Vụ thử bom H: "Mọi lựa chọn của TG với Triều Tiên đều là tồi tệ"

Ngọc Minh |

Theo giới chuyên gia, quốc tế sẽ phải đau đầu tìm cách đáp trả việc Triều Tiên lần đầu thử bom nhiệt hạch, loại bom mạnh gấp nhiều lần bom hạt nhân.

Vài tuần trước khi tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ tư, Triều Tiên đã tuyên bố rằng nước này là một "cường quốc hạt nhân, sẵn sàng kích nổ bom nhiệt hạch (bom H)".

Đáp trả, Hội đồng Bảo An khẳng định không chấp nhận Triều Tiên là quốc gia hạt nhân, "sẽ tiếp tục bảo vệ các đồng minh trong khu vực" và "có biện pháp đáp trả thích ứng đối với tất cả các động thái khiêu khích của Triều Tiên".

Hàn Quốc thì đe doạ vụ thử hạt nhân thứ tư sẽ trở thành "giọt nước tràn ly", có thể buộc Seoul phải đáp trả.

Bất chấp những cảnh báo đó, Triều Tiên vẫn quyết làm theo ý mình.

Chuyên gia người Mỹ Mike Chinoy cho rằng, việc thử bom nhiệt hạch là cách Triều Tiên "một lần nữa gửi đi tín hiệu rằng nước này là cường quốc đáng gườm và họ muốn phần còn lại của thế giới nghĩ về điều đó một cách nghiêm túc".

Mặc dù cảnh báo đanh thép, song trên thực tế, động thái thử bom H của Bình Nhưỡng đã khiến các nhà lãnh đạo thế giới rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan".

"Tất cả mọi lựa chọn (của thế giới) với Triều Tiên đều là tồi tệ", ông Chinoy đánh giá.

"Không có bằng chứng nào cho thấy, các lệnh trừng phạt theo nhiều dạng khác nhau áp đặt suốt rất nhiều năm có tác động gì tới hành vi của Triều Tiên, ngay cả khi nó gây tổn thất phần nào đó về kinh tế cho người Triều Tiên.

Vì thế, tăng cường các biện pháp trừng phạt dường như sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn".

Trong khi đó, gây chiến lại là điều quá nguy hiểm, và trong điều kiện phương Tây đang có quá nhiều thứ phải bận tâm như hiện nay, điều đó sẽ không xảy ra.

"Biện pháp còn lại là đối thoại - điều này, theo tôi, là thứ mà người Triều Tiên sẽ thích", ông Chinoy kết luận.

Đồng quan điểm này, chuyên gia Jasper Kim từ Trung tâm Quản lý Khủng hoảng tại Đại học Ewha Womans (Hàn Quốc) giải thích thêm:

"Điều Kim Jong Un muốn là một cuộc đối thoại với Tổng thống Mỹ. Đó là lý do vì sao vụ thử nghiệm được diễn ra".

Chính quyền của Tổng thống Obama đã thành công trong việc ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Iran, song lại không thể đạt được bất cứ tiến bộ nào đối với Triều Tiên.

Chuyên gia người Mỹ
Mike Chinoy
Vụ thử bom H đã đặt Mỹ vào tình thế khó. Liệu có bước đi nào của họ kiềm chế được Triều Tiên hay không? Tôi đoán là không.

Dưới thời cố lãnh đạo Kim Jong Il, Triều Tiên đã chấp thuận cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA tiến hành thanh tra và đồng ý tham gia đàm phán 6 bên với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Nga.

Triều Tiên còn chấp nhận cắt giảm một phần của chương trình hạt nhân để đối lấy việc được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế.

Tuy nhiên, Triều Tiên dưới thời Kim Jong Un lại khác. Phát ngôn viên nước này từng tuyên bố, chương trình hạt nhân là "công cụ cần thiết để bảo vệ chủ quyền và các quyền sống còn của mình".

Theo đánh giá của ông Victor Cha, chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Hàn Quốc, nếu ước tính (về năng lực hạt nhân của Triều Tiên) chính xác, thì những gì mà cuộc đàm phán 6 bên đưa ra suốt 1/4 thế kỉ qua "dường như bất ngờ trở nên tầm thường".

Quốc tế từng hi vọng có thể nhờ cậy Trung Quốc - đồng minh duy nhất của Triều Tiên, để kiềm chế Bình Nhưỡng, song thực tế đã chứng minh điều này không hiệu quả.

Trong khi đó, một số chuyên gia lại nghi ngờ rằng, thứ mà Triều Tiên thử nghiệm ngày hôm nay không phải là bom nhiệt hạch mà chỉ là bom nguyên tử được pha thêm đồng vị hydro.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại