Sống chung với tiểu đường tuýp 2 như thế nào?

Khánh Ngọc |

Với những bệnh nhân tiểu đường thì chỉ cần một sai lầm nhỏ cũng có thể dẫn đến hạ đường huyết và gây hôn mê thậm chí tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

Hạ đường huyết cấp

Năm 38 tuổi, anh Nguyễn Văn Tuấn (Hai Bà Trưng- Hà Nội) được chẩn đoán tiểu đường tuyp 2. Mặc dù vậy anh vẫn giấu bệnh bởi anh không muốn còn trẻ đã mang tiếng bị bệnh mãn tính.

Anh Tuấn cho biết cách đây 5 tháng anh thấy người mệt mệt và đi kiểm tra được bác sĩ chẩn đoán tiểu đường tuyp 2 khi đói đường huyết lên tới 12 mmol/l.

Anh được bác sĩ tư vấn uống thuốc hạ đường huyết nhưng đường huyết không giảm nên anh phải tiêm insulin để giảm đường huyết hàng ngày.

Cách đây không lâu, anh Tuấn được người bạn mời đến nhà dự tiệc. Do dự mãi, anh Tuấn dắt xe đi đến nhà bạn nhậu.

Dù đã dặn mình phải kiềm chế nhưng trong cuộc nhậu anh đã quên mình là bệnh nhân tiểu đường. Đang ăn, mọi người thấy anh gục xuống tưởng anh say rượu đến một lúc nâng anh Tuấn lên thì anh đã không biết gì.

Mọi người vội vàng đưa anh vào cấp cứu và báo cho vợ anh. Vì biết bệnh của chồng nên chị nghi có thể anh bị hạ đường máu cấp nên đến ngay bệnh viện và thông tin bệnh của chồng cho bác sĩ. May mắn, anh Tuấn đã thoát chết.

Trần Văn Th. 56 tuổi, ở Hà Nội cũng phải cấp cứu trong tình trạng hôn mê. Bệnh nhân có tiền sử bệnh đái tháo đường typ 2 nhưng phải điều trị bằng insulin bán chậm 25 UI/ngày tiêm DD.

Buổi trưa trước khi vào viện, bệnh nhân uống rượu và không ăn gì, tới chiều tối vẫn tiêm 20 UI insulin DD. 19h, gia đình phát hiện bệnh nhân đã hôn mê… Sau khi được cấp cứu và điêu trị kịp thời bệnh nhân đã qua khỏi cơn nguy hiểm…

Sống chung với tiểu đường tuyp 2 như thế nào?

Thạc sĩ Nguyễn Huy Cường – Nguyên bác sĩ khoa Nội tiết Bệnh viện Bạch Mai cho biết với bệnh nhân tiểu đường khi ăn cần phải có chế độ dinh dưỡng hợp lý không nên thái quá nhưng cũng không quá kiêng khem.

Bác sĩ Cường cho biết khi ăn, người bệnh cũng cần tính lượng chất bột đường (carbonhydrate): khối lượng chất bột đường ảnh hưởng rất lớn đến đường máu.

Hãy nhìn vào bữa ăn và nhẩm tính mình muốn ăn gì? Món nào có chất bột đường? Khối lượng nên ăn? Cân bằng các chất đạm, chất béo, chất bột đường, rau, quả chín.

Thức ăn được dán nhãn “không có đường” hay “đồ ăn kiêng cho người tiểu đường” không có nghĩa là trong đó không có chất bột đường.

Ví dụ như 100g bột sữa dành cho người tiểu đường thường có 50-55g chất bột đường, sau khi pha chế: mỗi cốc sữa tiêu chuẩn thường có 25-30g chất bột đường. Vậy nên đừng ngạc nhiên nếu sau khi uống sữa dành cho người tiểu đường thấy đường máu vẫn tăng cao.

Trong những ngày lễ, ngày có tiệc thì bệnh nhân cần thử đường máu trước khi uống rượu: rượu có thể gây hạ đường máu. Do vậy nên thử đường máu trước khi định có kế hoạch uống rượu. Hãy ăn đồ ăn có chứa chất bột đường.

Nếu chỉ nhấm nháp những thứ đồ nhậu như nem chua, quả cóc, thịt bò khô, pho-mat mà uống nhiều rượu sẽ làm gan sản xuất ra ít đường hơn nên dễ bị hạ đường máu. Lý tưởng nhất là chỉ uống rượu sau khi đã ăn đầy đủ bữa cơm.

Không nên giấu người thân, bạn bè trong bữa tiệc về bệnh tiểu đường vì các triệu chứng say rượu và hạ đường máu giống nhau. Nếu bạn có những triệu chứng nghi ngờ thì người đó sẽ ở bên và có thể giúp thử đường máu .

Đi bộ sau khi ăn: nên đi bộ sau khi ăn chừng 1 giờ. Sự vận động giúp làm giảm đường máu do tiêu thụ phần thức ăn thường đưa vào quá mức trong các bữa tiệc tùng.

Khống chế stress: sự qúa tải công việc chuẩn bị cho kỳ nghỉ hay thái quá trong những ngày lễ thường khiến chúng ta rơi vào tình trạng stress.

Và khi bị stress đường máu sẽ bị tăng cao do các hoc-môn chống stress được tiết ra nhiều. Đi bộ, nghe nhạc nhẹ, khiêu vũ.. hoặc các hình thức giải trí theo sở thích giúp khống chế stress tốt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại