Sơ cứu bỏng đúng cách, tránh bị bỏng rát nhiều kèm sẹo xấu sau khi vết thương lành lặn

Tiểu Nguyễn |

Bỏng là một trong những tai nạn có thể thường xuyên gặp trong cuộc sống. Làm thế nào để có thể ứng phó và xử trí đúng cách trong tình huống này?

Bỏng – Tai nạn thường gặp trong cuộc sống hàng ngày

Trong cuộc sống hàng ngày, bên cạnh những tai nạn thường gặp như điện giật, chảy máu… thì bỏng cũng là một trong những hiện tượng chúng ta thường xuyên gặp phải.

Trong tai nạn do bị bỏng , nạn nhân là trẻ em chiếm số đông, nhiều nhất là bỏng nước. Do đó, việc nắm bắt kỹ năng sơ cứu bỏng ngay khi nạn nhân bị bỏng đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Theo Wikipedia, bỏng là một loại chấn thương đối với da hoặc các mô khác do nhiệt, điện, hóa chất, ma sát hay bức xạ. Hầu hết bỏng là do nhiệt nóng từ chất lỏng, chất rắn, hoặc chất cháy.

Trong đó nhiều phụ nữ ở nhiều vùng trên thế giới có nguy cơ bỏng do dầu mỡ bắn vào khi nấu ăn hoặc bếp nấu ăn không an toàn. Nghiện rượu và hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ khác. Bỏng cũng có thể xảy ra như là kết quả của tự hại mình hoặc bạo lực giữa con người.

Điều trị bỏng tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vết bỏng. Bỏng bề mặt da có thể dùng thuốc giảm đau đơn thuần, nhưng vết bỏng lớn thì đòi hỏi phải điều trị kéo dài trong các trung tâm chuyên về bỏng.

Làm mát bằng nước máy có thể giúp giảm đau và giảm thương tổn. Tuy nhiên, làm mát kéo dài có thể dẫn đến hạ nhiệt độ cơ thể. Bỏng nông nhẹ có thể yêu cầu làm sạch bằng xà phòng và nước. Vậy nhưng các mụn nước có thể nổi lên, nếu nhỏ có thể tự lành.

Bỏng sâu hơn thường cần điều trị bằng phẫu thuật, chẳng hạn như ghép da. Bỏng sâu thường đòi hỏi phải truyền một lượng lớn dịch truyền tĩnh mạch, do hiện tượng thoát dịch mao mạch và viêm sưng mô. Các biến chứng thường gặp nhất của bỏng thường liên quan đến nhiễm trùng .

Sơ cứu bỏng đúng cách, tránh bị bỏng rát nhiều kèm sẹo xấu sau khi vết thương lành lặn - Ảnh 1.

Sử dụng kem đánh răng để trị bỏng vô cùng nguy hiểm.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), việc xác định mức độ vết bỏng để điều trị kịp thời vô cùng quan trọng.

Trước đó, bạn cần phải nắm rõ các kỹ năng sơ cứu bỏng đúng cách. Điều này vô cùng quan trọng, giúp vết bỏng đỡ bị bỏng rát, nhanh chóng hồi phục và hạn chế tối đa những vết sẹo xấu.

Bỏng có 3 mức độ khác nhau. Ở mức độ 1, nạn nhân bị đỏ, đau, sưng nhẹ, vết bỏng trở thành màu trắng khi ấn lên và da trên vết bỏng thường lột sau 1-2 ngày. Ở mức độ 2, vết bỏng dày hơn, da rất đỏ, sưng nhiều, loang lổ, nạn nhân cảm thấy rất đau và xuất hiện mụn nước trên da.

Ở mức độ 3 cũng là mức độ nặng nhất, bỏng diễn ra trên vùng rộng, gây tổn thương cho tất cả các lớp da, da chuyển màu trắng hoặc chát xém. Vết bỏng có thể đau rất ít, thậm chí không đau do dây thần kinh và mô da bị tổn thương.

Sơ cứu bỏng đúng cách, tránh bị bỏng rát nhiều kèm sẹo xấu sau khi vết thương lành lặn - Ảnh 2.

Ở mức độ 1, nạn nhân bị đỏ, đau, sưng nhẹ, vết bỏng trở thành màu trắng khi ấn lên và da trên vết bỏng thường lột sau 1-2 ngày.

Sơ cứu bỏng đúng cách – Ngâm nước tối thiểu 15 phút

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ, khi bị bỏng nước sôi, nạn nhân cần được ngâm ngay vùng bị bỏng vào nước mát tối thiểu 15 phút và tối đã 30 phút.

Chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh không được ngâm vùng bị bỏng vào nước đá vì tình trạng lạnh đột ngột có thể khiến nạn nhân bị co mạch, có thể bị bỏng lạnh. Đây là cách sơ cứu bỏng sai lầm mà rất nhiều người mắc phải.

Thậm chí, nhiều người còn có thói quen bôi kem đánh răng hoặc nước mắm khi bị bỏng vì cho rằng cho rằng điều này giúp làm dịu vết thương.

Tuy nhiên, thói quen sơ cứu bỏng sai lầm này có thể khiến bạn bị nhiễm trùng, tình trạng vết bỏng thêm nặng nề. Vậy, làm thế nào để sơ cứu bỏng đúng cách? Bạn cần nắm rõ những bước sau theo gợi ý của chuyên gia:

Bỏng ở mức độ 1

- Ngâm vết bỏng vào nước lạnh ít nhất 5 phút, sau đó thoa lên vết bỏng một lớp kem dưỡng da có tác dụng bảo vệ, làm lành da như lô hội, thuốc mỡ kháng sinh.

- Sử dụng băng gạc nhẹ nhàng quấn lỏng quanh vết bỏng. Có thể sử dụng thêm thuốc giảm đau để cảm thấy dễ chịu hơn.

Sơ cứu bỏng đúng cách, tránh bị bỏng rát nhiều kèm sẹo xấu sau khi vết thương lành lặn - Ảnh 3.

Sử dụng băng gạc nhẹ nhàng quấn lỏng quanh vết bỏng.

Bỏng ở mức độ 2

- Ngâm vết bỏng vào nước ít nhất 15 phút. Có thể đắp vải ướt nhúng nước lạnh lên vết bỏng nhỏ 2-3 phút mỗi ngày, sau đó thoa thuốc mỡ kháng sinh.

- Sử dụng băng gạc khô băng vết bỏng, thay băng mỗi ngày một lần. Chú ý rửa sạch tay trước khi rửa vết bỏng.

- Kiểm tra vết bỏng hàng ngày xem có xuất hiện những dấu hiệu như sưng đau, đỏ hơn không. Không lột da từ vết bỏng để tránh nhiễm trùng, không gãi.

- Sử dụng kem chống nắng trước khi ra bên ngoài vì vết bỏng rất nhạy cảm với ánh nắng mặt trời trong vòng 1 năm.

Sơ cứu bỏng đúng cách, tránh bị bỏng rát nhiều kèm sẹo xấu sau khi vết thương lành lặn - Ảnh 4.

Sử dụng kem chống nắng trước khi ra bên ngoài vì vết bỏng rất nhạy cảm với ánh nắng mặt trời trong vòng 1 năm.

Bỏng ở mức độ 3

- Loại bỏ vải vóc, trang phục… dính ở khu vực vết bỏng, không sử dụng nhúng vết bỏng vào nước hay bất cứ loại thuốc nào bôi lên vết bỏng.

- Nâng phần bị bỏng lên cao hơn tim, có thể băng bằng băng ẩm, mát, sạch.

- Có thể bỏ qua bước hai, nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện ngay lập tức.

Lưu ý: Khi bị bỏng điện, bỏng hóa chất thì cần đến bệnh viện càng nhanh càng tốt vì có thể gây tổn thương nghiêm trọng tới các bộ phận trong cơ thể.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại