Theo thống kê của Bộ Y tế, kể từ đầu tháng 4, số ca COVID-19 có chiều hướng gia tăng. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, dịch bệnh vẫn được kiểm soát tốt ở Việt Nam. Cả nước vẫn ở trong vùng xanh theo các chỉ số dịch tễ.
Tuy nhiên, sự gia tăng về số ca mắc COVID-19 như vậy cũng khiến người dân lo lắng và có phần lúng túng trong việc làm sao để nhận diện đúng bệnh, phòng ngừa và điều trị tốt nhất.
Trước tình hình dịch hiện tại, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đã có một số chia sẻ giúp người dân có thể phân biệt dấu hiệu nhiễm COVID-19 với dấu hiệu mắc phải cúm, hoặc bệnh đường hô hấp khác cũng như biết cách xử lý khi mắc bệnh...
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)
Thời điểm này, không chỉ có sự ra tăng của các bệnh đường hô hấp, mà số ca mắc COVID-19 cũng gia tăng nhanh chóng. Nhiều triệu chứng COVID-19 lại rất dễ nhầm lẫn với các bệnh đường hô hấp khác. Vậy có cách nào để phân biệt dấu hiệu nhiễm COVID-19 với dấu hiệu mắc phải cúm, hoặc bệnh đường hô hấp khác không thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Trong tháng 4 năm 2023 có sự gia tăng các ca bệnh nhiễm Covid-19 ở Việt Nam. Tuy nhiên một số triệu chứng của bệnh cúm, COVID-19 và các bệnh đường hô hấp nói chung là tương tự nhau, nên không thể phân biệt cúm thường và Covid nếu chỉ dựa trên các triệu chứng. Chỉ có xét nghiệm sinh học mới có giá trị chẩn đoán chính xác tác nhân gây bệnh. Thậm chí một người có thể bị nhiễm cả bệnh cúm và COVID-19 cùng một lúc, do đó có các triệu chứng của cả hai.
Trong 3 triệu chứng phổ biến và rõ ràng nhất của COVID-19 là sốt, ho khan và khó thở. Chỉ có khó thở là không liên quan đến cảm lạnh hay cúm. Nhưng theo nghiên cứu, những người tiêm vaccine ngừa COVID-19 đủ liều nếu nhiễm bệnh sẽ không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ và càng ngày càng giống như cảm cúm.
Do đó, nếu muốn phân biệt cúm và Covid-19 cũng cần phải xem xét đến yếu tố dịch tễ. Tuy vậy, có một triệu chứng hay gặp trong nhiễm Covid-19 là mất khứu giác đột ngột có thể liên quan trực tiếp đến nhiễm trùng SARS-CoV-2. Do đó, những người bị mất khứu giác đột ngột nên được nghi ngờ là dương tính với COVID-19 và cần làm xét nghiệm để xác nhận ngay lập tức.
Ngành y tế khuyến cáo cộng đồng tuân thủ quy định 2K và tiêm vaccine để ngừa COVID-19. Ảnh: Vân Sơn
Hiện nay, người dân tiêm mũi 3 vaccine COVID-19 đã khá lâu, liệu có phải số ca mắc tăng nhiều là do khả năng bảo vệ của vaccine phòng COVID-19 giảm không? Có cần phải quá lo lắng khi tái nhiễm COVID-19 ở thời điểm hiện tại không?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Sự gia tăng các ca bệnh COVID-19 gần đây có nhiều nguyên nhân. Trước hết là sự giao mùa của thời tiết mùa xuân. Thời tiết ẩm ướt ở miền Bắc làm tăng nguy cơ lây lan các bệnh hô hấp trong đó có cả COVID-19 và các loại cúm thường, bệnh viêm phế quản, viêm phổi ở trẻ em.
Về môi trường sống, hiện nay, hầu hết các nước mở cửa, nới lỏng toàn bộ biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 sau 3 năm đã làm gia tăng ca nhiễm mới.
Một lý do nữa là sau khi tiêm vaccine, người dân chủ quan không đeo khẩu trang, khử khuẩn cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng lây nhiễm nhanh trong cộng đồng. Hiện nay về cơ bản, theo đánh giá của WHO thì trên 90% dân số thế giới đã có miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19. Việt Nam có tỷ lệ tiêm chủng cao, bao phủ gần như cơ bản 100% đối tượng từ 12 tuổi trở lên, tỷ lệ mũi 3-4 đạt tỷ lệ 80-90%. Trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đã tiêm mũi 1 lên tới 90%, tiêm mũi 2 đạt khoảng gần 30%. Mặc dù vậy, vẫn phải lưu ý rằng trên những đối tượng nguy cơ cao, với người lớn tuổi, bệnh nền, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai thì nhiễm SARS-CoV-2 có nguy cơ cao hơn dẫn đến nhập viện, thậm chí tử vong. Vì vậy việc tiêm phòng vaccine cần phải tư vấn bác sĩ theo từng trường hợp cụ thể.
Nhiễm COVID-19 ở thời điểm hiện tại có cần phải uống thuốc kháng virus không? Có cần phải đi bệnh viện khám điều trị không? Nếu không thì nên tự theo dõi điều trị tại nhà thế nào?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Hiện tại trong quần thể cộng đồng Việt Nam đã có miễn dịch do tiêm vaccine hoặc do mắc COVID-19 khi nhiễm Omicron nên khi bị nhiễm COVID-19 sẽ có biểu hiện nhẹ hơn, ít có triệu chứng hoặc không có triệu chứng. Không nên tự uống thuốc kháng virus khi mắc bệnh hoặc xét nghiệm có dương tính với SARS-CoV-2. Khi có diễn biến nặng như viêm phổi, khó thở, thiếu ôxy, nhịp thở trên 20 lần/phút, SpO2 nhỏ hơn 96% thì cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị.
Nếu bệnh nhẹ thì tự theo dõi tại nhà, đeo khẩu trang và tự cách ly với người khác. Người mắc COVID-19 điều trị tại nhà có thể tự chăm sóc bản thân như ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh và có thể tự theo dõi tình trạng sức khỏe theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Chủ yếu là ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi thoải mái, uống nhiều nước hoa quả như nước cam, chanh.
Cách giúp cơ thể tăng đề kháng hiệu quả lúc giao mùa để phòng các bệnh đường hô hấp, COVID-19 và các bệnh lây nhiễm theo mùa khác?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Thời tiết thay đổi từ mùa đông chuyển sang mùa xuân với độ ẩm cao, nhiệt độ thay đổi cao thấp đột ngột cộng thêm chức năng đề kháng của cơ thể bị suy giảm. Điều này khiến cho các loại vi trùng, virus, nấm mốc… phát triển mạnh mẽ gây nên các căn bệnh về đường hô hấp. Trong khi đó dịch COVID-19 chưa kết thúc, vẫn có những đợt tăng lây nhiễm. Vì vậy, những người có bệnh nền, sức đề kháng kém cần tiêm các vaccine phòng bệnh hô hấp như: tiêm vaccine cúm, vaccine phế cầu, vaccine chống COVID-19 theo chỉ định của bác sĩ.
Ảnh: VGP/HM
Đối với cá nhân cần giữ khoảng cách với những người có biểu hiện bị bệnh hô hấp, cần tránh không gian kín, đông đúc và tiếp xúc gần. Khi gặp gỡ mọi người bên ngoài như tụ họp ngoài trời an toàn hơn so với trong nhà, nhất là khi không gian trong nhà nhỏ và không có lưu thông với không khí bên ngoài. Nên đeo khẩu trang trên những phương tiện công cộng, nơi tụ họp kín trong nhà. Thường xuyên rửa tay sạch sẽ bằng dung dịch sát khuẩn có cồn hoặc bằng xà phòng và nước.
Để phòng bệnh viêm đường hô hấp chúng ta cần có chế độ ăn uống hợp lý hài hòa và đảm bảo dinh dưỡng sẽ giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng. Vì vậy, chúng ta cần ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Cần ăn nhiều hoa quả, rau tươi và uống nước hoa quả có nhiều vitamin C như cam, chanh, bưởi.
Có thể uống thêm vitamin C hoặc một số thực phẩm chức năng giàu khoáng chất, vitamin. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm, động vật ốm chết và không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm.