Sở Y tế TP.HCM khẳng định mua thiết bị, vật tư chống dịch 'đúng quy trình, giá rẻ'

Xuân Mai |

Sở Y tế TP.HCM cho biết trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh, cần triển khai nhiều biện pháp cấp bách, nhưng việc mua sắm trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế... phục vụ chống dịch là đúng quy trình, có giá rẻ so với các thời điểm khác.

Sở Y tế TP.HCM khẳng định mua thiết bị, vật tư chống dịch đúng quy trình, giá rẻ - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi làm việc tại trụ sở Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM - Ảnh: XUÂN MAI

Sáng 30-12, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có buổi làm việc với Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP và Thanh tra TP về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 ; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Khẩn cấp nhưng chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, đúng quy trình

Mở đầu buổi làm việc, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu đã nhắc lại trận dịch COVID-19 lịch sử với 4 đợt giãn cách xã hội vừa qua. Do dịch bùng phát mạnh, TP phải triển khai rất nhiều giải pháp cấp bách và điều này cũng gây khó khăn với những quy định hiện hành như mua sắm với giá trị lớn nhưng bằng hình thức chỉ định thầu rút gọn.

"Trong dịch bệnh khẩn cấp nhưng chúng tôi cũng chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, làm đúng quy trình khi mua sắm trang thiết bị phục vụ chống dịch để sau này phục vụ thanh tra, kiểm toán", ông Châu nói.

Theo báo cáo của Sở Y tế, kinh phí mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, sinh phẩm, bao gồm kit xét nghiệm, là hơn 3,4 ngàn tỉ đồng.

Việc mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế trong thời gian dịch bệnh có nhiều khó khăn như hàng hóa khan hiếm, nhà cung cấp cung ứng nhỏ giọt, nhiều nhà cung cấp không hoạt động, giá cả tăng nhanh.

Ngành y tế cũng gặp khó khăn khi thực hiện các văn bản quy định về mua sắm, dẫn đến việc chậm muộn, hoặc có những trang thiết bị không thể mua được.

Ông Nguyễn Hồng Tâm - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) - cũng cho hay thời điểm dịch COVID-19 bùng phát cũng là lần đầu tiên đơn vị tổ chức mua sắm vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm với số lượng lớn, lại thêm áp lực công việc nên gặp nhiều lúng túng.

Một số trang thiết bị, vật tư y tế chưa có đơn giá nên tạm thời các đơn vị ghi nhận và thực hiện hạch toán theo chế độ kế toán hiện hành.

Sở Y tế TP.HCM khẳng định mua thiết bị, vật tư chống dịch đúng quy trình, giá rẻ - Ảnh 2.

Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam khẳng định giá mua trang thiết bị, vật tư y tế... phục vụ chống dịch là rẻ hơn so với các thời điểm khác - Ảnh: XUÂN MAI

Giá mua sắm phục vụ chống dịch COVID-19 rẻ hơn các thời kỳ

Ông Nguyễn Hoài Nam - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho hay công tác mua sắm trang thiết bị y tế trong thời gian dịch COVID-19 hầu hết đều theo phương án chỉ định thầu rút gọn, căn cứ trên năng lực của nhà cung cấp. Việc mua sắm này theo đúng quy định và giá vào thời điểm đó là đã thấp nhất so với tất cả các thời điểm khác.

"Chúng tôi khẳng định giá mua trang thiết bị, vật tư trong thời gian trước dịch, trong dịch và sau dịch của các đơn vị và Sở Y tế TP là giá rẻ", ông Nam nhấn mạnh.

Ông Nam cho biết thêm, việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế... căn cứ vào thông tư 14. Đối với những đơn vị nhập khẩu thì không phân phối mà sẽ ủy quyền cho một đơn vị phân phối khác.

Đơn vị phân phối này tham gia đấu thầu trong các cơ sở y tế nhưng giá tờ khai thì các cơ sở y tế, Sở Y tế không biết được.

Hiện giám đốc các bệnh viện cũng như Sở Y tế TP rất tâm tư về vấn đề này. Dù mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế... đúng quy trình, nhưng khi thanh tra thì thông báo có dấu hiệu vi phạm.

"Ví dụ một máy có giá khoảng 4 tỉ đồng vào thời điểm trước dịch COVID-19. Trong thời điểm dịch, cũng máy này, có cùng cấu hình thì Sở Y tế mua 2,8 tỉ đồng nhưng vẫn bị cho là có dấu hiệu sai phạm", ông Nam chia sẻ.

Trước khó khăn này, Sở Y tế TP kiến nghị khi thanh, kiểm tra công tác mua sắm, nhất là mua sắm phục vụ phòng chống dịch thì cần xem xét bối cảnh thực tế trong giai đoạn dịch bệnh và tinh thần nghị quyết 30 của Quốc hội.

Về nâng cao năng lực y tế cơ sở, ông Châu cho hay quan điểm của ngành y tế không phải là đưa bác sĩ chuyên khoa của các bệnh viện tuyến cuối của TP về trạm y tế, mà là phải xây dựng cho được một đội ngũ nhân viên y tế (bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, cử nhân y tế công cộng…) được đào tạo một cách bài bản.

Đồng thời, đội ngũ này phối hợp nhuần nhuyễn, kết nối chặt chẽ với tuyến trên, lãnh đạo địa phương, với các ban ngành, đoàn thể để quản lý và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân một cách toàn diện.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại