiệu quả.
Ăn như loài kiến
“Nghĩ thực” có nghĩa là ăn như loài kiến. Ta có thể hiểu theo hai nội hàm ý nghĩa: thứ nhất là ăn ít như kiến, thứ hai là ăn tạp (cái gì cũng ăn một chút) như kiến.
Phương châm này khuyên chúng ta chỉ cần ăn đồ không có hại cho sức khỏe và tinh thần, ngoài ra không cần đặt ra nhiều yêu cầu khác về hình thức, hương vị…
Tất nhiên vấn đề vệ sinh cần chú trọng, nhưng cũng không nên quá khắt khe.
Mưu cầu như loài rùa
“Quy dục” có thể hiểu là mưu cầu như loài rùa. Đây là loài vật có tuổi thọ rất cao, được tôn sùng như linh vật của điềm lành.
Điều đáng học tập ở rùa là tập tính ít tranh giành, ít toan tính.
Mưu cầu như loài rùa không phải khuyên người ta làm con rùa rụt đầu, mà nên học tập bản lĩnh lấy tĩnh chế động, lấy cái bất biến để đối phó lại cái vạn biến trong cuộc đời.
Hiếu động như loài khỉ
“Hầu hành” mang hàm ý là hiếu động như khỉ. Khỉ vốn là loài vật rất nhạy bén về phương diện phản ứng, vô cùng hoạt bát, lanh lợi, ít nghỉ ngơi, không trì trệ, luôn giữ được tinh thần phấn chấn.
Loài vật này có hai điểm rất đáng để con người học tập. Thứ nhất là chăm vận động. Sự hiếu động này không phải chỉ những vận động mạnh như chạy bộ, tập võ… mà chỉ đơn giản như việc ít ngồi, chăm đi bộ.
Điểm thứ hai là biết cách hạn chế tính lười biếng. Nếu trong tâm tự có tinh thần, ý chí đẩy lùi sự lười biếng, trì trệ, tư tưởng sẽ được biểu hiện qua hành động, ắt trở thành người chăm vận động.
* Theo Sina Health