Những thói quen thường ngày của người Việt Nam như: lười vận động, hút thuốc lá, uống rượu nhiều, thừa lượng muối và lượng chất béo trong khẩu phần ăn… tưởng chừng như vô hại trước mắt, nhưng nó đang âm thầm tàn phá cơ thể của chúng ta.
Tăng huyết áp chính là "kẻ giấu mặt" âm thầm đó. Vì vậy, hãy thay đổi thói quen sống của bạn để có cuộc sống khỏe mạnh hơn.
Dưới đây là một số lời khuyên của Liên ủy ban quốc gia về phòng ngừa, phát hiện, đánh giá và điều trị tăng huyết áp (JNC VII ) và Hiệp hội châu Âu về Tăng huyết áp (ESH) về thói quen sống lành mạnh có thể giúp bạn kiểm soát tốt và phòng tránh tăng huyết áp.
• Chế độ ăn uống lành mạnh:
- Tăng khẩu phần: hoa quả, rau, các loại ngũ cốc và gạo chế biến thô, thực phẩm nhiều chất xơ, thức ăn không có mỡ và ít mỡ, thịt gia cầm không da, thịt nạc, ăn cá 2 lần/tuần hoặc hơn (nhất là loại có nhiều omega 3 như cá hồi, trích,…)
- Giảm tối đa: muối (ăn mặn), chất béo bão hòa hoặc trans fats (mỡ, nội tặng động vật, thực phẩm chiên sẵn), đường.
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo không nên có chế độ ăn nhiều natri (không quá 2% muối trong thức ăn và 1% muối trong nước uống; hoặc không quá 5,8g muối/ngày).
• Giảm cân nặng: Rất nhiều người tăng huyết áp bị thừa cân. Thường thì khi giảm cân, huyết áp của bạn có thể giảm theo một cách đáng kể. Bên cạnh đó thừa cần còn là một yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch.
Chỉ số BMI dưới 25 là mục tiêu để kiểm soát huyết áp. Cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90 cm ở nam và dưới 80 cm ở nữ
Nếu bạn thực hiện một chế độ ăn kiêng, bạn phải tuân thủ nó chặt chẽ bao gồm: giảm lượng rượu uống vào, tăng cường hoạt động thể chất
• Chế độ tập luyện: Tập luyện thể lực là một phần không thể thiếu được của chương trình điều trị hàng ngày. Tập thể dục giúp giảm huyết áp và giảm cân nặng hoặc giữ cho cơ thể ở mức cân nặng lý tưởng.
Chế độ tập luyện tối ưu là tập luyện ít nhất 30 phút mỗi ngày và hầu hết các ngày trong tuần, cường độ tập đủ mạnh (bác sỹ có thể gợi ý phương pháp tốt nhất để luyện tập đối với bạn nếu bạn có vấn đề tim mạch)…
Người bệnh tập nên tập thể dục hằng ngày với bài tập nhẹ nhàng, phù hợp với tình hình sức khỏe. Người bệnh không nên tập thể dục vào thời gian quá sớm hoặc quá muộn trong ngày.
• Bỏ hút thuốc: Nếu bạn hút thuốc hoặc sử dụng thuốc lá, hãy bỏ thuốc lá. Hút thuốc có thể gây hại cho các mạch máu của bạn và tăng nguy cơ tăng huyết áp. Hút thuốc cũng có thể làm trầm trọng thêm vấn đề sức khỏe liên quan đến tăng huyết áp.
Hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn về các chương trình và sản phẩm có thể giúp bạn bỏ thuốc lá. Ngoài ra, cố gắng tránh khói thuốc từ người xung quanh.
• Hạn chế uống rượu quá mức: Nếu bạn uống quá nhiều rượu thì hãy hạn chế bởi uống nhiều rượu làm tăng nguy cơ béo phì, tăng huyết áp khó kiểm soát, tăng nguy cơ tai biến mạch máu não.
Lượng rượu được khuyến cáo uống tối đa hàng ngày là một đơn vị uống (tương đương 142 ml rượu vang đỏ; 341 ml bia; 43 ml rượu mạnh - đây là áp dụng cho người phương Tây, người châu Á có thể lượng thấp hơn).
• Kiểm soát tốt những căng thẳng (stress): Căng thẳng kích thích các phản ứng tăng cường thần kinh giao cảm của cơ thể, tăng tiết các chất adrenalin và làm tăng nguy cơ các biến cố tim mạch ở bệnh nhân tăng huyết áp và làm tăng tần số các cơn tăng huyết áp.
Tăng cường vận động giúp cơ thể khỏe mạnh và giảm stress hiệu quả
Học làm thế nào để quản lý căng thẳng, thư giãn, và đối phó với các vấn đề có thể cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn. Hoạt động thể chất sẽ giúp bạn đối phó với căng thẳng tốt hơn.
Bạn hãy thu xếp công việc, cuộc sống ở mức cân bằng nhất. Hãy m gia tập luyện, thư giãn để giúp bạn tránh khỏi những căng thẳng gặp phải.