Giữa chảo lửa Syria, liệu có nguy cơ xảy ra chiến tranh toàn diện giữa Iran và Israel?

Hồng Anh |

Cả hai nước đều không có lợi nếu chiến tranh toàn diện xảy ra trong tình hình hiện tại, tuy nhiên, vẫn có những yếu tố có thể khiến chiến tranh bùng phát.

Theo Guardian, căng thẳng giữa Israel và Iran lại tiếp tục leo thang sau những cuộc đụng độ quân sự tuần trước trong lòng Syria. Xung đột giữa hai nước đã làm gia tăng mối lo ngại rằng một cuộc chiến tranh toàn diện sắp xảy ra tại Trung Đông. Tuy nhiên, liệu cuộc chiến này có thể thực sự bùng phát không?

Những "lằn ranh đỏ" đang bị phớt lờ

Iran thường được miêu tả là một kẻ gây hấn vô cớ, nhất là trong những tuyên bố của chính quyền ông Trump và các nước Ả Rập Saudi.

Iran đã dần dần gia tăng hiện diện tại Syria sau khi lên tiếng ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ năm 2011, thông qua việc triển khai lực lượng phiến quân Shia của Afghanistan và Pakistan, các chiến binh thuộc phong trào Hezbollah của Lebanon, và lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) Iran tới Syria.

Cựu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, đã "chuốc họa" khi kêu gọi "xóa Israel khỏi bản đồ thế giới". Nhiều người dân Israel cho rằng Iran là mối đe dọa sống còn đối với tổ quốc mình.

Dường như Iran đang "thừa thắng xông lên" với niềm tin rằng quân đội ông Assad sắp giành chiến thắng, và bắt đầu chĩa mũi súng sang Israel. Những "lằn ranh đỏ" của Israel – ngăn cấm hiện diện quân sự vĩnh viễn của Iran tại Syria, và chuyển giao vũ khí tiên tiến cho lực lượng phong trào Hezbollah – đều đang bị Iran phớt lờ.

Giữa chảo lửa Syria, liệu có nguy cơ xảy ra chiến tranh toàn diện giữa Iran và Israel? - Ảnh 1.

Hiện trường chiến đấu cơ F-16 của Israel bị bắn hạ. Ảnh: Youtube.

Các sĩ quan chỉ huy quân đội Israel đặc biệt lo ngại rằng Iran đang xây dựng một nhà máy ngầm tại Lebanon, nơi họ cho rằng sẽ cung cấp các loại tên lửa tầm xa và tấn công chính xác.

Tuần trước, một các quan chức Israel đã thảo luận về việc chủ động tấn công Iran, thay vì ngồi yên để Iran tấn công như cuộc xung đột hồi tháng 12/2017, khi các lực lượng Israel tiêu diệt một cơ sở quân sự của Iran tại Al-Kiswah, gần Damascus, thủ đô Syria.

Chắc chắn tình hình Trung Đông sẽ nóng lên. Chúng ta đã được chứng kiến một vài "cái đầu tiên" trong những cuộc giao tranh cuối tuần trước.

Đó là lần đầu tiên Iran trực tiếp đối đầu và đưa UAV vào không phận của Israel. Đó cũng là lần đầu tiên chiến đấu cơ của Israel bị bắn hạ kể từ năm 1982; và là lần đầu tiên Israel chủ động tấn công những cơ sở của Iran tại Syria, bao gồm một trung tâm chỉ huy và các khẩu đội tên lửa quanh thủ đô Damascus của Syria.

Cuộc chiến mới trong khu vực có thể được coi là hành động tự sát của Iran

Nhưng trước tất cả những cơn thịnh nộ này, ta vẫn không thể "đọc vị" được những toan tính của Iran. Lực lượng Quds Force trực thuộc IRGC tại Syria do Tướng Qassem Soleimani khét tiếng chỉ huy có mối liên hệ với các phe phái bảo thủ cực đoan ở Tehran, thường đe dọa "loại bỏ sự tồn tại của người Sion".

Mặc dù có thiện cảm, nhưng Ayatollah Ali Khamenei, Lãnh tụ Tối cao Iran, vẫn phải duy trì cân bằng với các phe phái thực dụng mà đại diện là Tổng thống Hassan Rouhani.

Các cuộc biểu tình đường phố gần đây là lời nhắc nhở rằng chế độ do giáo sĩ dẫn đầu rất dễ sụp đổ do áp lực từ bên trong. Mục đích của các cuộc biểu tình chủ yếu là các bất bình về kinh tế, nhưng sự can thiệp tốn kém của Iran vào các vùng chiến sự nước ngoài như Syria và Yemen cũng khiến nhiều người dân bất bình.

Một cuộc chiến mới trong khu vực có thể được coi như hành động tự sát của chế độ chính trị Iran.

Giữa chảo lửa Syria, liệu có nguy cơ xảy ra chiến tranh toàn diện giữa Iran và Israel? - Ảnh 2.

Một phần tên lửa của Syria được cho là nhằm vào chiến đấu cơ Israel bốc cháy. Ảnh: AP

Các lãnh đạo Iran, cả cánh tả và cánh hữu, đều biết việc đối đầu trực diện với Israel sẽ "mở đường" cho Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện điều ông này luôn mong muốn: phá vỡ thỏa thuận hạt nhân, áp đặt các lệnh trừng phạt nặng nề, liên kết với Ả Rập Saudi, và có thể Mỹ sẽ can thiệp quân sự.

Một bộ phận thiểu số tại Iran sẽ mong đợi cuộc đối đầu với Mỹ. Nhưng số đông còn lại thì không.

Các thành viên khác của liên minh ủng hộ ông Assad sẽ phản đối một cuộc chiến trên diện rộng hơn. Nga đang cố gắng rút dần lực lượng quân sự và tìm đến hướng giải quyết hòa bình. Nga không muốn khiêu khích Israel. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước đã chủ động kêu gọi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ra lệnh dừng các cuộc không kích trước khi tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát (và tất nhiên là trước khi quân lính Nga tại Damascus bị ảnh hưởng).

Tương tự, ông Assad cũng đang tập trung vào việc tái thiết và loại bỏ các lực lượng nổi dậy chống đối còn sót lại, chứ không phải mở ra một mặt trận mới ở phía Tây. Và lực lượng Hezbollah tại Syria cũng được cho là quan tâm tới cuộc bầu cử tại Lebanon hơn là đối đầu với Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF).

Israel cũng đang gặp nhiều khó khăn

Vậy Israel có muốn một cuộc chiến nữa xảy ra không? Có lẽ là không. Bên cạnh những mối bận tâm khác, thì Israel đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị trong nước, khi Thủ tướng Netanyahu bị cáo buộc nhận hối lộ.

Tuy nhiên, cũng giống như Iran, ở Israel cũng có nhiều kẻ hiếu chiến. Trong 18 tháng trở lại đây, Israel đã tiến hành hơn 100 cuộc đột kích tại Syria, và tần suất của những cuộc đột kích này đang ngày càng gia tăng.

Những kẻ hiếu chiến thường ngợi ca ưu thế của Israel về khí tài và các tài sản khác. Mặc dù một chiếc chiến đấu cơ bị bắn hạ cuối tuần trước, thì Thiếu tướng Amos Yadlin, cựu giám đốc tình báo quân đội Israel, lại tự hào tuyên bố chiến thắng. "Israel đã chứng tỏ khả năng tuyệt vời trong việc bảo vệ không phận của mình... chúng ta đã đặt Damascus vào thế nguy hiểm sau khi phá hủy những bộ phận chính của hệ thống phòng không tại thành phố này", ông này cho biết.

Giữa chảo lửa Syria, liệu có nguy cơ xảy ra chiến tranh toàn diện giữa Iran và Israel? - Ảnh 3.

Thủ tướng Israel Netanyahu phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich. Ảnh: KRMG.

Hơn nữa, nhiều yếu tố khác cũng khiến cho cuộc chiến toàn diện giữa Israel và Iran khó có cơ hội bùng nổ. Một cuộc chiến tranh toàn diện giữa hai nước tại Syria có thể nhanh chóng kéo theo cả Lebanon và Gaza vào cuộc chiến.

Israel cũng không thể tìm kiếm sự trợ giúp từ những người đồng minh mới của mình, Saudi, bởi mối thù hằn chung với Iran chưa chắc đã xóa bỏ được quan hệ thù địch trước đây giữa Israel và Saudi. Và không ai chắc chắn được là ông Trump sẽ kịp thời trợ giúp được cho Israel.

Có thể quá khứ sẽ lặp lại, và Israel sẽ bị bỏ mặc chiến đấu đơn độc. Hơn nữa, đối thủ Iran ngày nay cũng đã khác xưa. Trong cuộc chiến khốc liệt năm 1980 với Iran, lãnh đạo Iraq khi đó đã phát hiện ra rằng Iran đã bù đắp thiếu hụt về vũ khí tinh vi bằng số lượng và sự quyết tâm.

Như vậy, đối với cả Israel và Iran thì viễn cảnh về một cuộc chiến tranh toàn diện trong khu vực khó có thể xảy ra trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, nếu Iran từ chối rút quân và duy trì gia tăng hiện diện quân sự tại Syria, và nếu Israel tiếp tục các cuộc tấn công xuyên biên giới, thì một cuộc chiến lớn, dù sớm hay muộn, cũng sẽ nổ ra tại Trung Đông.

*Bài viết thể hiện phân tích và nhận định của tác giả Simon Tisdall, một cây bút lâu năm của mục quốc tế báo The Guardian.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại