Do Ả Rập Saudi biết trước vụ chặt đầu giáo sĩ sẽ gây ra phẫn nộ, nên đã lệnh cho cơ quan an ninh đặt trong tình trạng báo động cao, trước khi tiến hành vụ thi hành án tử nhiều người nhất nước này (từ 35 năm qua) trong cùng ngày 2.1.
Theo báo Independent (Anh) có được tài liệu do các nhà vận động nhân quyền Ả Rập Saudi cấp, là một lá thư của chỉ huy an ninh, ra lệnh cho toàn lực lượng hủy những ngày nghỉ từ 31.12.2015 trở đi, và tổ chức “cảnh giác tối đa” cho đến khi có lệnh mới.
Lá thư được đóng dấu “khẩn cấp” này gửi đến các chỉ huy an ninh ở những vùng có thi hành án tử hình.
Tổ chức nhân quyền Ân Xá Quốc tế nhận được tài liệu mật của chính quyền Ả Rập Saudi, nói nó cho thấy “có động cơ chính trị” trong vụ xử tử tập thể.
Maya Foa, trưởng nhóm vận động xóa án tử hình của tổ chức Ân Xá Quốc tế, nói: “Lá thư này cho thấy mức độ chuẩn bị của chính quyền Ả Rập Saudi trước vụ xử tử, dự báo trước sự phẫn nộ bùng nổ tiếp sau vụ xử tử người biểu tình có động cơ chính trị của chính quyền”.
Bà Foa nói thêm, nếu Ả rập Saudi thật sự muốn tự thể hiện trên trường quốc tế, nước này cần chấm dứt tra tấn, xử tử người phản đối, đồng thời tiến hành xét xử minh bạch, công bằng.
Iran dọa lật đổ vương triều Ả Rập Saudi
Vụ chặt đầu giáo sĩ Nimr dẫn đến đổ vỡ ngoại giao trên toàn Trung Đông. Những vụ nổi loạn xảy ra, gồm một cuộc đấu súng với cảnh sát tại làng của Nimr, đập phá sứ quán Ả Rập Saudi ở thủ đô Tehran của Iran.
Sau khi nhóm đông người tràn vào sứ quán Ả Rập Saudi ở Tehran hôm 2.1, chính quyền Ả Rập Saudi tự coi mình là nạn nhân của một sự can thiệp vào nội bộ nước này, triệu hồi đại sứ và cắt quan hệ ngoại giao với Iran.
Ngày 4.1, Hội đồng cố vấn Shura của chính phủ Ả Rập Saudi tuyên bố ủng hộ vụ xử tử, nói chính Iran “tìm cách gây bất ổn cho an ninh và ổn định của các nước trong khu vực Trung Đông”.
Lãnh tụ tối cao Iran, Giáo chủ Ali Khamenei tuyên bố vụ xử tử giáo sĩ là “hành vi tắm máu bất công”, “sai lầm chính trị” và cảnh báo chính quyền Ả Rập Saudi sẽ đối mặt với “đòn báo thù thần thánh”.
Trang web của lãnh tụ Khamenei đăng ảnh một đao phủ Ả Rập Saudi cạnh gã đao phủ “John thánh chiến” của quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) kèm câu hỏi: “Có gì khác biệt không?”.
Bộ Ngoại giao Iran chỉ trích Ả Rập Saudi “ủng hộ khủng bố và cực đoan, đàn áp những tiếng nói phản đối trong nước”, đồng thời dọa Ả Rập Saudi “sẽ phải trả giá đắt”.
Vệ binh cộng hòa Iran (IRGC) mau chóng lên án vụ xử tử: “Không nghi ngờ gì nữa, chế độ Ả Rập Saudi bị thù ghét sẽ phải trả giá cho hành vi đáng xấu hổ này”.
Bình luận đầy giận dữ của IRGC không kêu gọi đánh Ả Rập Saudi trực tiếp, điều chẳng nước nào muốn làm, nhưng đó là sự nhắc nhở các nước Ả Rập theo đạo Hồi dòng Sunni trong vùng Vịnh, rằng IRGC có nhiều cách để tiến hành chiến tranh lạnh lâu dài giữa Iran theo dòng Shiite với các đối thủ Ả Rập.
Iran phủ nhận can thiệp vào các nước Ả Rập. Nhưng lực lượng tinh nhuệ Quds của IRGC chuyên hoạt động ở nước ngoài đã góp quân, súng và khí tài quân sự để hỗ trợ các chính sách và quyền lợi của Iran trong khu vực này.
Lực lượng Quds đã có nhiều kinh nghiệm quân sự trong nhiều năm nay, hiện giữ vai trò nổi trội trong IRGC, theo các chuyên gia.
Trong vài vụ, chiến binh IRGC và quân ủy nhiệm đã đánh trực tiếp các nhóm Sunni (có sự ủng hộ của Ả Rập Saudi) ở Iraq và Syria.
IRGC cũng đã lập mạng lưới tình báo trong cộng đồng Shiite ở các nước Ả Rập. Họ có tiềm năng phá hoại các quyền lợi của Ả Rập Saudi và đồng minh, bằng cách sử dụng “cảm tình viên” Shiite gây bất ổn chính trị, hoặc tổ chức tấn công bạo lực.
Ả Rập Saudi có cộng đồng Shiite ở miền Đông, trong khi đa số dân Bahrain là người Shiite sống dưới một vương triều theo dòng Sunni. Năm 2011, một cuộc nổi dậy bất thành ở Bahrain, nhằm đòi nhiều quyền dân chủ cho cộng đồng Shiite.
Trong tuyên bố của IRGC, họ cảnh báo rằng thanh niên và tín đồ Hồi giáo Ả Rập Saudi sẽ thực hiện “trả thù ghê gớm”, điều sẽ dẫn đến sự sụp đổ của vương triều Ả Rập Saudi.
Iran cũng có thể xới lên sự bất mãn từng dẫn đến cuộc nổi dậy ở Bahrain.
Một nhà ngoại giao phương Tây giấu tên ở Beirut, nói với Reuters: “Tôi cho rằng Iran có thể nhận định họ có thể giành một chiến thắng ở Bahrain, điều sẽ là lằn ranh đỏ cho Ả Rập Saudi. Cách của Iran là nói Bahrain là một quốc gia đa số dân theo dòng Shiite đang bị áp bức,không cho phép dân chủ”.
Những quan điểm cứng rắn của Iran, như của IRGC, đều chỉ trích thỏa thuận hạt nhân mà Iran và Mỹ cùng các cường quốc đạt được hồi năm ngoái, vốn nhằm dỡ bỏ đa phần lệnh cấm vận Iran.
Bị cô lập ngoại giao thêm nữa thì không phải là tin tốt cho Tổng thống Iran Hassan Rouhani, người được giáo chủ Khamenei cho phép thúc đẩy thỏa thuận trên, nhằm phát triển quan hệ giữa Iran với cộng đồng quốc tế.
Ông Rouhani ráng đạt bình thường hóa quan hệ với phương Tây thông qua thỏa thuận này. Đầu năm 2016, ông viết một đoạn Tweeter, hy vọng trong năm này, các nước có thể tìm kiếm những lý do để tác tạo hòa bình, không tạo cớ cho sự thù địch”.
Nhưng nay chính phủ của ông đang đối mặt cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn nhất, có thể ông Rouhani không đủ khả năng thuyết phục IRGC giảm các hành vi quân sự, để ưu tiên cho ngoại giao.
Điều này có thể khiến IRGC thúc các đồng minh ở Ả Rập Saudi tiến hành các cuộc tấn công bạo lực.
Ali Alfoneh, nhà nghiên cứu cao cấp ở Hội bảo vệ các nền dân chủ, một chuyên gia về IRGC, nói: “Nếu IRGC muốn sử dụng khủng bố trên đất Ả Rập Saudi để trả đũa vương triều Saud, họ rất dễ tuyển được người trong khối Shiite ở Ả Rập Saudi”.
Các chuyên gia nói có lẽ IRGC không muốn tấn công các quyền lợi của Ả Rập Saudi ở Syria và Iraq. Nhưng quan điểm chống Ả Rập Saudi của Iran có thể kích động các tay súng (do Iran huấn luyện và cung cấp vũ khí) tổ chức tấn công trả thù.
Ả Rập Saudi không có "cửa" gây bất ổn cho quyền lợi của Iran
Viễn cảnh đánh nhau là điều đáng ngại cho một khu vực có nhiều xung đột và khủng hoảng chính trị từ Lebanon đến Syria, Iraq, Bahrain.
Hiện chưa có dấu hiệu rõ ràng nào về việc lãnh đạo Iran đã nhất trí đến đâu về cách trả thù cho cái chết của giáo sĩ Nimr, và trả thù bằng các biện pháp nào.
Nhưng các chuyên gia nói: bất kỳ hành động được phép nào cũng sẽ có sự liên quan của IRGC, dù họ chỉ giữ vai trò tổ chức hơn là tham gia trực tiếp.
Ả Rập Saudi thì có thể tăng tài trợ và hỗ trợ quân sự cho các nhóm Sunni ở Iraq, Syria và Lebanon để chống lại mối đe dọa từ Iran. Nhưng các chuyên gia nói rằng Ả Rập Saudi sẽ khó thể giành thắng lợi trong cuộc đấu chính trị-ngoại giao với Iran.
Hilal Khashan, giáo sư khoa chính trị ở đại học Mỹ tại Beirut (Lebanon) nói IRGC sẽ không phản ứng trực tiếp. Họ có người và có mối quan hệ ở khắp nơi trong khu vực, để phản ứng với điều Ả rập Saudi đã làm.
Ông nói: “Iran ở thế mạnh để phản ứng tại Tỉnh Đông của Ả Rập Saudi, và họ có thể làm rất nhiều điều ở Bahrain. Quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran của Ả Rập Saudi cũng có nghĩa họ sẵn sàng xung đột trực tiếp với Iran. Nhưng Ả Rập Saudi khó thể gây bất ổn cho Iran, trong khi Iran có nhiều cách để gây bất ổn cho Ả Rập Saudi và các nước vùng Vịnh, như Bahrain”.
Các chuyên gia nói phe ôn hòa ở Ả Rập Saudi-Iran đều không muốn thấy tình hình leo thang thành một cuộc chiến tranh.
Nhưng sự thù địch thường được thể hiện gián tiếp, thông qua các đồng minh, tạo ra một yếu tố không thể lường trước: một số quân ủy nhiệm của Iran có thể được tuyên bố cứng rắn của Tehran khuyến khích, sẽ tổ chức những cuộc tấn công mà không có sự chấp thuận của IRGC.
Ali Vaez, nhà phân tích cấp cao về Iran của tổ chức nghiên cứu International Crisis Group, nói: “Cả hai bên đều không muốn thấy sự căng thẳng vượt khỏi tầm kiểm soát.
Có khả năng họ không muốn ngăn sự xung đột lạnh lẽo này biến thành một cuộc chiến nóng bỏng, đồng thời họ tăng cường chiến tranh ủy nhiệm ở Syria, Iraq và Yemen. Nhưng khi căng thẳng lên đỉnh cao mới, hơn bao giờ hết, họ đang gánh lấy nguy cơ xung đột trực tiếp một cách vô tình”.