Vì sao Trung Quốc quyết giành căn cứ quân sự ở Đông Phi từ tay Mỹ?

Minh Thu |

Sở hữu căn cứ quân sự ở Djibouti từ tay Mỹ sẽ giúp Trung Quốc kiểm soát được tuyến đường biển nhộn nhịp và là nơi trung chuyển hàng hóa lớn tới châu Âu, châu Á và châu Phi cũng như hiện thực hóa sáng kiến "Một vành đai, một con đường".

Quốc gia nhỏ bé ở Đông Phi Djibouti đã yêu cầu quân đội Mỹ rời khởi căn cứ quân sự Trại Obock ở nước này để chuyển nhượng lại cho Trung Quốc.

Theo Duowei News, việc Trung Quốc đổ một lượng lớn tiền đầu tư vào quốc gia Đông Phi đã khiến Tổng thống Djibouti Ismail Omar Guelleh công khai thừa nhận tầm quan trọng của "những người bạn mới đến từ châu Á".

Nếu những thông tin trên là sự thật, rõ ràng, Trung Quốc đang có ý định xây dựng các căn cứ quân sự của riêng mình ở nước ngoài.

Trại Obock là căn cứ quân sự thứ hai đứng sau căn cứ thường trực Trại Lemonnier của quân đội Mỹ ở châu Phi.

Đây là nơi đóng quân của 4.000 binh sĩ và kho chứa máy bay không người lái của Mỹ hoạt động trong khu vực, giúp Washington thu thập thông tin tình báo liên quan tới mọi động thái của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS và mạng lưới khủng bố al-Qaeda.

Trong khi đó, quốc gia Djibouti lại nằm trên một vị trí chiến lược ở Sừng châu Phi, phía tây vịnh Aden, cửa ngõ tiến vào Biển Đỏ và Ấn Độ Dương.

Trung Quốc hiện cho triển khai xây dựng tuyến đường sắt trị giá 3 tỷ USD từ thủ đô Addis Ababa của Ethiopia tới Djibouti cũng như đầu tư 400 triệu USD để hiện đại hóa khu cảng đang xuống cấp tại quốc gia nhỏ bé Đông Phi.

Về phần mình, Mỹ chỉ trả 63 triệu USD để thuê đất sử dụng ở Trại Lemonnier.

Theo tạp chí CounterPunch của Mỹ, tuyên bố yêu cầu Mỹ trả lại Trại Obock được chính phủ Djibouti công bố hồi tháng Năm và chỉ sau đúng một ngày Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới thăm Djibouti.

Động thái của Djibouti khiến Washinhton vô cùng quan ngại bởi khả năng Trung Quốc sẽ điều động 10.000 binh sĩ tới Trại Obock nằm ngay sát Trại Lemonnier của Mỹ ở châu Phi.

Còn theo tờ Daily Telegraph của Anh, việc phải trả lại Trại Obock sẽ khiến Mỹ tính tới "di dời các thiết bị thu thập thông tin tình báo nhạy cảm tới một nơi an toàn hơn nằm ngoài Djibouti để ngăn chặn khả năng can thiệp của Trung Quốc".

Thậm chí, Mỹ sẽ có biện pháp phản đòn như phản đối Tổng thống Djibouti Guelleh tái tranh cử trong năm tới.

Bởi ông Guelleh đã lên cầm quyền kể từ năm 1999 và thuyết phục Quốc hội nước này sửa đối Hiến pháp để kéo dài thời gian giữ chức trong cuộc bầu cử năm 2011 bất chấp việc ông này đã cầm quyền trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp.

Ngay cả phe đối lập ở Djibouti đã lên tiếng tẩy chay các cuộc bầu cử và không ít nhà lãnh đạo đối lập đã phải ngồi tù.

Tờ Counterpunch cho rằng quyết định của Tổng thống Guelleh làm ảnh hưởng tới lợi ích của Mỹ sẽ khiến Washington quay trở lại với chiêu bài cũ là lật tẩy tình trạng lạm dụng nhân quyền tại quốc gia Đông Phi này.

Tên tuổi của Djibouti được biết tới rộng rãi khi hồi đầu năm nay, Hải quân Trung Quốc tiến hành sơ tán công dân một số nước khỏi vùng chiến sự Yemen thông qua Djibouti.

Quá trình xây dựng cảng Djibouti đã được triển khai từ năm 1986 và trở thành một trong những khu cảng hiện đại nhất ở Đông Phi. Đây là nơi trung chuyển hàng hóa lớn tới châu Âu, châu Á và châu Phi.

Toàn bộ tàu thuyền di chuyển từ phía bắc tới châu Âu thông qua kênh đào Suez và từ phía nam thông qua Biển Đỏ tới Ấn Độ Dương, đều phải dừng chân ở cảng Djibouti để mua nhu yếu phẩm và nạp nhiên liệu.

Trong khi đó, vịnh Aden đóng một vai trò quan trọng đối với Trung Quốc bởi đây là khu vực dồi dào nguồn tài nguyên năng lượng và thương mại nhộn nhịp từ Trung Đông và châu Âu.

Do đó, việc sở hữu căn cứ quân sự ở Djibouti sẽ giúp Trung Quốc đảm bảo an ninh cho các chuyến tàu chở hàng của nước này trong khu vực.

Ngoài ra, việc nắm quyền kiểm soát Biển Đỏ sẽ còn giúp Trung Quốc duy trì hoạt động của các tàu chở hàng trên hành trình tới Pakistan qua eo biển Malacca.

Ngay cả nội dung trong sáng kiến "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc cũng đã nhấn mạnh tới việc xây dựng một cộng đồng thương mại bao gồm đại lục Á – Âu và châu Phi. Trong đó, Djibouti là một phần trong sáng kiến Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21.

Hiện nay, cả Mỹ và Nhật Bản vẫn đang duy trì hoạt động của các căn cứ quân sự ở Djibouti. Còn Trung Quốc vẫn chưa áp đặt quy tắc kiểm soát hoạt động di chuyển của tàu hàng các nước đi qua cảng Djibouti.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại