Hầu hết các vụ ngộ độc là do sử dụng rượu không có nguồn gốc rõ ràng - Ảnh: XUÂN MAI
Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ ngộ độc methanol xảy ra khiến nhiều người nhập viện, thậm chí tử vong. Trong đó, hầu hết các vụ ngộ độc là do sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, chứa lượng lớn cồn công nghiệp methanol.
Rượu truyền thống cũng chứa methanol
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 10-8, chuyên gia hóa học, PGS Trần Hồng Côn cho biết trong giai đoạn lên men khi nấu rượu truyền thống vẫn tạo ra một phần methanol. Theo kinh nghiệm chưng cất rượu truyền thống, người nấu thường sẽ bỏ đi 10-12% lượng rượu đầu tiên vì chúng thường chứa methanol. Những phần rượu sau đó sẽ lấy để sử dụng và có thể bỏ phần rượu cuối cùng vì đã loãng.
PGS Hồng Côn cho rằng, nếu người nấu rượu không bỏ đi lượng rượu đầu tiên có chứa lẫn methanol thì khi uống chỉ gây đau đầu, không chuyển nguy kịch, tử vong. Tuy nhiên, với kinh nghiệm dân gian, phần lớn người nấu rượu truyền thống đều biết và bỏ đi lượng rượu đầu tiên.
"Methanol trong rượu truyền thống được tạo ra khi ủ tinh bột (gạo, nếp, sắn…) với men công nghiệp. Tùy loại men người nấu dùng mà lượng methanol trong rượu sẽ khác nhau. Nếu dùng loại men chọn lọc ethanol nhiều hơn thì sẽ tạo methanol ít hơn và ngược lại", PGS Hồng Côn giải thích.
Còn PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội - giải thích: "Trong quá trình chưng cất rượu, chất lượng quá trình lên men ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng rượu. Quá trình lên men càng kém thì chất lượng rượu càng bị ảnh hưởng và có thể sinh ra độc tính trong rượu, rượu có thể chứa methanol ở một liều lượng nhất định.
Ví dụ nguyên liệu bị ẩm mốc, hay dùng sắn nấu rượu để giảm bớt chi phí, lợi nhuận cao thì rất độc hại đối với người sử dụng loại rượu đó bởi bản thân sắn đã chứa chất độc, mặc dù hàm lượng độc tố này chưa thể gây chết người, nhưng có thể gây đau đầu, mệt mỏi cho người sử dụng".
"Ngoài ra, nguyên liệu để sản xuất rượu cần được sơ chế sạch sẽ. Nếu không may lẫn các loại bã dạng gỗ có cellulose, bã có thể phân hủy trong quá trình chưng cất tạo ra methanol. Methanol lẫn trong rượu là thủ phạm gây ngộ độc rượu cho người dùng", ông Thịnh thông tin.
Vậy lượng methanol trong rượu truyền thống và rượu "dỏm" có khác nhau? PGS Hồng Côn cho hay chất methanol trong rượu truyền thống và cồn công nghiệp đều là một, nhưng hàm lượng và nồng độ khác nhau, dẫn đến độ nguy hại khác nhau.
Tránh ngộ độc khi sử dụng rượu
Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết nguyên nhân của ngộ độc rượu là do lạm dụng rượu, uống rượu vượt quá mức chấp nhận của cơ thể và do sử dụng rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm như: uống phải rượu pha cồn công nghiệp methanol hoặc ethylene glycol; do uống rượu ngâm với thảo mộc (như lá, rễ, hạt cây) hoặc ngâm với động vật (như mật, phủ tạng…).
Theo đó, trong 1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330ml (5%); 1 cốc bia hơi 330ml; 1 ly rượu vang 100ml (13,5%); hoặc 1 chén rượu mạnh 30ml (40%). Nếu uống rượu bia chỉ nên uống dưới 2 đơn vị cồn/ngày với nam giới, dưới 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày trong một tuần.
Cục cũng cảnh báo lạm dụng rượu bia, uống rượu thời gian kéo dài và quá nhiều dẫn đến nghiện rượu, sút cân, chán ăn, tiêu chảy do tổn thương gan và ruột, thoái hóa gan, xơ gan, nhồi máu cơ tim, mất trí nhớ, run, rối loạn tinh thần…
Cách phòng ngừa ngộ độc rượu bia
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, để phòng ngừa ngộ độc rượu bia cần thực hiện các nguyên tắc sau:
1. Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.
2. Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.
3. Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.
4. Không uống rượu khi: không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.
5. Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.