Vì sao Ankara "dám" bắn máy bay Nga? Putin "trả đũa" thế nào? Phương Tây sẽ hành động ra sao?
Hàng loạt câu hỏi không xác định được đặt ra. Tuy nhiên, theo đánh giá từ Giáo sư Hoàng Tĩnh của Viện chính sách công Lý Quang Diệu thuộc ĐH quốc lập Singapore, đối đầu Nga-Thổ mới chỉ là "gợn sóng trong ấm trà".
Ông Hoàng phân tích trong bài viết đăng trên Global Times (Trung Quốc), kể từ khi phương Tây khơi mào cuộc khủng hoảng Syria với mục đích lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad, Thổ Nhĩ Kỳ đã hưởng ứng tích cực và trở "hậu phương vững chắc" của các nhóm đối lập Syria.
Đồng thời, các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga cũng giúp Ankara thu được những nguồn lợi lớn.
Bước ngoặt của tình hình trên là khi Nga khởi động chiến dịch không kích ở Syria từ hôm 30/9. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến những ưu thế và lợi ích mà Thổ Nhĩ Kỳ đang hưởng.
Do đó, việc Ankara "đâm sau lưng Nga" - theo lời Tổng thống Nga Vladimir Putin - trong vụ Su-24 là "điều có thể lý giải được", Giáo sư Hoàng Tĩnh nhận xét.
Thứ nhất, với việc Paris tuyên bố hợp tác cùng Moscow đánh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria, Pháp không chỉ bỏ qua điều kiện tiên quyết từ liên minh do Mỹ đứng đầu là "phải lật đổ ông Assad", từ đó liên minh trừng phạt Nga cũng bị lung lay.
Thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ là bên hưởng lợi lớn nhất từ hoạt động buôn lậu dầu của IS cũng như các nhóm đối lập chống chính phủ Syria. Sự công kích của Nga nhằm vào hệ thống buôn lậu này khiến Ankara gánh tổn thất đáng kể.
Thứ ba, các hành động quân sự trong thời gian qua cũng giúp Nga gia tăng tầm ảnh hưởng và khả năng kiểm soát tình hình đối với toàn bộ khu vực Trung Đông, cũng như Syria nói riêng.
Tổng thống Nga Putin gặp người đồng cấp Pháp Francois Hollande tại Điện Kremlin hôm 27/11, hai tuần sau vụ khủng bố Paris. Ảnh: TASS
Nga "không rảnh" gây hấn với Thổ Nhĩ Kỳ vì còn chiến lược lớn?
Về phía Nga, mặc dù đứng trước sức ép khá lớn từ dư luận trong nước muốn "trả thù" vụ Su-24, nhưng theo ông Hoàng Tĩnh, đứng trên góc độ lợi ích chiến lược quốc gia, Tổng thống Putin sẽ không phản kích mạnh mẽ đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Đầu tiên, kể từ khi Nga bị phương Tây cấm vận, Thổ Nhĩ Kỳ bên cạnh việc trở thành đối tác thương mại chủ yếu của Moscow thì còn là "trạm trung chuyển" giữa Nga và châu Âu.
Ở phương diện chính trị, Ankara đóng vai trò "không thể thay thế" khi đứng trung gian giữa quan hệ Nga-Mỹ, Nga-Trung Đông.
Bên cạnh đó, vụ khủng bố ở Pháp hôm 13/11 đã "điều chỉnh sâu sắc" cục diện chiến lược thế giới trong 2 tuần qua, mang lại cho Nga cơ hội chiến lược không thể bỏ qua.
Một mặt, "cơn bão cánh hữu" ở Đức sẽ thổi bùng lên mối quan ngại "sự đe dọa chính trị" khi Berlin thi hành chính sách mở cửa đối với cuộc khủng hoảng di cư và tuyên bố chính sách này "đẩy nhanh tiến trình làm châu Âu tan rã".
Vụ khủng bố Paris cũng đưa tiêu điểm quan hệ Nga-Mỹ-châu Âu dịch chuyển từ cuộc khủng hoảng Ukraine sang Trung Đông, tạo ra sự thay đổi trong chiến lược cân bằng của các bên.
Trong nỗ lực tự bảo vệ mình, các nước châu Âu đã thay đổi chiến lược "theo chân Mỹ" mà chuyển sang can thiệp trực tiếp vào tình hình Trung Đông.
Đặc biệt, vụ khủng bố đẫm máu ở Pháp đã đẩy Mỹ - đối thủ trực tiếp của Nga - vào thế "tiến thoái lưỡng nan".
Hoặc là Washington dồn toàn lực trở lại Trung Đông để dẫn đầu thế giới phương Tây tiêu diệt IS, hoặc tiếp tục chiến lược "tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương" và vẫn giữ thái độ "nửa vời" ở Trung Đông.
Đây cũng là nguyên nhân căn bản khiến Tổng thống Mỹ Barack Obama không có nhiều động thái đáng chú ý sau vụ khủng bố Pháp.
Cuối cùng, sức mạnh quân sự hiện tại của Nga đã suy giảm nhiều so với thời kỳ Liên Xô.
Trong trường hợp "khai chiến" với Ankara, Moscow khó có thể nắm chắc phần thắng khi phải đối đầu cùng lúc với IS và Thổ Nhĩ Kỳ.
Xuất phát từ khoảng cách địa lý xa xôi và tình hình địa chính trị khu vực phức tạp, rất khó tưởng tượng Nga sẽ gia tăng quy mô bằng cách điều động lực lượng trên bộ, chưa nói tới các lực lượng tấn công chiến lược.
Vì vậy, theo Giáo sư Hoàng Tĩnh, bất chấp dư luận nước Nga sôi sục trước hành động "đâm sau lưng" của Ankara hay các quan chức cấp cao Nga thề sẽ bắt Thổ Nhĩ Kỳ "gánh hậu quả nặng nề"... thì Điện Kremlin cũng sẽ không "hy sinh đại cục".
"Tình hình phức tạp ở Trung Đông là điểm tựa, vụ khủng bố Paris là cơ hội để Moscow thúc đẩy chiến lược lớn 'lôi kéo châu Âu, liên kết Trung Quốc, kiềm chế Mỹ', từ đó chiếm được không gian và thời gian cần có để phục hưng nước Nga," học giả này kết luận.