Rủ nhau uống rượu, hai em gái tuổi teen suýt chết vì ngộ độc

BS. Nguyễn Thành Úc |

Rủ nhau uống hết nửa chai rượu mạnh và một chai nước tăng lực, 2 em gái tuổi teen đã phải nhập viện gấp vì nôn ói và hôn mê.

Trưa ngày 13/6/2017 hai bé gái ĐQN, 14 tuổi và HTHM, 13 tuổi, nhà ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang được gia đình đưa vào bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang vì đột ngột nôn ói và hôn mê.

Gia đình kể không biết cháu uống nước gì mà thấy hai bé nôn ói rồi ngất xỉu trong nhà, một bé nằm trên giường, một bé nằm dười đất, gọi hoài không dậy nên lập tức chở vô bệnh viện.

Các bác sĩ khám cho hai bé thấy hai cháu hôn mê, hạ nhiệt độ, tay chân mềm nhũn, mất phản xạ, nhịp tim giảm, nên khẩn trương cấp cứu, cho dịch truyền, rửa dạ dày, bơm than hoạt và cho làm các xét nghiệm độc chất.

Kết quả cho thấy trong máu của hai cháu có nồng độ rượu rất cao, một bé 185mg% và một bé 150mg%.

Sau 24 giờ điều trị, sáng 14/6 các cháu tỉnh táo và khai với bác sĩ là vì tò mò nên rủ nhau đi mua một chai rượu mạnh ở cửa hàng, cùng hai chai nước tăng lực, sau đó hai đứa cùng uống trên nửa chai rượu, một chai nước tăng lực, sau uống thấy buồn nôn, nôn và nhức đầu, chóng mặt rồi té xỉu.

Rủ nhau uống rượu, hai em gái tuổi teen suýt chết vì ngộ độc - Ảnh 1.

Bệnh nhân ngộ độc được chăm sóc và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang.

Về chuyên môn, hầu hết kết quả ngộ độc rượu do uống quá nhiều đồ uống có cồn, đặc biệt là trong một thời gian ngắn.

Không giống như thực phẩm, có thể mất thời gian để tiêu hóa, rượu được cơ thể hấp thu nhanh hơn hầu hết các chất dinh dưỡng khác.

Nếu uống khi đói, khoảng 20% rượu được hấp thụ trực tiếp từ dạ dày và có thể tới não trong ít hơn một phút.

Rượu làm chậm kiểm soát dây thần kinh, các hành động không tự nguyện như hơi thở, nhịp tim.

Uống rượu quá nhiều có thể làm chậm và trong một số trường hợp có thể ngừng chức năng hô hấp và tuần hoàn dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng thần kinh nặng nề. Nhiệt độ cơ thể cũng có thể hạ, dẫn đến ngừng tim.

Và lượng đường trong máu có thể giảm thấp, gây ra cơn động kinh.

Trẻ thiếu niên lần đầu uống rượu hoặc phái nữ dễ bị ảnh hưởng của rượu hơn nam vì nữ sản xuất ít hơn một loại enzyme làm chậm sự hấp thu của rượu trong dạ dày.

Với trẻ em tác hại của rượu rất lớn, vì các cơ quan trong cơ thể trẻ vẫn còn non nớt, chưa hoàn thiện, đặc biệt là hệ tiêu hóa nên không thể tiếp nhận thức ăn, thức uống chứa quá nhiều chất kích thích.

Chất cồn làm tổn thương nội tạng của trẻ, nhất là gan và dạ dày, làm giảm khả năng miễn dịch, khiến trẻ dễ mắc các bệnh hô hấp như cảm, viêm phổi, não của trẻ bị ảnh hưởng lớn nhất vì rượu làm trẻ giảm trí nhớ, trí tuệ giảm sút, mất tập trung dẫn đến kết quả học tập kém.

Ngoài ra rượu có thể làm quá trình phát dục của trẻ bị rối loạn, gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản sau này đối với cả nữ và nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại