Sốc phản vệ: Nguy cơ chết người này không trừ một ai

Tiểu Nhã |

Sốc phản vệ là một trong những nguy cơ có thể xảy ra bất cứ lúc nào với bất cứ ai. Khi gây mê phẫu thuật, thậm chí chỉ là tiêm đều khiến các bác sĩ không thể lường trước được.

Ca bệnh điển hình

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh – chuyên khoa Gây mê Hồi sức bệnh viện Đại học Y TP.HCM cho biết, sốc phản vệ có thể xảy ra bất cứ lúc nào với bất cứ ai.

Lịch sử của ngành gây mê hồi sức đã lấy vì dụ về một ca điển hình của "sốc thuốc mê" xảy ra với Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ Pháp năm 1998 khi ông này vào một Bệnh Viện Quân Đội nổi tiếng Val - De - Grace tại Paris để cắt túi mật.

Cũng phải nói thêm là Bệnh viện Val-De- Grace là một bệnh viện của Quân đội, chuyên điều trị cho các Chính khách của Pháp cũng như của nước ngoài (Cựu Hoàng Bảo Đại cũng điều trị và qua đời tại đây năm 1997).

Ngay sau khi tiêm thuốc mê, ông đã rơi vào trạng thái ngưng tim, suy hô hấp, biểu hiện điển hình của một tình trạng sốc phản vệ.

Người ta phải mất đến hơn 1h cấp cứu tích cực mới làm cho tim đập lại và sau đó bệnh nhân phải thở máy, chạy thận nhân tạo hỗ trợ. Một ngày sau thì ông mới thoát khỏi tình trạng hôn mê.

Người ta cũng chỉ nghi ngờ nguyên nhân gây ra tình trạng Sốc Phản Vệ này là phản ứng quá mẫn với Norcuron (là một loại thuốc làm mềm cơ được sử dụng thường xuyên trong quá trình gây mê).

Bác sĩ Tuấn Anh cho rằng, điều tích cực của trường hợp này là điều trị sốc phản vệ kịp thời và đúng cách, cộng thêm sự may mắn của người bệnh.

Sốc phản vệ: Nguy cơ chết người này không trừ một ai - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Sốc phản vệ không trừ ai

Bác sĩ Tuấn Anh nhấn mạnh, sốc phản vệ trong quá trình gây mê và phẫu thuật là một biến chứng có thật, xảy ra thường nằm ngoài ý muốn của người làm gây mê hồi sức.

Vì trong quá trình gây mê hồi sức và phẫu thuật thì chúng ta dùng rất nhiều loại thuốc (thuốc ngủ, thuốc giảm đau, thuốc làm mềm cơ, thuốc sát trùng, thuốc cản quang...).

Đồng thời dùng dụng cụ y khoa (găng tay, dụng cụ thông, băng keo...) và tất cả chúng đều có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng mà chúng ta ta hay gọi là "sốc thuốc mê".

Bác sĩ Tuấn Anh cho biết tất cả các thuốc, hoá chất và dụng cụ y khoa đều có thể gây ra những phản ứng phụ tuỳ mức độ nặng nhẹ.

Có một phản ứng phụ đáng sợ nhất và có thể đe doạ đến tính mạng người bệnh đó chính là sốc phản vệ.

Bản chất của sốc phản vệ là một phản ứng quá mức của cơ thể với các chất lạ đưa vào cơ thể theo hoặc không theo cơ chế miễn dịch.

Phản ứng này sinh ra các chất hoá học và những chất này là thủ phạm gây ra tình trạng sốc phản vệ trên lâm sàng mà điển hình là tình trạng rối loạn tuần hoàn, hô hấp, phản ứng ngoài da với mức độ từ nhẹ cho đến nặng nề.

Cụ thể như ngưng tim, ngưng thở, đe doạ tính mạng và có thể tử vong nhanh chóng nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.

Mức độ nặng nhẹ lại phụ thuộc vào chính bản thân của người bệnh tương tác với thuốc chứ ít phụ thuộc vào liều thuốc đưa vào cơ thể.

Nguyên nhân sốc phản vệ người ta chỉ có thể xác định chắc chắn được một số loại thuốc, hoá chất gây ra sốc phản vệ sau khi bệnh nhân ổn định tại những cơ sở y tế có trang bị Labo mạnh về miễn dịch học, vì có rất nhiều trường hợp dương tính hay âm tính giả.

Sốc phản vệ cũng có thể xảy ra với bất kỳ ai mà trước đó không có tiền sử dị ứng thuốc hay với hoá chất, thức ăn.

Việc làm test trước khi sử dụng thuốc cũng không có giá trị phòng ngừa được sốc phản vệ vì hiện nay không có một chuẩn mực nào về thử test. Các kết quả thử test thường cho kết quả âm tính hoặc dương tính giả.

Các trường hợp sốc phản vệ thông qua cơ chế miễn dịch lại không phụ thuộc vào liều lượng, chỉ cần một liều rất nhỏ thuốc đưa vào cơ thể cũng có thể làm bùng phát phản ứng miễn dịch dây chuyền và gây ra sốc phản vệ.

Về nguyên nhân gây ra sốc phản vệ trong gây mê hồi sức và phẫu thuật thì ở Việt Nam chưa có một nghiên cứu nào nói lên tần xuất và nguyên nhân.

Nhưng những sự cố "sốc thuốc mê" vẫn thường xuyên xuất hiện trên phương tiện truyền thông cũng như trong những câu chuyện ngoài lề.

Ở nước ngoài thì người ta đã làm những nghiên cứu lớn và chỉ ra được một số thuốc, hoá chất là nguyên nhân gây ra tình trạng "sốc thuốc mê" với tỷ lệ không phải là hiếm gặp (1/4000 -1/25.000 cas mổ).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại