5 căn bệnh đáng sợ từ lũ chuột mà bạn có thể gặp phải

Tuyết Anh (T.H) |

Chuột không chỉ phá hoại tài sản, lương thực thực phẩm mà chúng còn là nguồn gốc gây nên rất nhiều loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho con người.

Chuột thuộc bộ gặm nhấm, chúng thường được chia thành các loại khác nhau như: Chuột cống, chuột nhà, chuột nhắt, chuột chũi, chuột chù,…chuột là kẻ thù của con người về cả phương diện vật chất lẫn tinh thần.

Không những gây hại về tài sản, lương thực thực phẩm mà nó còn là mối họa gieo rắc rất nhiều những căn bệnh truyền nhiễm cho con người.

Người ta ước tính chuột có thể gây nên khoảng 35 căn bệnh khác nhau. Tại Việt Nam theo thống kê chuột đã gây ra khoảng 5 căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tiêu biểu như:

Dịch hạch

Dịch hạch là căn bệnh do một loại vi khuẩn có tên Yersinia pestis gây ra. Loại vi khuẩn này được truyền từ chuột sang người qua trung gian bọ chét.

Bọ chét và vật ký sinh trên cơ thể chuột, hút máu chuột rồi nhiễm bệnh, sau đó chúng nhảy sang ký sinh trên cơ thể người và gây bệnh.

Người mắc bệnh dịch hạch có biểu hiện đặc trưng là sốt, ớn lạnh, hạch mạch huyết sưng, nóng, đỏ đau.

Dịch hạch thể phổi sẽ có biểu hiện viêm phổi nặng và có khả năng lây nhiễm từ người sang người là khá cao.

Ở thế kỷ 14 dịch hạch đã gây nên một đạo dịch bệnh giết chết khoảng 30-40% dân số của Châu Âu. Nó được ghi vào lịch sử những đại dịch bệnh khủng khiếp, làm rung chuyển châu lục này.

Năm 1665 ở Anh dịch hạch cũng gây nên cái chết cho 60.000 người. Nó được mệnh danh là cái chết đen, vì khả năng mắc bệnh ở thể hạch có khả năng tử vong đến 75%, thể phổi là 100%.

Hiện tại dịch hạch đang được kiểm soát khá tốt, nhiều năm trở lại đây đã có rất ít các trường hợp mắc dịch hạch.

Bệnh do virus Hantavirus

Loại bệnh này gây ra bởi virus Hanta. Đây là loại virus không gây bệnh trên cơ thể chuột.

Nhưng khi chúng bị nhiễm virus này sẽ thải qua phân, nước tiểu, nước dãi thông qua vết cắn, tiếp xúc trực tiếp với dịch chuột thải ra,…khi tiếp xúc với người sẽ gây nên bệnh.

Bệnh do virus Hanta gây ra được chia làm 2 loại: viêm phổi do virus Hanta và sốt xuất huyết kèm theo suy thận. Hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu cho 2 căn bệnh này.

Bệnh Vàng da xuất huyết (bệnh Leptospirose)

Bệnh vàng da xuất huyết dược gây ra bởi xoắn khuẩn Leptospira, do đó nó còn được gọi với tên gọi khác là Leptospirose.

Con đường lây nhiễm của nó cũng thông qua đường phân, nước tiểu, vết cắn và dịch của chuột thải ra. Bệnh có triệu chứng sốt, vàng da, vàng mắt, sưng huyết kết mạc, đau cơ, nổi hồng ban,…Loại bệnh này có thể điều trị bằng kháng sinh.

Bệnh do vi khuẩn Salmonella

Vi khuẩn Salmonella thường có trong phân chuột, hay một số loại thú cưng, loài gặm nhấm,…người bệnh có thể nhiễm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với phân hay thực phẩm do chuột ăn dở, làm ô nhiễm.

Bệnh khởi phát nhanh trong vòng từ 12-27 giờ đồng hồ, với triệu chứng sốt, tiêu chảy, đau quặn bụng. Bệnh sẽ tự khỏi trong vòng 4-7 ngày mà không cần điều trị.

Sốt chuột cắn

Chuột rất ít khi tấn công người, nhưng nếu bạn vô tình bị chúng cắn phải sẽ rất nguy hiểm. Vết cắn chứa nước bọt của chuột có thể mang đến cho bạn 2 căn bệnh tiêu biểu như bệnh dại hoặc sốt do chuột cắn.

Căn bệnh này do các loại vi khuẩn sống trong nước bọt của chuột gây ra. Theo vết cắn, nhiễm vào máu và gây nên hiện tượng sốt cho bạn.

Sau 2-10 ngày bị chuột cắn sẽ phát bệnh. Người bệnh sẽ có triệu chứng sốt, nôn mửa, đau khớp, đau cơ, xuất hiện hồng ban hoặc xuất huyết dưới da.

Căn bệnh này có thể điều trị khỏi bằng kháng sinh.

Phòng ngừa bệnh truyền nhiễm gây ra do chuột bằng cách nào?

Hầu hết các loại bệnh do chuột gây ra kể trên đều chưa có vaccine phòng ngừa. Do đó, cách tốt nhất để bảo vệ môi trường sống của mình và tránh không bị các bệnh truyền nhiễm kể trên tấn công bạn nên:

- Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ.

- Tiêu diệt chuột trên phạm vi sinh sống của gia đình.

- Tránh tiếp xúc với chuột hay các chất thải của chuột.

- Có chế độ vệ sinh, chăm sóc cẩn thận khi bị chuột cắn, rửa sạch vết thương và sát trùng.

- Khi phát hiện có chuột chết nên dùng tay ni lông gói chuột vào túi bóng rồi cho vào thùng rác. Tránh trường hợp phát tán virus, vi khuẩn có trong chuột ra môi trường sống gây nên các dịch bệnh.

- Dọn nhà sạch sẽ, tránh để những vật dụng bừa bãi làm nơi ẩn náu và sinh sống cho chuột.

- Khi có những biểu hiện phát bệnh sau khi bị chuột cắn, hay tiếp xúc với các chất thải của chuột nên đến gặp bác sĩ ngay để có phương án điều trị kịp thời.

Cách diệt chuột an toàn

- Có thể dùng bẫy chuột.

- Nuôi mèo trong nhà.

- Dùng tinh chất bạc hà hay dùng bạc hà khô treo ở những nơi chuột hay lui tới. Khi ngửi thấy mùi bạc hà chuột sẽ chạy mất.

- Tương tự bạn cũng có thể dùng bột quế hay tinh dầu quế để đuổi chuột.

- Dùng khoai tây nghiền hoặc xi măng khô để làm mồi cho chuột ăn. Khi ăn phải khoai tây hoặc xi măng chuột sẽ bị khát nước. Khi gặp nước vào khoai tây hoặc xi măng sẽ nở ra trong dạ dạy chuột và chúng sẽ bị chết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại