Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả tháng 11/2017 đạt 142 triệu USSD, đưa giá trị nhập khẩu rau quả tháng 11 đạt 1,41 tỷ USD tăng 72,3% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó, mặt hàng rau ước đạt 294 triệu USD, tăng 29,8% so với cùng kỳ 2016 và mặt hàng quả đạt 1,09 tỷ USD, tăng 90,6% so với cùng kỳ năm 2016.
Qua những số liệu trên, có thể thấy người tiêu dùng Việt vẫn rất ưa chuộng trái cây nhập khẩu, một phần vì tâm lý lo ngại thực tế trái cây trong nước bị lạm dụng hóa chất trong canh tác và xử lý sau thu hoạch, một phần vì tâm lý sính ngoại, bị hấp dẫn bởi hình thức và hương vị lạ miệng của những loại trái cây này.
Nhiều người tin rằng những loại trái cây nhập khẩu đã dính mác Âu, Mỹ, Nhật, Hàn… thì chắn chắn an toàn.
Tại các siêu thị lớn, cửa hàng trái cây, trang bán hàng qua mạng cho đến sạp hàng ở chợ, hàng loạt những loại trái cây nhập khẩu như lê, kiwi, cherry, việt quất, nho, táo… dán tem Mỹ, Pháp, Úc, Newzealand, Nhật Bản, hoặc Hàn Quốc, Thái Lan, không phải hàng của Trung Quốc lại rất được người tiêu dùng chú ý và lựa chọn.
Nắm bắt tâm lý đó, để chứng minh hoa quả không có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhiều người bán hàng qua mạng thường ghi lại hình ảnh trái cây được mở từ thùng có những dòng chữ USA, Newzealand, … hoặc tường thuật việc nhận hàng trực tiếp từ sân bay để củng cố lòng tin của người tiêu dùng.
Về chất lượng, trái cây nhập khẩu luôn được cam kết bằng miệng 100% tự nhiên, sạch và an toàn cho sức khỏe.
Thế nhưng chẳng có ai kiểm chứng những cam kết đó có chính xác hay không. Tại các chợ đầu mối, trái cây Trung Quốc vẫn chiếm lĩnh với số lượng lớn, vì lợi nhuận người ta sẵn sàng trộn lẫn sản phẩm Trung Quốc và dán các loại tem, nhãn, mác giả.
Hơn nữa, trái cây nhập khẩu chưa chắc đã an toàn. Gần đây nhất, vào ngày 25/11, Tờ Bangkok Post (Thái Lan) đã đưa tin, hơn 64% rau quả của nước này không an toàn do thuốc trừ sâu, trong đó có nhiều sản phẩm được tiêu thụ tại thủ đô Băng Cốc và 4 địa phương khác.
Cụ thể, theo Bangkok Post, mạng lưới cảnh báo thuốc trừ sâu Thái Lan (Thai-PAN) - một tổ chức phi chính phủ đã tiến hành khảo sát 9 loại rau và 6 loại trái cây ở thủ đô Băng Cốc và 4 tỉnh khác vào cuối tháng 8/2017, cho thấy kết quả hơn 64% của 13 sản phẩm không an toàn vì chứa chất độc hại vượt giới hạn và dư lượng cho phép, trong đó điển hình là: cải xoắn lá, rau má, đu đủ, dứa, nho…
Thực tế hiện nay, nhiều loại hoa quả đang bị người bán đánh tráo nguồn gốc xuất xứ. Nhiều chủ buôn hoa quả thậm chí nhập trái cây Trung Quốc, song mua nhãn mác nước khác về gắn và bán giá trên trời.
Sính ngoại, hám lạ của người tiêu dùng Việt đã giúp người bán hàng đẩy giá lên rất cao. Lấy ví dụ, những quả dại quả biwa, hay còn gọi là nhót Nhật, sản phẩm bán với giá 3,5-4 triệu đồng/kg một thời được người tiêu dùng săn lùng. Theo những người Việt đang sống tại Nhật, loại quả này người ta để mặc chim ăn, quả rụng đầy gốc.
Hay cherry, được bán tại các cửa hàng Hà Nội, TP HCM với giá dao động từ 400.000 - 1 triệu đồng một kg (tùy thời điểm) cũng có giá bán rất bình dân tại châu Âu và Mỹ. với giá 2,5 USD/pound (khoảng 120 đồng/kg).
Trước ma trận giữa giá cả và chất lượng trên thị trường, chị Lan (Đống Đa) cho biết, để thưởng thức trái cây, chị phải nhờ mối quan biết, trực tiếp mua hoa quả khi hàng được chuyển về Việt Nam.
“Dù giá cả có đắt đỏ, nhưng cũng có thế chắc chắn một phần về nguồn sản phẩm. Bởi trên thực tế, nhiều cửa hàng kinh doanh hoa quả rất nhập nhèm về xuất xứ. Thậm chí, một loại hoa quả có giá bán trong cửa hàng dắt 2-3 lần so với giá ngoài chợ những chất lượng khổng ổn định”, chị chia sẻ thêm.