Thái độ bất thường của nhà lãnh đạo tối cao
Theo trang Đa Chiều (Mỹ), bài phát biểu tại kỳ họp “lưỡng hội” hôm 5/3 của thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhận được sự tán thành của đa số đại biểu, nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình lại tỏ thái độ lãnh đạm, thờ ơ cũng như không có hành động ủng hộ.
Trong suốt bài phát biểu kéo dài gần hai tiếng đồng hồ của ông Lý, ông Tập luôn giữ thái độ thản nhiên. Kể cả ngay sau đó, hai ông này cũng giữ khoảng cách và không hề trò chuyện dù được xếp ngồi cạnh nhau trên hàng ghế lãnh đạo.
Tờ Chosun Ilbo (Hàn Quốc) cho biết, trước phiên họp, ông Tập Cận Bình cũng chỉ lặng lẽ tiến vào Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh mà không bắt tay hay trò chuyện với các đại biểu xung quanh.
Trước đó hôm 3/3, khi nghe báo cáo phát biểu của Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc Du Chính Thanh, ông Tập cũng giữ thái độ lạnh lùng tương tự và chỉ lật xem qua vài trang báo cáo.
Người tiền nhiệm của Tập Cận Bình, ông Hồ Cẩm Đào, không chỉ lên bắt tay chúc mừng cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo sau các phát biểu báo cáo ở "lưỡng hội", mà còn sẵn sàng lên tiếng ủng hộ ông Ôn.
Bài phát biểu trước Quốc hội Trung Quốc của Thủ tướng Lý Khắc Cường hôm 5/3 nhận được sự ủng hộ lớn của đại biểu, nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình phản ứng lãnh đạm
Đi tìm lời giải cho thái độ “lạ lùng”
Trước thái độ bất thường của Tập Cận Bình đối với ông Lý Khắc Cường, hiện có nhiều thông tin trái chiều nhưng có lẽ nguyên nhân chính nằm ở việc ông Tập không hài lòng với các chính sách của Thủ tướng Trung Quốc.
Thái độ này của ông Tập có thể bắt nguồn từ những lo ngại về kinh tế, xã hội và dân sinh đang diễn ra ở Trung Quốc.
Trong báo cáo công tác chính phủ hôm 5/3, ông Lý thừa nhận kinh tế Trung Quốc hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2015 là năm nền kinh tế này có chỉ số tăng trưởng thấp nhất trong vòng 25 năm qua.
Mức tăng trưởng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm 2015 của nước này không những không kịp cán đích mà còn có dấu hiệu thụt lùi.
Năm 2015, tổng kim ngạch hai chiều xuất nhập khẩu Trung Quốc đều giảm, chỉ đạt gần 246 nghìn tỷ nhân dân tệ, giảm 7% so với năm 2014.
Song song, sức hút đầu tư của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng giảm mạnh, đặt thị trường tài chính Trung Quốc trong tình trạng báo động.
Đặc biệt, vụ chìm tàu Ngôi sao phương Đông và vụ nổ kinh hoàng tại Thiên Tân hồi năm ngoái đã để lại cho Trung Quốc nhiều hệ lụy.
Dù cho ông Lý có hứa hẹn, sẽ giúp 10 triệu nông dân Trung Quốc thoát nghèo trong năm 2016 hay đưa tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và bình quân thu nhập khu vực nông thôn tăng gấp đôi so với 2010 thì mức tăng GDP 6.5% - 7% trong kế hoạch năm năm tiếp theo vẫn còn rất mơ hồ.
Kinh tế xuống dốc và thị trường tài chính suy giảm tồi tệ mùa hè 2015 "phủ bóng" lên báo cáo của ông Lý Khắc Cường. (Ảnh minh họa)
Báo cáo Thủ tướng Lý Khắc Cường còn nhắc đến cụm từ “nền kinh tế mới” và “tinh thần thợ thủ công”.
Một số học giả Trung Quốc cho rằng, chính sách này nhấn mạnh cải cách kinh tế, giúp người Trung Quốc “mua được bồn cầu ở ngay đất nước mình”.
Vài năm gần đây, Trung Quốc xảy ra hiện tượng, người dân nước này đổ xô sang Nhật Bản mua bồn cầu do không tin tưởng chất lượng hàng nội địa.
Thủ tướng Trung Quốc tin rằng chính sách này sẽ khiến các nhà sản xuất trong nước tập trung nâng cao chất lượng hàng nội địa, lấy lại lòng tin của người tiêu dùng trong nước.
Với đề xuất này, một số cơ quan truyền thông phương Tây đánh giá: “Tình hình tài chính Trung Quốc đang tăng như vũ bão. Sự phát triển của ‘nền kinh tế mới’ sẽ trở thành động lực quan trọng thời gian tới đây”.
Viễn cảnh không tươi sáng
Theo Đa Chiều, càng khẳng định “quyết tâm giải quyết khó khăn” thì càng chứng tỏ sự quan ngại của chính phủ Trung Quốc và cá nhân Thủ tướng Lý trước tương lai của nền kinh tế.
Báo giới phương Tây cho rằng: “Chính phủ Trung Quốc sẽ còn gặp nhiều thử thách chông gai hơn những năm trước đây”.
Trong bài phỏng vấn với Đa chiều, Giám đốc Sở nghiên cứu chính trị Viện khoa học xã hội Trung Quốc Phòng Ninh nhấn mạnh: “Trong ván bài kinh tế, Bắc Kinh đã dùng đến quân bài cuối cùng. Nhưng quân bài này có lợi cho nền kinh tế Trung Quốc hay không thì vẫn còn khá mơ hồ”.
Nền kinh tế Trung Quốc hiện nay chưa ở bước đường cùng nhưng trước khó khăn như hiện nay, chính phủ do ông Lý Khắc Cường đứng đầu cần nhiều biện pháp để kìm hãm nguy cơ tụt dốc và cứu vãn tình hình.
Viễn cảnh xử lý bài toán đau đầu này có thể là một phần nguyên nhân khiến ông Tập Cận Bình chưa đủ hài lòng về bản báo cáo của Thủ tướng, bất chấp ông Lý đã nhận được tới 45 tràng pháo tay trong suốt bài phát biểu, với lần vỗ tay "kỷ lục" kéo dài 26 giây.