Bản kế hoạch - sản phẩm của nỗ lực bốn tháng làm việc cật lực - là một chiến thuật tối mật để ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.
"Giả định ban đầu là một quốc gia tiên tiến về công nghệ với các nguồn lực phong phú như Iran sẽ sở hữu bom nguyên tử vào 1 ngày nào đó", trích lời ông Tamir Pardo, cánh tay phải của giám đốc huyền thoại của Mossad vào thời đó, Meir Dagan. "Nói cách khác, việc ngừng ngay lập tức dự án chỉ có thể là do sự đổi ý hoặc sự thay đổi trong giới lãnh đạo cao cấp ở Iran."
Theo Pardo, "Trong tình huống này, Israel có ba lựa chọn. Một: Xâm lược Iran; Thứ hai: Tạo ra một sự thay đổi trong thể chế ở Iran; Thứ ba: Thuyết phục Tehran rằng giá việc sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ phải trả giá lớn hơn nhiều so với việc họ ngừng chương trình."
Do lựa chọn thứ nhất và thứ hai không thực tế, chỉ có lựa chọn thứ ba, tức là tiến hành các chiến dịch công khai và bí mật để gây áp lực lên các nhân vật chủ chốt tại Iran, nhằm buộc họ ngưng chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.
"Trong lúc này, chúng ta sẽ chờ đợi Tehran đi đến kết luận rằng vũ khí hạt nhân không đem lại giá trị cho đất nước họ" giám đốc Dagan nói trong một tổng kết. "Chúng ta phải áp dụng một số biện pháp khiến cho hoạt động chế tạo bom liên tục bị trì hoãn và tới đỉnh điểm là họ không muốn sở hữu loại vũ khí này".
Meir Dagan đồng tình với kế hoạch của Pardo và phát triển thành 5 hướng tiếp cận khác nhau: áp lực ngoại giao nặng nề, trừng phạt kinh tế, hỗ trợ các nhóm thiểu số Iran và các nhóm đối lập, gây gián đoạn các lô hàng thiết bị và nguyên liệu cho chương trình hạt nhân, cuối cùng là các chiến dịch mật - bao gồm phá hoại cơ sở chế tạo vũ khí và ám sát các nhân vật chủ chốt trong chương trình hạt nhân Iran.
Cựu giám đốc Mossad Meir Dagan, người khởi xướng chiến dịch ám sát mật nhằm vào các nhà khoa học Iran. Ông Dagan đã qua đời năm 2016 (Ảnh: Miriam Alster/Flash90)
Chiến dịch ám sát mật
Hiệu quả đằng sau những chiến dịch ám sát các nhà khoa học Iran từ trước tới nay chưa bao giờ được tiết lộ.
Lần đầu tiên, dựa trên các cuộc phỏng vấn các nguồn tin cao cấp của Israel, Mỹ, Anh, Đức và Pháp, có thể kiểm chứng thông tin về những hoạt động tình báo, chính trị và ngoại giao lớn nhất từng được tiến hành nhằm ngăn chặn dự án của một quốc gia phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt. Hệ quả của hoạt động này là sự nhượng bộ của Iran khi đồng ý kí kết thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5+1.
Ý tưởng đằng sau nỗ lực tổng hợp này - "một loạt các chiến dịch nhằm thay đổi thực tế", theo lời của Dagan - là sự trì hoãn trong kế hoạch chế tạo bom nguyên tử càng lâu càng tốt. Trừng phạt kinh tế gây ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, buộc các lãnh đạo Iran phải từ bỏ dự án hạt nhân.
Để hỗ trợ cho những nỗ lực này, sự hợp tác bốn bên giữa Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA), Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA), Mossad và cơ quan tình báo quân sự của Israel (AMAN), đã được chính thức hóa bằng một thỏa thuận hợp tác giữa hai nhà lãnh đạo vào thời đó, Tổng thống Mỹ George W. Bush và Thủ tướng Israel Ehud Olmert. Thỏa thuận gồm chia sẻ các nguồn thông tin và phương pháp tình báo. Đây là một thỏa thuận rất bất thường trong quan hệ tình báo giữa các quốc gia, ngay cả giữa những đồng minh thân thiết.
Các cơ quan tình báo và Bộ Tài chính Mỹ, cùng với đơn vị Spear của Mossad - chuyên về chiến tranh kinh tế, đã tiến hành các biện pháp trừng phạt kinh tế toàn diện để làm suy yếu dự án hạt nhân của Iran. Hai nước cũng bắt đầu nỗ lực để xác định việc Iran mua thiết bị cho dự án, đặc biệt là các loại thiết bị mà Iran không sản xuất được, và khiến cho các chuyến hàng không thể tới Iran. Hoạt động này diễn ra trong nhiều năm, từ thời chính quyền tổng thống Bush và cả tổng thống Barack Obama.
Nhưng người Iran vẫn không bỏ cuộc dễ dàng. Tháng 6/2009, Mossad, cùng với tình báo Mỹ và Pháp, phát hiện rằng Iran đã chế tạo bí mật thiết bị làm giàu uranium ở ngay dưới ngọn núi gần Qom. Ba tháng sau đó, Tổng thống Obama công bố thông tin này, lên án nhà máy và thắt chặt trừng phạt kinh tế.
Cùng với đó, các nước cũng tiến hành đồng thời các hoạt động phá hoại dẫn tới một loạt sự cố trong việc cung cấp các thiết bị cho nhà máy hạt nhân của Iran: máy vi tính ngừng hoạt động, máy biến thế bị đốt cháy hay máy ly tâm không vận hành bình thường.
Trong một cuộc chiến dịch lớn nhất và quan trọng nhất chung giữa Mỹ- Israel đối với Iran, được gọi là "Thế vận hội", virus máy tính - một trong số đó được gọi là Stuxnet - gây thiệt hại nghiêm trọng cho hệ thống máy móc làm giàu uranium của dự án hạt nhân Iran.
Phương thức tiếp cận cuối cùng trong kế hoạch của Dagan - là ám sát các nhà khoa học chủ chốt của Iran - do Mossad thực hiện. Theo một số nguồn tin, bao gồm từ một số quan chức cấp cao của CIA, Dagan đã biết rằng Mỹ sẽ không tham gia. Mossad đã lên danh sách 15 nhà nghiên cứu Iran cần loại bỏ.
Ngày 14/1/2007, Tiến sĩ Ardeshir Hosseinpour, nhà khoa học hạt nhân 44 tuổi làm việc tại nhà máy urani Isfahan, đã chết bí ẩn. Thông báo chính thức ghi nhận rằng ông đã ngạt thở "sau một vụ rò rỉ khí gas", nhưng tình báo Iran cho rằng ông là nạn nhân của phía Israel.
Vào ngày 12/1/2010, lúc 8h10 sáng, Masoud Alimohammadi - một trong những nhà khoa học hàng đầu trong dự án hạt nhân của chính phủ - rời khỏi nhà trong khu phố giàu có ở phía bắc Tehran và đi về phía chiếc xe của mình. Khi mở cửa xe, một chiếc xe gắn máy gắn bom gần đó đã nổ tung và giết chết ông.
Ngày 29/11 cùng năm, hai người lái mô-tô đã gài mìn vào xe hơi của hai nhân vật cấp cao trong dự án hạt nhân Iran. Tiến sĩ Majid Shahriari đã bị giết bởi vụ nổ trong chiếc Peugeot 206. Ở vụ việc khác, Fereydoon Abbasi-Davani và vợ đã kịp chạy ra khỏi ô tô trước khi nó phát nổ ngay bên ngoài trường đại học Shahid Beheshti.
Người Iran nhanh chóng nhận ra tình hình và bắt đầu bảo vệ chặt chẽ các nhà khoa học, đặc biệt là trưởng nhóm vũ khí Mohsen Fakhrizadeh, nhân vật được xem là đầu não của dự án. Phía Iran đã huy động nhiều xe cảnh sát trực xung quanh nhà riêng của các nhà khoa học, khiến cuộc sống của họ luôn trong tình trạng căng thẳng, sợ hãi.
Lò phản ứng của nhà máy năng lượng hạt nhân Bushehr nằm ngay bên ngoài thành phố Bushehr, Iran (Ảnh: AP/Mehr News Agency/Majid Asgaripour)
Chiến dịch tạo ra những tác động không ngờ
Iran bắt đầu lo ngại rằng người của Israel đã xâm nhập hàng ngũ của họ. Từ đó, Tehran triển khai nỗ lực để tìm kẻ chỉ điểm và thắt chặt an ninh.
Người Iran cũng quan ngại khả năng thiết bị mua từ chợ đen cho dự án hạt nhân đã bị Israel "nhúng tay". Quy trình kiểm tra an ninh được tăng cường nghiêm ngặt, khiến tiến độ chậm đáng kể.
Tuy vậy đến cuối năm 2010, chiến dịch ám sát chưa đạt hiệu quả như Israel kỳ vọng, dù Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak nói chương trình "thành công ngoài điều tôi mong đợi".
Ông và thủ tướng Bejamin Netanyahu đều kết luận rằng Iran đã gần đến thời điểm các cơ sở chế tạo vũ khí không thể bị phá hủy, và nhất trí rằng Israel nên có hành động trước khi quá muộn.
Họ đã ra lệnh cho Lực lượng Quốc phòng Israel và các lực lượng tình báo chuẩn bị cho một chiến dịch khổng lồ: Không kích vào trung tâm của Iran.
Tel Aviv chi khoảng 2 tỷ USD cho cuộc tấn công và tin rằng Iran sẽ phản công ngay sau đó. Tehran có thể sử dụng 50.000 tên lửa (đến năm 2018, tình báo Israel ước tính con số này đã tăng lên 100.000), hoặc có thể kích hoạt các mạng lưới do họ hậu thuẫn ở nước ngoài, với sự trợ giúp của tình báo Iran, để tấn công các mục tiêu Israel.
Tháng 9/2010, Netanyahu nói với Dagan rằng ông không thể tái nhiệm sau một loạt mâu thuẫn giữa hai người. Ông Dagan đã quyết định từ chức.
Tình báo Iran tin rằng rằng chỉ một vài tháng sau đó, tân giám đốc Mossad Tamir Pardo đã tiếp tục chiến dịch ám sát các nhà khoa học Iran do người tiền nhiệm khởi xướng.
Vào tháng 7/2011, một người đi xe máy đã đi theo Darioush Rezaeinejad - tiến sĩ vật lý hạt nhân và là nhà nghiên cứu cao cấp của Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran, cho đến khi anh ta đến được một điểm gần trại Imam Ali - căn cứ kiên cố của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giao Iran (IRGC), nơi chuyên thử nghiệm hoạt động làm giàu uranium. Người lái xe rút ra một khẩu súng lục và bắn chết Rezaeinejad.
Những vụ ám sát đã có hiệu quả. Thông tin liên quan đến Mossad chỉ ra rằng họ tạo ra tình trạng "đào tẩu trắng" - nghĩa là các nhà khoa học Iran rất sợ hãi, và nhiều người yêu cầu được chuyển sang các dự án dân sự.
Với ý định rõ ràng là gây ra sự sợ hãi của các nhà khoa học, mục tiêu tiếp theo được lựa chọn không nhất thiết phải ở vị trí cao trong chương trình hạt nhân, nhưng việc loại bỏ người này sẽ gây ra sự lo sợ càng nhiều càng tốt trong số các nhà khoa học.
Hiện trường vụ nổ bom xe ám sát nhà khoa học Iran, ông Mostafa Ahmadi-Roshan năm 2012 (Ảnh: Reuters)
Ngày 12/1/2012, Mostafa Ahmadi-Roshan, một kỹ sư hóa học tại cơ sở làm giàu uranium Natanz, đã rời khỏi nhà và đi đến phòng thí nghiệm ở trung tâm thành phố Tehran. Một lần nữa, một người lái xe mô tô gắn mìn lên ô tô của Mostafa và vụ nổ giết chết ông tại chỗ. Trước đó vài tháng, hình ảnh Mostafa đi cùng tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad tham quan các cơ sở hạt nhân đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông trên toàn cầu.
Các biện pháp trừng phạt ngặt nghèo, đặc biệt là cấm vận của chính quyền Obama - bao gồm loại Iran khỏi hệ thống chuyển tiền quốc tế SWIFT) - khắc nghiệt đến nỗi vào tháng 8/2012, người đứng đầu Spear tin rằng nếu có thể thuyết phục giới chức Mỹ bổ sung một vài biện pháp trừng phạt kinh tế thì nền kinh tế Iran sẽ bị phá sản vào cuối năm đó.
Điều này vẫn không khiến cho thủ tướng Netanyahu từ bỏ chuẩn bị cho một cuộc tấn công quân sự mở vào Iran. Chính quyền Obama sợ rằng cuộc tấn công của Israel sẽ làm tăng giá dầu và gây hỗn loạn ở Trung Đông, làm tổn hại đến cơ hội tái đắc cử của tổng thống trong cuộc bầu cử tháng 11/2012. Washington theo dõi chặt chẽ Israel trong tình trạng luôn "nơm nớp" rằng một cuộc tấn công vào Iran sắp xảy ra.
Tháng 12/2012 - sau khi thắng cử - ông Obama đồng ý với đề xuất của Iran về cuộc đàm phán bí mật ở Muscat, thủ đô của Oman, xuất phát từ lo ngại hành động của Israel. Thỏa thuận hạt nhân được ký vào ba năm sau đó.
Riêng đối với Meir Dagan, thỏa thuận hạt nhân đánh dấu chiến thắng cho ông: Chiến lược 5 hướng tiếp cận của ông chống lại Iran đã đạt được nhiều mục tiêu.
Trong suốt lịch sử của mình, Mossad, AMAN và Shin Bet - cộng đồng tình báo hàng đầu thế giới - đã luôn thực hiện các mệnh lệnh từ giới lãnh đạo Israel. Nhưng sự thành công của cộng đồng tình báo đã thúc đẩy ảo tưởng của nhiều lãnh đạo rằng các chiến dịch bí mật có thể được sử dụng thay cho các hoạt động ngoại giao thật sự để chấm dứt các mẫu thuẫn.
Đến cuối cuộc đời, Dagan hiểu điều này. Ông kết luận rằng chỉ khi đạt được một giải pháp chính trị với người Palestine thì mới có thể chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 150 năm giữa hai bên.