Rất nhiều người bị viêm mũi dị ứng: Chuyên gia chỉ thủ phạm trên chính giường ngủ nhà bạn

Thảo Nguyên |

Theo PGS Nguyễn Hoàng Sơn – Cố vấn BV Đa khoa An Việt cho biết viêm mũi dị ứng là bệnh hô hấp chủ yếu ở người lớn và trẻ em. Bệnh lại khó điều trị nếu không tìm đúng tác nhân.

Thủ phạm gây viêm mũi dị ứng trên giường nhà ai cũng có

Viêm mũi dị ứng được coi là căn bệnh lai rai khó chữa thậm chí có người phải thay đổi môi trường sống mới khỏi được chứng viêm mũi dị ứng.

Trường hợp của chị Cao Thu Hà trú tại Hà Đông, Hà Nội là điển hình. Chị Hà cho biết từ đầu năm đến nay mũi chị lúc nào cũng trong tình trạng nghẹt đặc không khỏi.

Chị đã đến bệnh viện Tai mũi họng trung ương khám và chụp Xquang kiểm tra xoang nhưng xoang và vùng vòm mũi họng đều bình thường. Bác sĩ chẩn đoán chị bị viêm mũi dị ứng nhưng cho thuốc về uống cả tuần bệnh khỏi được 1 tuần, chị Hà lại bị bệnh tái phát trở lại.

Những triệu chứng của viêm mũi dị ứng khiến chị khó chịu. Ban đầu để có thể thông đường thở chị chạy ra nhà vệ sinh xì mụi, khịt vào nhưng lâu dần chị đành khụt khịt ngay tại phòng làm việc. 

Việc khịt mũi đôi khi còn khiến chị tự ti vì cảm giác làm phiền người xung quanh. Cảm giác nhức đầu, đầu ong ong nặng nặng nên làm việc cũng không còn hiệu quả.

Rất nhiều người bị viêm mũi dị ứng: Chuyên gia chỉ thủ phạm trên chính giường ngủ nhà bạn - Ảnh 1.

Những con mạt bụi gây viêm mũi dị ứng.

Chị Hà kể vào buổi tối cứ ngả lưng nằm xuống giường là chị lại vội vàng ngồi dậy hắt hơi đến 4 – 5 lần. Có những lúc cả tối chẳng ngủ nổi vì nước mũi chảy, mũi ngứa hắt hơi. Chồng và con chị cũng mất ngủ theo.

Chị Hà tìm tới bác sĩ Sơn khám. Các tác nhân được loại trừ hết như viêm mũi mãn tính, tiền sử hen phế quản, dị ứng lông vật nuôi… đều không có nên bác sĩ nghi ngờ kháng nguyên gây viêm mũi dị ứng có thể do mạt bụi trong chính phòng ngủ của chị.

Theo PGS Sơn mọi người bị viêm mũi thường đổ lỗi tại thời tiết, tại vi trùng nhưng có một tác nhân mọi người đều bỏ sót đó là do bụi trong chính nhà mình.

PGS Sơn cho rằng mọi người đi ngoài đường gặp bụi đá, bụi đất, bụi vô cơ cũng không thể gây viêm mũi dị ứng bằng bụi chính trong nhà mình mà các bác sĩ thường gọi là mạt bụi.

Được biết, mạt bụi nhà là một phức hợp của loài Dermatophagoides pteronyssinus, phân bố khá rộng rãi ở khắp nơi trên thế giới. Chúng có kích thước rất nhỏ khoảng 0,3mm và sống ở những đồ đạc ở trong nhà, giường, chiếu, gối, chăn, màn ngủ, thảm trải nhà... Ở những nơi này, chúng ăn những mảnh vụn hữu cơ như vảy da, mảnh gầu tóc ở da đầu.

Một số người khi hít phải bụi nhà có loài mạt bụi ăn da, phân của mạt, các mảnh vụn và cả vi nấm... sẽ bị phản ứng dị ứng, gây nên bệnh hen suyễn và viêm niêm mạc mũi dị ứng. Nhiều trường hợp các yếu tố gây dị ứng do mạt bụi nhà có trong không khí có thể xảy ra sau khi quét dọn vệ sinh giường ngủ.

Trong điều kiện khí hậu ôn hòa, mạt bụi nhà hiện diện chủ yếu ở giường ngủ, thảm trải nhà hầu như quanh năm. Mạt bụi nhà trú ẩn trong giường ngủ có đỉnh phát triển cao nhất vào cuối mùa hè và đầu mùa thu.

Qua khảo sát, một số loại mạt bụi nhà khác cũng gây ra những phản ứng dị ứng tương tự cho người được phát hiện trong các kho chứa hàng hóa, kho chứa cỏ, thức ăn của động vật nuôi...

Bệnh lai rai và khó điều trị dứt hẳn

Theo PGS Sơn bệnh viêm mũi dị ứng là một bệnh miễn dịch do các dị nguyên ngoại lai gây ra và xâm nhập chủ yếu qua con đường niêm mạc mũi. Bệnh viêm mũi dị ứng là bệnh khá phổ biến trên thế giới, ở Việt Nam viêm mũi dị ứng chiếm khoảng 32% trong các bệnh lý về tai mũi họng.

Khí hậu ngày càng khắc nghiệt, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng do vậy tỉ lệ mắc bệnh dị ứng cũng tăng theo.

Rất nhiều người bị viêm mũi dị ứng: Chuyên gia chỉ thủ phạm trên chính giường ngủ nhà bạn - Ảnh 2.

Mũi rất dễ bị viêm vì là cửa ngõ của cơ thể.

PGS Sơn cho biết người bị viêm mũi dị ứng có thể sống một thời gian dài mà không cảm thấy có biểu hiện nào của bệnh, trong khi đó các xét nghiệm lại chứng tỏ tình trạng dị ứng của cơ thể.

Thế cân bằng này không ổn định và bệnh dị ứng sẽ xuất hiện khi có một số yếu tố thuận lợi như tiếp xúc quá lâu với các tác nguyên gây dị ứng, tinh thần căng thẳng, stress, yếu tố nội tiết (phụ nữ thời kỳ kinh nguyệt, tiền mãn kinh, thuốc tránh thai).

Triệu chứng của viêm mũi dị ứng là chảy mũi từng cơn, nhất là khi tiếp xúc với dị nguyên, ngứa mũi và mắt có thể kèm theo ngứa tai, nghẹt mũi hai bên hay đổi bên, chảy nước mũi trong hay vàng đục nếu bội nhiễm.

Ngoài ra viêm mũi dị ứng còn có những biểu hiện phụ như: Bệnh nhân có thể bị chảy mũi sau họng, gây khịt mũi, hắng giọng và ho, mũi nghẹt, phải thở bằng miệng gây viêm họng, khô họng, viêm thanh quản, chóp mũi viêm đỏ và trầy da do chà xát thường xuyên vì ngứa, mí mắt thường bị sưng nề, quầng thâm.

Các triệu chứng của viêm mũi dị ứng có thể xuất hiện theo mùa hay viêm mũi quanh năm, khi soi mũi sẽ thấy niêm mạc mũi phù nề, mọng, có màu tái nhợt, trong hốc mui đầy chất tiết trong và loãng.

Bệnh viêm mũi dị ứng ít có những triệu chứng điển hình ở những trẻ em ít hơn 2 tuổi, vì vậy phụ huynh cần phải theo dõi bé thường xuyên khi có những biểu hiện lạ về tai mũi họng.

Bệnh viêm mũi dị ứng là bệnh thường hay dai dẳng đôi khi chỉ có cách điều trị dứt hẳn là thay đổi địa điểm sống, thay đổi tác nhân gây dị ứng.

Tuy nhiên những trường hợp tìm được đúng kháng nguyên để loại kháng nguyên ra không phải dễ nhất là trường hợp di truyền thì khó. Để điều trị dứt điểm phải tìm tác nguyên gây bệnh để tránh còn các biện pháp xịt mũi bằng các sản phẩm có chứa corticoid vẫn có thể khiến bệnh tái phát lại thành chu kỳ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại