Việc hiểu sai thời gian tồn tại của chất cồn trong cơ thể sau khi uống khiến nhiều người không biết liệu có an toàn về mặt pháp lý khi ngồi sau tay lái hay không và có thể dẫn đến những hậu quả bi thảm.
Các chuyên gia cho biết thời gian rượu tồn tại trong hệ thống của bạn phụ thuộc vào tuổi tác, cân nặng, gần đây bạn có ăn gì không, thuốc men, bệnh gan và thời gian giữa các lần uống rượu.
Rượu và bia sẽ có tác động mạnh và lâu hơn đối với những người có trọng lượng thấp hơn và kích thước cơ thể nhỏ hơn.
Ngoài ra, khả năng chuyển hóa rượu trong cơ thể sẽ chậm lại khi bạn già đi. Nếu bạn đang uống khi bụng đói, tác động của rượu có thể được thúc đẩy mạnh. Uống rượu quá mức trong thời gian ngắn cũng làm tăng tác động của rượu.
Theo các chuyên gia về sức khỏe, một ly rượu nhỏ sẽ chuyển hóa trong một tiếng đồng hồ. Một lít bia, ba ly rượu vang và một vài thức uống có cồn khác thì có thể sẽ mất nhiều giờ đồng hồ liên tiếp.
Dù là bạn có một lá gan tốt hay không thì uống rượu dù ít hay nhiều cũng sẽ gây tổn hại cho sức khoẻ.
Đối với việc lái xe, các chuyên gia đều khuyên rằng: "Điều an toàn nhất bạn có thể làm là không ngồi sau tay lái sau khi đã uống rượu, bia".
Sự hiện diện của rượu, bia có thể được phát hiện thông qua xét nghiệm nước tiểu, kiểm tra hơi thở và thậm chí trên tóc của người uống. Độ cồn có thể được đo qua nước tiểu của người uống trong vòng 12 đến 48 tiếng hoặc thậm chí 80 tiếng, tùy thuộc vào mức độ tiên tiến của xét nghiệm.
Một trang web về sức khỏe uy tín còn cho hay, rượu thậm chí có thể được phát hiện ở chân tóc của người uống trong 90 ngày sau đó. Ngoài ra, chất cồn có thể được xác định trong mồ hôi và máu.
Điều quan trọng nhất là nếu đã sử dụng rượu, bia bạn không nên lái xe để an toàn cho chính bạn và mọi người.
Theo usatoday