Sau mổ bao nhiêu ngày thì có thể tắm? Đó là câu hỏi mà các bác sĩ luôn có những câu trả lời khác nhau với những lời giải thích cũng khác nhau. Chưa có nghiên cứu khoa học nào lượng tính sau mổ bao lâu có thể tắm rửa nên bác sĩ không thể đưa ra lời khuyên chính xác.
Nhưng khi phải tư vấn cho bệnh nhân, bác sĩ sẽ căn cứ vào từng căn bệnh phẫu thuật, từng cơ thể người bệnh, thậm chí là nhu cầu tắm của họ.
Theo lý thuyết y tế, nếu vết thương đã có dấu hiệu liền, không chảy máu, không sưng tấy, không mưng mủ, không có biểu hiện của khả năng nhiễm trùng, nước dội nhẹ không thể thấm được vào vết thương thì bệnh nhân hoàn toàn có thể tắm rửa.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Với những bệnh nhân sau mổ có thể vận động và đi lại được sớm, không quá đau, như mổ tuyến giáp, mổ nội soi cắt túi mật, mổ nội soi ruột thừa, mổ cắt u nang buồng trứng… thì bệnh nhân có thể tắm sớm. Trong trường hợp này, đó là vết mổ khâu với kĩ thuật đóng da thông thường, theo dõi thêm 48 tiếng, nếu vết mổ hoàn toàn khô thì bệnh nhân có thể tắm nhẹ nhàng.
Với những phẫu thuật lớn hơn, vết mổ rộng hơn, thì cần phải căn cứ vào tình trạng cụ thể. Thông thường sau mổ, bệnh nhân sẽ sốt nhẹ. Đây là phản ứng bình thường của cơ thể với mô bị tổn thương. Đến ngày thứ 5, nhiệt độ sẽ trở về bình thường, vết mổ khô, thì bệnh nhân có thể tắm.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Nhưng nếu sau mổ mà sốt cao, hoặc sau 5 ngày vẫn còn sốt, vết mổ tấy, thì đó là nhiễm trùng. Lúc đó thay vì tắm dội nước, thì bệnh nhân lau người bằng khăn ấm hoặc tắm bằng gel.
Khi tắm, không cần che đậy vết mổ bằng gạc như nhiều người vẫn làm. Cứ để hở vết mổ, dội nước nhẹ nhàng, tốt nhất là dùng vòi hoa sen.
Nói chung, với một vết mổ đơn giản, thì sau 48 giờ có thể yên tâm đứng dưới vòi hoa sen. Nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng, thì vòi hoa sen sẽ mang lại nhiều cảm xúc sau những ngày bệnh tật.
Khi tắm xong, dùng gạc vô trùng thấm khô vết mổ. Có thể băng phủ vết mổ bằng gạc cồn sát khuẩn. Nhưng với vết mổ đã cắt chỉ thì không cần thiết phải băng.
Cần lưu ý, không nên ngâm mình trong bồn tắm, vì sẽ tạo điều kiện cho nước thấm qua vết mổ mang theo vi khuẩn, thậm chí ngâm quá lâu sẽ làm toác vết mổ.
Và đặc biệt, với người bệnh có đái đường, vết mổ rất khó liền và nguy cơ nhiễm trùng cao. Trong trường hợp này không nên tắm sớm.
Sự bồn chồn, lo lắng thái quá, cùng với sợ ướt vết mổ, cũng là một trong những tác nhân thúc đẩy nhiễm trùng vết mổ, làm cho vết mổ lâu liền. Bởi vậy mà, giữ sạch vết mổ bằng cách tắm dưới vòi hoa sen, cũng là phương cách quan trọng để ngăn ngừa viêm.