Rượu thuốc có cường tráng như đồn thổi?

TTND.BS. Nguyễn Xuân Hướng |

Trong y văn của y học phương Đông, ít thấy các bài thuốc ngâm rượu.

Rượu là một vị thuốc Đông y nhưng đa phần là dùng làm chất xúc tác để sao tẩm những vị thuốc đi vào phần huyết, làm tăng tính nhiệt của một số vị thuốc để trừ hàn, cần đưa thuốc lên các bộ phận phía trên cơ thể (thượng tiêu)…

Còn các bài thuốc ngâm rượu là do từng thầy thuốc định ra để điều trị một số bệnh, cần dùng rượu để làm dung môi dẫn thuốc.

Khi dùng các loại cao động vật hoặc cao thực vật để điều trị, phải ngâm với rượu. Nhưng loại cao đó để chữa bệnh gì, ở phủ tạng nào thì phải dùng bài thuốc phù hợp ngâm với rượu để đi vào phủ tạng đó.

Cao ngâm riêng, sau đó trộn lẫn vào với rượu thuốc đã ngâm riêng cho bệnh nhân uống. Vậy rượu là chất dẫn thuốc không có tác dụng chữa bệnh như người ta tưởng. Thuốc Đông y ngoài nhân sâm dùng độc vị thì không có vị thuốc nào dùng độc vị điều trị bệnh có kết quả.

Một số vị thuốc thường dùng để ngâm rượu thuốc

Rượu ba kích: ba kích là vị thuốc trong Đông y dùng để bổ thận tráng dương nhưng vai trò chủ yếu của ba kích là cố tinh.

Khi dùng ba kích để cố tinh thì phải dùng bài thuốc sinh tinh, khi tinh dồi dào thì mới dùng vị ba kích để cố, không cho xuất tinh sớm, khi bạn tình chưa đạt đỉnh cực khoái, không có bài thuốc bổ thận tráng dương sinh tinh thì túi tinh rỗng, lấy gì mà cố.

Như vậy bài thuốc ngâm với ba kích phải có vị thuốc kiện tỳ, bổ thận tráng dương sinh tinh, ngâm với ba kích thì dùng ba kích mới phát huy được tác dụng. Còn dùng một vị ba kích thì không có tác dụng gì.

Rượu thuốc có cường tráng như đồn thổi? - Ảnh 1.

Rượu chỉ là một dung môi dẫn thuốc, không có tác dụng cường tráng hay chữa bệnh.

Rượu rắn: Một số địa phương ngâm rắn với rượu uống để điều trị bệnh nọ bệnh kia, thậm chí còn rao bổ thận tráng dương. Nhưng cách ngâm rượu rắn của họ thì hết sức kinh hoàng. Rắn còn bẩn thỉu như vậy họ đổ rượu vào ngâm - đó là điều không tưởng. Không biết có chữa lành bệnh hay không mà lại sinh ra bệnh khác.

Muốn ngâm rượu rắn trước hết là phải giết rắn bằng rượu. Rắn đang sống đổ rượu vào đậy lại cho rắn quậy, thải hết chất bẩn và chất độc trong rắn, bỏ rượu đó đi, bổ rắn ra, bỏ hết phủ tạng (chỉ để lại cái mật), cho rượu khác vào ngâm.

Và ngâm một bài thuốc Đông y riêng, bài thuốc Đông y phải có nội dung để hướng dẫn các chất của rắn vào phủ tạng, kinh lạc mà cần để chữa bệnh ở đó. Nếu chỉ uống một mình rượu rắn thì không có tác dụng chữa bệnh mà có khi mang bệnh vào người.

Rượu ngâm lá và rễ cây: Hiện nay, một số địa phương hái lá rừng, đào rễ cây trong rừng (chưa được cơ quan chức năng kiểm chứng), khi uống vào đã bị ngộ độc phải cấp cứu, có trường hợp mất cả tính mạng.

Nhân đây, tôi xin nhắc lại 2 vụ ngộ độc rượu thuốc cách đây gần 30 năm: một vụ ở Đak Lak ngâm rượu rễ cây trong rừng uống, một số người tử vong trong đó có cả thầy thuốc Đông y.

Hay như ở Quảng Ngãi ngâm bài “thập toàn đại bổ” nhưng uống vào bệnh nhân chết tại trận. Khi Hội Đông y đến kiểm tra trong bài thuốc ấy có vị rễ cây ngón là loại cây cực độc gây chết người. Những năm tôi đang công tác ở Hội Đông y Việt Nam, khi đi về địa phương có người bảo tôi đang ngâm rượu bài “Lục vị hoàn để bổ thận”.

Tôi nói ngay: “Bài lục vị” là bài thuốc bổ thận âm (bổ thủy) để sinh ra huyết và dịch sao lại ngâm rượu, rượu là vị thuốc cay nóng, đại nhiệt làm tổn thương huyết dịch lại đi ngâm rượu là không đúng”.

Thầy đỏ mặt không nói gì… Trong Đông y, các vị thuốc cay nóng hoặc có chất độc như phụ tử cũng cấm không được dùng ngâm rượu để uống. Nói tóm lại không phải bài thuốc nào, vị thuốc nào cũng ngâm rượu được, đó là điều cần lưu ý.

Ai không uống được rượu thuốc?

Như đã nói ở trên, rượu là một vị thuốc nhưng để làm chất dung môi dẫn thuốc, không có tác dụng chữa bệnh, trừ trường hợp cá biệt.

Người huyết nhiệt khi uống rượu vào thấy mặt đỏ, mệt mỏi… nếu uống rượu tiếp sẽ làm huyết nhiệt thêm dẫn đến tổn thương tim mạch. Rượu nóng làm huyết nóng lỏng ra, lưu thông mất cân bằng, sự vận hành của huyết trong tim mạch bị hạn chế làm tổn thương đến sự lưu thông của khí huyết dẫn đến cơ thể gầy yếu, ăn uống kém, sinh lý kém, thường hay bị ho khan nhưng không rõ nguyên nhân.

Đối với người gan nóng, khi uống rượu vào thường thấy đau đầu choáng váng, rối loạn tiêu hóa, da bị sạm, nổi mẩn ngứa... đây là biểu hiện sự đào thải của gan kém, nếu tiếp tục uống rượu sẽ dẫn đến xơ gan hoặc ung thư gan.

Đối với người thận âm kém, uống rượu vào thấy đau lưng, khô họng, nóng trong bụng khó chịu, đi tiểu tiện ít hoặc nước tiểu đỏ là không tốt.

Thận âm chủ thủy, sinh ra huyết dịch, khi thận âm kém mà uống rượu càng làm tổn thương thận thủy, làm cho huyết dịch bị tổn thương, không đủ để nuôi dưỡng cơ thể, làm cơ thể khô kiệt, tinh dịch không đủ để nuôi sống tinh trùng làm tinh trùng chết dẫn đến mắc chứng vô sinh nam giới.

Như vậy, rượu không có tác dụng chữa bệnh mà chỉ là một dung môi để dẫn thuốc, phần nhiều dùng trong trường hợp điều trị một số chứng bệnh thuộc hàn chứng hoặc người có cơ địa hàn đang mắc chứng hàn tích đau nhức mỏi. Rượu không có tác dụng bồi bổ cơ thể, không có tác dụng làm cho cơ thể cường tráng như người ta đồn thổi...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại