Một nước Mỹ thiển cận hơn sẽ là điều bất lợi cho bản chất tự do của “trật tự thế giới dựa trên các quy định”, sách Trắng ngoại giao của chính phủ Australia công bố ngày 23/11 cảnh báo. Văn bản này được xem là “kim chỉ nam” cho chính sách đối ngoại của Australia, vạch ra lộ trình cho việc thúc đẩy lợi ích của nước này.
“Australia tin rằng các thách thức quốc tế chỉ có thể được giải quyết một cách hiệu quả khi đất nước giàu có nhất, tân tiến nhất và hùng mạnh nhất trên thế giới tham gia vào giải quyết chúng”, chính phủ Australia nêu rõ.
Trăn trở về nước Mỹ
Giới phân tích cho rằng, việc ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Australia, đặc biệt là việc ông Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hồi tháng 1/2017, không lâu sau khi lên nắm quyền.
Sách Trắng Ngoại giao Australia cho rằng, “sự tham gia mạnh mẽ và bền bỉ của Mỹ vào hệ thống quốc tế vẫn là nền tảng cho sự ổn định và thịnh vượng của thế giới”, và rằng “nếu không có sự tham gia đó, sự hiệu quả và tính tự do của trật tự thế giới sẽ bị xói mòn”.
Theo Sách Trắng Ngoại giao Australia, tăng trưởng kinh tế và sức mạnh mà Mỹ thừa hưởng sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai đang bị Trung Quốc thách thức.
Australia và Trung Quốc cũng có quan hệ kinh tế khá chặt chẽ nhưng Trung Quốc vẫn luôn nghi ngờ mối quan hệ quân sự gần gũi giữa Australia với Mỹ bởi Australia là một trong những đồng minh chủ chốt của Mỹ và quân đội 2 nước đã cùng chiến đấu trong nhiều cuộc xung đột lớn qua nhiều thế hệ.
Cập nhật tầm nhìn “Ấn Độ - Thái Bình Dương” của ông Trump
Sách Trắng Ngoại giao của Australia cảnh báo về những nguy cơ mà nước này phải đối mặt, đặc biệt là trong khu vực “Ấn Độ - Thái Bình Dương” khi có thay đổi cán cân quyền lực.
Chính phủ Australia đã nhắc tới cụm từ “Ấn Độ - Thái Bình Dương” tới 120 lần trong Sách Trắng Ngoại giao dày 115 trang, trong khi cụm từ “châu Á – Thái Bình Dương” không được dùng một lần nào.
Mỹ và một số đồng minh của nước này gần đây cập nhật tầm nhìn “Ấn Độ - Thái Bình Dương” thay vì “châu Á – Thái Bình Dương”, một sự thay đổi chiến lược được cho là nhằm làm giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc.
Quan hệ giữa Australia và Trung Quốc năm nay chứng kiến sự tụt dốc đáng kể khi Australia từ chối một số dự án đầu tư cấp cao của Trung Quốc với lí do “vì lợi ích an ninh quốc gia”.
Australia cũng tỏ ra không mấy nồng nhiệt với sáng kiến “Vành đai – Con đường” đầy tham vọng của Trung Quốc, vốn để kết nối Trung Quốc với châu Âu thông qua các dự án cơ sở hạ tầng. Sáng kiến này cũng chỉ được nhắc tới một lần trong Sách Trắng Ngoại giao mà Australia vừa công bố.
Chính phủ Australia một mặt ghi nhận những lợi ích kinh tế từ sự trỗi dậy của Trung Quốc, mặt khác lại tìm cách đẩy Bắc Kinh ra xa – Phó Giám đốc Trung Tâm về Trung Quốc trên thế giới (Center on China in the World) thuộc trường đại học quốc gia Australia, bà Jane Golley nhận định.
“Việc thực sự bỏ từ ‘châu Á’ khỏi cụm từ ‘châu Á – Thái Bình Dương’ đã xóa bỏ 3 thập kỷ nỗ lực ngoại giao”, bà Golley nhận định. “Có một phần nhỏ nhắc tới chiến lược địa kinh tế của Trung Quốc trong Sách Trắng này nhưng nó vẫn nhấn mạnh vào những căng thẳng có thể nảy sinh hơn là lợi ích kinh tế”. Theo bà Golley, Trung Quốc sẽ không thích chính sách này.
Sách Trắng nêu bật tình hình Biển Đông, coi đây như là “một vấn đề lớn của trật tự khu vực” và bày tỏ “đặc biệt quan ngại về tốc độ và quy mô chưa từng thấy” của các hoạt động bối đắp, xây dựng mà Trung Quốc tiến hành trong khu vực biển tranh chấp.
Tại buổi họp báo thường kỳ cùng ngày (23/11), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng vẫn cho rằng Sách Trắng Ngoại giao của Australia nhìn chung đánh giá tích cực về sự phát triển của Trung Quốc, mà theo ông là phù hợp với trật tự dựa trên quy định của thế giới cũng như quan hệ giữa Trung Quốc và Australia. Tuy nhiên, ông cho rằng văn bản này đã có “những nhận định vô trách nhiện” về vấn đề Biển Đông mà vì thế Trung Quốc lấy làm quan ngại./.