Thông tin này do tờ The Telegraph đưa ra từ tài liệu giải mật của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Anh.
Theo tài liệu giải mật các cuộc điện đàm giữa cựu lãnh đạo Libya với cựu Thủ tướng Anh Tony Blair mới được Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Anh công bố vào ngày 7/1, ông Gaddafi đã không ít lần cảnh báo ông Blair về mối đe dọa của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đối với châu Âu nhưng những lời cảnh báo này đã bị ông Tony Blair phớt lờ.
Chính điều này đã khiến châu Âu đang phải đau đầu trong việc chống lại khủng bố và khủng hoảng nhập cư.
Cụ thể, theo tài liệu giải mật mới được công bố, ông Gaddafi ngày 25/2/2011, khi bất ổn đang bao trùm Libya, đã cố gắng thuyết phục ông Blair rằng Libya đang phải “gồng mình chống lại” các phần tử của tổ chức Al-Qaeda.
“Không phải chúng tôi tấn công họ mà họ đang tấn công chúng tôi. Tôi muốn nói với ông sự thật.
Tình hình hiện nay không phải như các ngài đang thấy, tất cả là rất đơn giản: Ở Bắc Phi đã xuất hiện các ổ nhóm của Al-Qaeda.
Các ổ nhóm này ở Libya giống như những phần tử ở Mỹ trước khi thực hiện vụ khủng bố 11/9”- Gaddafi cố thuyết phục.
“Bọn chúng (các phần tử khủng bố) đã chiếm vũ khí và reo rắc nỗi kinh hoàng cho người dân. Người dân không thể rời khỏi nhà mình… Bức tranh này không được phản ánh vì ở đây không có nhà báo nào.
Chúng tôi đề nghị tất cả các nhà báo quốc tế hãy đến đây để thấy được sự thật. Đó là các phần tử được vũ trang và không thể thỏa thuận với chúng”- Gaddafi bổ sung.
“Chúng muốn kiểm soát Địa Trung Hải để từ đó tấn công châu Âu”- ông Gaddafi cảnh báo ông Blair.
Tuy nhiên, đáp lại lời cảnh báo này, ông Blair lại nhấn mạnh rằng cần phải giải quyết vấn đề bằng các cuộc đàm phán hòa bình.
Ba tuần sau cuộc điện đàm này, Liên minh quân sự phương Tây, trong đó có sự tham gia tích cực của Anh, đã bắt đầu tiến hành các đợt không kích Libya và sau đó là sự sụp đổ của chế độ Gaddafi.
The Telegraph cũng thông tin rằng khi đó, ông Blair đã hai lần gọi điện cho ông Gaddafi để thuyết phục ông này rời khỏi Libya.
“Những cảnh báo của Gaddafi đã trở thành hiện thực. Sau khi Gaddafi bị lật đổ, Libya rơi vào tình trạng hỗn loạn và dẫn đến cuộc nội chiến kéo dài. Các phần tử hồi giáo cực đoan có liên quan đến IS đã kiểm soát khá nhiều lãnh thổ Libya.
Sau đó, các phần tử này được cử đến Pháp để thực hiện các vụ khủng bố đẫm máu ở Paris vừa qua” - The Telegraph viết.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Anh Crispin Blunt cho biết, trong khuôn khổ các cuộc điều tra về các sự kiện ở Libya, ủy ban này sẽ xem xét “những lời cảnh tỉnh của Gaddafi”.
Theo Chrispin Blant, những thông tin có được ở thời điểm hiện tại cho thấy “các chính trị gia phương Tây tỏ ra kém sáng suốt hơn ông Gaddafi trong việc nhận định các hiểm họa đối với người dân Libya cũng như đối với các lợi ích của châu Âu”.