Tờ mờ sáng, chị Hoàng Thị Trang (33 tuổi, quê gốc Yên Bái, ngụ tại huyện Củ Chi, TP.HCM) thức dậy tất bật dọn dẹp nhà cửa, nấu đồ ăn sáng để con kịp giờ đến trường. Chị nói, sau những mất mát không thể kể hết bằng lời, giờ đây, chị yêu cuộc sống và thực sự hạnh phúc.
Năm 2009, chị kết hôn với anh Phạm Trọng Pháp (sinh năm 1990, quê Hưng Yên), cặp đôi sớm sinh được hai con, một trai, một gái. Dù có vợ con nhưng Pháp không chịu tu chí làm ăn, cuộc sống vợ chồng thường xuyên mâu thuẫn. Pháp nhiều lần lột quần áo vợ đánh đập, tẩm xăng dọa giết.
Trang làm đơn ly hôn, ra tòa nhiều lần nhưng không được Pháp chấp nhận.
Sau 23 lần phẫu thuật, gương mặt Trang loang lổ, chằng chịt vết sẹo. (Ảnh: NVCC)
Giữa tháng 12/2016, gia đình hai bên gặp gỡ, giúp đôi vợ chồng trẻ hòa giải. Sau buổi họp mặt, Trang bị chồng lôi vào phòng, khóa trái cửa sau đó đổ xăng lên cả hai và châm lửa đốt. " Tôi chỉ biết la hét kêu cứu, ngọn lửa bùng cháy rất nhanh. Nhờ hàng xóm đến dập lửa, hai người được đưa đi bệnh viện", chị Trang nhớ lại.
Pháp mất sau đó vài ngày vì vết bỏng quá nặng. Trang bị bỏng 70% cơ thể với khuôn mặt biến dạng hoàn toàn. Chị được mẹ và em gái đưa vào bệnh viện trong tình trạng hôn mê.
Sau 4 tháng điều trị và hơn 3 cuộc phẫu thuật lớn tại Bệnh viện bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, chị qua cơn nguy kịch. Hai năm liên tiếp sau đó, chị lần lượt trải qua thêm 10 cuộc phẫu thuật lớn bé. Trang ám ảnh nhất ca mổ ghép da cổ vì khi đó da đã bị co rút lại hết, gần như không thể cử động. May mắn lần phẫu thuật đau đớn nhất đã đem lại kết quả tốt, chị có hy vọng và tin vào hành trình tìm lại hình hài của mình.
Từ 2017 đến nay, Trang trải qua tổng cộng 23 lần phẫu thuật, các lần can thiệp y tế đều phải gây mê sâu. Mỗi ca kéo dài 7 - 8 tiếng đồng hồ, chị kiên cường vượt qua.
Gương mặt Trang hiện vẫn bị ảnh hưởng bởi di chứng bỏng, loang lổ, chằng chịt vết sẹo. Để không bị nứt da và đau nhức khi gặp thời tiết lạnh, năm 2019 Trang chuyển vào miền Nam để sinh sống.
Sau biến cố, cuộc sống hiện giờ của chị ổn định hơn trước. (Anh: NVCC)
Tại nơi ở mới, chị Trang tự mình tìm nhà trọ, kiếm việc làm. Lúc đầu chị xin vào làm công nhân cho xưởng gỗ ở Bình Dương, rồi chuyển lên Bà Rịa - Vũng Tàu làm cho một công ty của Nhật Bản. Nhiều lần đổi việc nhưng do tay không còn nhanh nhẹn, làm việc không đạt tiêu chuẩn nên chị buộc phải nghỉ việc.
Giữa lúc không biết làm gì để kiếm sống, Trang được một người bạn rủ lên TP.HCM tìm việc. Biết bản thân chẳng thể làm công nhân do sức khoẻ có hạn, chị đến các chợ đầu mối lấy trái cây đem về bán. Những lúc vắng khách, chị cũng nhận may gia công và bán hàng online để thêm thu nhập.
Sau 4 năm vào TP.HCM lập nghiệp, hiện tại cuộc sống của chị ổn định hơn và cũng đưa được con vào sống cùng, thuê căn nhà gần trường để tiện nuôi dạy. Chị nói, dù cuộc sống chưa dư dả, thu nhập chính vẫn từ việc bán trái cây nhưng chị cảm thấy hài lòng, hạnh phúc với những gì đang có.
Sau những biến cố tưởng chừng không thể vượt qua, bây giờ chị tự tin hồi sinh cuộc đời của mình và truyền cảm hứng cho những cảnh đời bất hạnh xung quanh.