Trong buổi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ARD của Đức mới đây, Tổng thống Syria Bashar al-Assad cho biết chính quyền Syria đã sẵn sàng ân xá cho tất cả các lực lượng hiện đang chống đối chính quyền Syria.
“Hãy hạ vũ khí nếu như muốn tham gia vào tiến trình chính trị ở Syria”- ông al-Assad tuyên bố.
Theo ông al-Assad, nếu như các binh sỹ phe đối lập chịu hạ vũ khí thì họ sẽ nhận được sự ân xá “không giới hạn”.
Theo giới phân tích, sau khi Nga và Mỹ đạt được thỏa thuận áp dụng quy chế ngừng bắn tại Syria kể từ ngày 27/2, Tổng thống a-Assad đang cố gắng giành quyền kiểm soát đối với việc thực thi quy trình chính trị ở Syria.
Và để đạt được mục đích này, việc tổ chức một cuộc bầu cử Quốc hội vào ngày 13/4 sắp tới là điều cần thiết đối với al-Assad.
Bầu cử sẽ phá hỏng quy chế ngừng bắn?
Tiến trình chính trị với sự tham gia của các đối tác quốc tế nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Syria và thiết lập chính phủ mới ở Syria đã được khởi động từ cuối tháng 1/2016.
Tuy nhiên hơn tháng sau, các cuộc đối thoại giữa chính quyền Damascus và phe đối lập Syria vẫn chưa thể diễn ra.
Đến đầu tháng 2/2016, sau một loạt các nỗ lực đưa các bên ngồi vào bàn đàm phán, đặc phái viên của Liên Hợp quốc về Syria Staffan de Mistura tuyên bố các bên sẽ tiếp tục đàm phán vào ngày 25/2 nhưng thực tế lại không diễn ra như vậy.
Các đối tác trung gian chính cho tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria là Nga, Mỹ và Liên Hợp Quốc hy vọng rằng quy chế ngừng bắn sẽ khiến quan điểm của các bên xung đột Syria trở nên gần nhau hơn.
Dự kiến đến ngày 7/3, các tiến trình chính trị cho cuộc xung đột Syria sẽ được khôi phục ở Geneva.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng chế độ ở Syria sẽ có sự thay đổi trong thời gian tới.
Theo kịch bản đã được thỏa thuận từ trước, Damascus và phe đối lập sẽ có 6 tháng để thỏa thuận và thêm 1 năm nữa để tiến hành đàm phán về thay đổi Hiến pháp và tiến hành các cuộc bầu cử để thành lập chính phủ thống nhất dân tộc.
Xét về mặt lý thuyết, trong thời gian này Tổng thống al-Assad sẽ vẫn tại vị cho đến khi Quốc hội dưới sự kiểm soát của al-Assad sẽ hết thời hạn hoạt động trong tháng 4/2016.
Thực tế này dẫn đến hai kịch bản tiếp theo cho tình hình Syria và cả hai kịch bản này đều có thể đe dọa đến tiến trình ngừng bắn ở Syria.
Kịch bản thứ nhất là ông al-Assad tổ chức các cuộc bầu cử và đối mặt với sự phản kháng của các lực lượng đối lập.
Kịch bản thứ hai các cuộc bầu cử bị hoãn lại và nó cho thấy sự yếu kém của các thể chế chính trị của Damascus và điều này sẽ khiến các phần tử khủng bố tăng cường hoạt động mạnh mẽ hơn nữa.
Trong hai phương án trên, rõ ràng ông al-Assad sẽ lựa chọn phương án đầu tiên. Điều này đã được Buseyna Shaaban, Thư ký về các vấn đề thông tin và chính trị của Tổng thống al-Assad khẳng định khi trả lời phỏng vấn của một kênh truyền hình Nga.
“Các cuộc bầu cử Quốc hội sẽ được Hiến pháp đảm bảo. Theo Hiến pháp Syria, các cuộc bầu cử có thể được tổ chức trước tháng 5/2016”- Shaaban nhấn mạnh.
Quan điểm này của chính quyền Syria nhận được sự đồng thuận của Moscow.
Trong quá trình diễn ra các cuộc thảo luận trong khuôn khổ “Câu lạc bộ Valdai”, Mikhail Bogdanov, đặc phái viên của Tổng thống Nga về Trung Đông khẳng định rằng các cuộc bầu cử nếu được tổ chức ở Syria trong tháng 4/2016 sẽ không cản trở tiến trình hòa bình ở Syria.
Trong khi đó, Tổng thống Syria al-Assad là người có kinh nghiệm tổ chức các cuộc bầu cử trong điều kiện an ninh bất ổn. Cuộc bầu cử Quốc hội Syria trước đó đã được tổ chức thành công vào tháng 5/2012, khi Syria đã chìm vào cuộc nội chiến.
Khi đó, bầu cử vẫn được tổ chức thành công cho dù ông al-Assad kiểm soát ít lãnh thổ hơn bây giờ và tình hình an ninh cũng bất ổn hơn.
Tuy nhiên, do sử dụng nhiều nguồn lực khác nhau nên Damascus đã giành được các kết quả thuận lợi cho mình.
Đến năm 2014, bầu cử Tổng thống ở Syria cũng được tổ chức thành công và ông al-Assad đã giành được đến 88,7% cử tri ủng hộ.
Kịch bản nào cho bầu cử Syria?
Trong giai đoạn hiện nay, ý tưởng tổ chức bầu cử Quốc hội Syria vào tháng 4/2016 đang vấp phải sự phản ứn mạnh mẽ của phương Tây và cả phe đối lập Syria.
Đại diện của Ủy ban tối cao về đàm phán của phe đối lập cho rằng al-Assad muốn tổ chức bầu cử để làm trì hoãn tiến trình đàm phán ở Geneva.
Đánh giá về khả năng của bầu cử, Aleksey Arbatov, Giám đốc Trung tâm An ninh thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho rằng cuộc bầu cử Quốc hội Syria có thể sẽ có những tác động tiêu cực lên quy chế ngừng bắn ở Syria.
Phe đối lập có thể cáo buộc al-Assad lợi dụng bầu cử để củng cố quyền lực.
Còn theo giáo sư Zeev Khanin thuộc trường đại học tổng hợp Bar-Ilan của Israel, bầu cử có thể diễn ra theo hai kịch bản.
“Nếu như bầu cử diễn ra một cách cởi mở, công khai, Tổng thống al-Assad sẽ mất chính quyền. Còn nếu như bầu cử vẫn được tổ chức theo nguyên tắc cũ, đảng Baas sẽ tiếp tục giành được đa số phiếu bầu”- Zeev Khanin nhận định.
Hơn nữa, theo Zeev Khanin, ngay cả khi siết chặt công tác đảm bảo an ninh cho bầu cử ở Syria thì nhiều khả năng các vụ tấn công khủng bố vào các địa điểm bỏ phiếu vẫn sẽ được lực lượng IS thực hiện.
Nguy cơ này đặc biệt tăng cao vì các lực lượng khủng bố như Nhà nước Hồi giáo IS, Dzebhat al-Nusra không chịu ảnh hưởng bởi quy chế ngừng bắn. Các phần tử của hai lực lượng này hoàn toàn có thể lợi dụng bầu cử để thúc đẩy gia tăng bạo lực ở Syria.
Theo nhận định của giới phân tích quốc tế, cho dù kịch bản theo hướng nào đi chăng nữa thì cả Mỹ và Nga đều ủng hộ Syria tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 4/2016.
Cả hai cường quốc này đều có chung quan điểm cho rằng các cuộc bầu cử tháng 4/2016 không vi phạm vào các kế hoạch đã đặt ra.
Điểm quan trọng cho giải pháp giải quyết xung đột Syria là duy trì cơ chế ngừng bắn cho đến khi chính quyền Damascus và phe đối lập Syria tìm được tiếng nói chung về tổ chức cuộc bầu cử thống nhất trên toàn lãnh thổ Syria.