Xu thế mới ở Syria năm 2016 sẽ khiến châu Âu thêm hỗn loạn

Lưu Hải Hà |

Diễn biến tiếp theo ở Syria - được dự đoán dựa trên những gì đang xảy ra hiện nay, có thể là "bất ngờ" xấu đối với châu Âu, theo nhận định của báo Nga Vzglyad.

Quân đội chính phủ và dân quân Syria, với sự hỗ trợ của Không quân và Hải quân Nga, đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc xung đột ở quốc gia này, và bắt đầu có tư duy tấn công.

Theo Vzglyad, đã có thể khẳng định rằng chiến thắng của Damascus trước những kẻ thánh chiến cực đoan "không còn là vấn đề của tương lai xa".

Song, còn một xu thế nữa, bắt đầu cách đây không lâu, và có thể trở thành bất ngờ đối với tương lai của nhà nước Syria, đó là quá trình "trao đổi người".

Vzglyad chỉ ra, chính phủ Damascus đã tổ chức "rút lui trong danh dự" cho những chiến binh thuộc các nhóm đối lập mà trong quá trình đàm phán được thừa nhận là "ôn hòa".

Đó hầu hết là dân địa phương và gia đình của họ, cùng vũ khí cá nhân. Còn những kẻ đánh thuê nước ngoài và cực đoan thì không muốn, và cũng không được tham gia đàm phán.

Như vậy, toàn bộ cộng đồng dân cư ở các khu vực bị quân chính phủ bao vây sẽ được yêu cầu đi về hướng tây bắc tới gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Trên thực tế, vài trăm người Shiite và những người ủng hộ Assad cũng đã rời khỏi những khu vực bị thánh chiến bao vây để tới Beirut, còn các chiến binh cực đoan thì được đưa tới Hatay (Thổ Nhĩ Kỳ).

Báo Nga
Vzglyad
Có lý do để tin rằng, trong tương lai gần, việc trao đổi lãnh thổ và dân cư có thể trở thành dạng thức đối thoại chính trị nội bộ chủ yếu ở Syria... Đó là một dạng 'thanh lọc sắc tộc tự nguyện".

Nếu cứ tiếp tục như vậy, các nhóm chiến binh cuối cùng sẽ tập trung gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - cả về quân sự lẫn dân sự. "Quá trình chia tách Syria thành các phần không bằng nhau sẽ trở nên rõ ràng".

Còn nếu quân chính phủ có thể ép phần còn lại của phe đối lập không ôn hòa sang Thổ, thì Damascus sẽ không cần phải đối thoại với họ, và họ cũng sẽ không tham gia bầu cử sau chiến tranh.

Vzglyad nhận định, xu thế này hiện còn chưa được chú ý lắm, nhưng khi thành công của quân chính phủ trở thành "chuyện thường ngày", thì có lẽ đây sẽ là dạng thức mới cho giải pháp sau xung đột.

Khi quân chính phủ tiếp tục tiến lên, cuộc "sơ tán" năm 2016 sẽ sinh ra "làn sóng di cư mới, nhưng lần này hoàn toàn là của cực đoan".

"Có thể Tây Âu chưa hiểu điều này lắm. Mà cũng có thể họ hiểu, nhưng không muốn để xảy ra kịch bản chẳng hay ho gì: Chiến thắng của quân chính phủ sẽ ép những kẻ cực đoan sang châu Âu".

Cũng theo báo Nga, "dưới áp lực của cộng đồng thế giới, cuộc chiến tiêu diệt đang chuyển dần thành cuộc chiến với nhiều ước lệ và thỏa thuận ngầm".

Đúng là không ai muốn đối thoại với ISIS, nhưng trong thành phần của ISIS cũng có dân thường. Sớm muộn gì thì cuộc chiến cũng sẽ động đến họ, buộc họ phải lựa chọn.

Nếu họ chọn thánh chiến thì sẽ phải đi, dù chả rõ đi đâu. Nhưng phần đông sẽ chọn ở lại.

"Như vậy, Syria nhanh chóng và khá bất ngờ trôi về phía giải pháp sắc tộc và tôn giáo... Không phải là chia cắt đất nước, mà là thừa nhận sự tồn tại bên trong nước các nhóm bán tôn giáo muốn có vai trò chính trị".

Ví dụ như, al-Nusra sẽ có 2 ghế ở chính quyền địa phương để đổi lấy việc những người theo lực lượng này, cùng gia đình họ, sơ tán.

Chính quyền vẫn sẽ cố thử thỏa thuận với họ trên cơ sở chuyển giao một phần quyền lực nào đó thay vì đưa họ sang Thổ Nhĩ Kỳ, nhân thêm sự hỗn loạn ở châu Âu

Vzglyad đánh giá, trong năm 2016, "trao đổi người" có thể biến thành một xu hướng chính trị mạnh mẽ đến nỗi phải nghĩ ra các luật lệ mới cho cuộc chơi ở Trung Đông.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại