"Chợ thịt chó" giảm nhiệt…
Mới đây, UBND TP. Hà Nội có văn bản tuyên truyền người dân không nên ăn thịt chó, mèo. Theo đó, việc hạn chế ăn thịt chó, mèo nhằm phòng, chống bệnh dại; nguy cơ và tác hại mắc các bệnh truyền nhiễm như: Bệnh xoắn khuẩn, bệnh tả...
Còn tại TPHCM, việc kinh doanh thịt chó, mèo cũng xuất hiện nhiều nơi, tuy nhiên, thị trường này đã và đang "giảm nhiệt" dần.
Trước đó, đầu năm 2018, UBND TPHCM ban hành Quyết định 17/QĐ-UBND phê duyệt chương trình khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên địa bàn TP giai đoạn 2017 - 2021.
TP yêu cầu các quận, huyện chỉ đạo xử lý những trường hợp kinh doanh chó, mèo ở lòng lề đường.
Đồng thời, kiểm tra và xử lý các điểm giết mổ chó, mèo trái phép trên địa bàn.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM, tính đến tháng 2.2018 trên địa bản thành phố có 3.177 người bị súc vật cắn cần phải điều trị dự phòng, so với cùng kỳ năm 2017 tăng 1,86% (2.998 người bị súc vật cắn phải điều trị dự phòng).
Đa số các trường hợp tiêm phòng trước 10 ngày sau khi bị súc vật cắn (99,19%) cho thấy người dân có ý thức về phòng, chống bệnh dại.
Tại phường Trung Mỹ Tây, ông Nguyễn Đức Tâm, Phó Chủ tịch UBND phường cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND quận 12, phường Trung Mỹ Tây thường xuyên tuyên truyền và kiểm tra các điểm giết mổ, kinh doanh tại chợ chuyên bán thịt chó tồn tại khá lâu trên địa bàn phường.
Nói về giải pháp hạn chế sử dụng thịt chó, mèo, ông Tâm cho biết thêm, phường mời người dân có điểm cho thuê bán thịt chó trên địa bàn và trao đổi, đề nghị không cho thuê bán thịt chó nữa. Bên cạnh đó, phường vận động các hộ bán thịt chó chuyển đổi ngành nghề.
Việc làm trên đã mang lại hiệu quả nhất định, số lượng các điểm bán thịt chó giảm đáng kể.
Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM cho biết, trước đây trên tuyến đường Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) có khá nhiều điểm bán thịt chó nhưng gần đây đã giảm hẳn.
Về việc hạn chế ăn thịt chó, ông Phát cho rằng hiện vẫn còn một bộ phận có thói quen dùng thịt chó. Do vậy, không thể một sớm một chiều bỏ được mà phải dần dần chuyển đổi nhận thức và giải pháp tốt nhất vẫn là tuyên truyền.
Nhiều bệnh nguy hiểm khi sử dụng thịt chó, mèo
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong những năm qua, bệnh dại trên động vật và trên người tại Việt Nam diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt đã gây tử vong trên người.
Giai đoạn 2011 - 2016, tại Việt Nam trung bình mỗi năm có 92 ca tử vong và khoảng 400.000 người bị chó cắn phải điều trị dự phòng, thiệt hại trực tiếp hàng năm trên 800 tỷ đồng.
Riêng tại TPHCM, trong năm 2017 có 1 trường hợp bệnh nhân bị chó cắn nhưng không tiêm phòng dẫn đến tử vong tại phường 5 (quận Gò Vấp).
Một bác sĩ tại TPHCM cho biết, những ai ăn thịt chó sẽ đối diện với các nguy cơ bệnh như đối với động vật hoang dã.
Theo đó, việc sử dụng hay tiếp cận với chó là nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm: sán chó và ấu trùng sán chó (Toxocara canis) cực kỳ nguy hiểm.
Đối với bệnh này, gây tác hại với mắt khiến mù mắt; đối với não khiến dây thần kinh bị chèn ép gây chứng điên loạn. Ngoài ra, đối với gan, lách, ấu trùng tạo nhiều u nang làm cho các cơ quan này suy yếu hoặc làm người bệnh tử vong do nhiễm trùng…
Ngoài ra, việc sử dụng thịt chó nhà nuôi cũng khó tránh khỏi các nguy cơ mầm bệnh, nguy cơ ăn thịt những con dính bã chó là điều khó tránh khỏi và hàm lượng của vắc- xin dại trong thịt chó tồn tại rất cao.
"Vắc- xin phòng dại ở chó được chích mỗi năm và để tiết kiệm giá thành, đa số vắc- xin dại cho chó hiện hành đều là chế phẩm từ virus dại sống giảm độc lực.
Điều này khiến dư lượng vắc- xin trong thịt chó của một con chó ba đến bốn tuổi đủ sức gây yếu, liệt thần kinh trung ương người ăn theo thời gian", một bác sĩ tại TPHCM nói.