Ngày tàn của phương Tây đã cận kề?

Thùy Trang |

Ngày tàn của NATO, Liên minh châu Âu, và của cả trật tự thế giới quen thuộc, theo nhà báo Anne Applebaum, sẽ tới chỉ sau hai hay ba cuộc bầu cử nữa.

Chưa bao giờ bi kịch lại đến gần như vậy, ngày tàn của NATO, của Liên minh châu Âu, và có lẽ cả của trật tự thế giới tự do quen thuộc, chỉ cách chúng ta hai hoặc ba cuộc bầu cử nữa mà thôi, nhà báo Anne Applebaum viết trên tờ Slate (Mỹ).

Mỹ đang phải đối diện với khả năng Donald Trump sẽ trở thành Tổng thống. Chiến dịch của Hillary Clinton có thể thất bại vì nhiều lý do khác nhau. Các cuộc bầu cử, theo nhà báo Applebaum, rất khó nắm bắt, và các cử tri thì ý kiến luôn thay đổi khó lường.

Điều này đồng nghĩa, tháng Một năm sau, trong Nhà Trắng sẽ xuất hiện một người không hề quan tâm tới điều mà Tổng thống Obama, Bush, Clinton, Reagan - cũng như Johnson, Nixon và Truman - vẫn gọi là "những giá trị chung" của phương Tây.

Trump ủng hộ tra tấn, trục xuất hàng loạt và phân biệt tôn giáo. Ông lớn tiếng tuyên bố rằng “không quan tâm lắm” đến việc Ukraine được gia nhập NATO nói riêng, và NATO cũng như sự bảo đảm an ninh của tổ chức này nói chung.

Đối với châu Âu, ông từng viết rằng "những mâu thuẫn của họ không đáng để người Mỹ phải hi sinh mạng sống. Rút quân khỏi châu Âu sẽ tiết kiệm cho Mỹ hàng tỉ USD mỗi năm".


Liên tục giành chiến thắng trong các vòng bầu cử sơ bộ đảng Cộng hòa, tỷ phú Donald Trump là ứng viên nặng kí cho ngôi vị Tổng thống Mỹ. Ảnh: AP

Liên tục giành chiến thắng trong các vòng bầu cử sơ bộ đảng Cộng hòa, tỷ phú Donald Trump là ứng viên nặng kí cho ngôi vị Tổng thống Mỹ. Ảnh: AP

Ngoài việc không để tâm tới các đồng minh của Mỹ, theo nhà báo Applebaum, Trump còn không có khả năng duy trì liên minh này.

Trên thực tế, duy trì liên minh về cả quân sự và kinh tế không cần tới kĩ năng của một ông trùm bất động sản luôn cố gắng "giao dịch", mà cần tới đàm phán, thỏa hiệp dù chưa thỏa mãn hoàn toàn và đôi khi là hi sinh lợi ích quốc gia vì những mục đích tốt đẹp hơn.

Nhìn sang bên kia Đại Tây Dương, trong vòng một năm nữa, Pháp cũng sẽ tổ chức bầu cử Tổng thống.

Một trong những ứng viên lớn nhất, bà Marine Le Pen của Mặt trận quốc gia, từng cam kết sẽ đưa Pháp ra khỏi cả NATO và EU, quốc hữu hóa các doanh nghiệp Pháp và hạn chế các nhà đầu tư nước ngoài.

Cũng như Trump, bà tiên liệu trước về một mối quan hệ hợp tác đặc biệt với Nga, nơi sở hữu những ngân hàng đang hỗ trợ tài chính cho chiến dịch tranh cử của bà.

Theo thông tin từ Pháp, nếu Le Pen tới được vòng cuối cùng, cánh trung tả và trung hữu sẽ liên kết lại, như họ từng chống lại cha của bà hai thập kỷ trước.

Nhưng một lần nữa, nhà báo Applebaum nhấn mạnh, không thể lường trước điều gì trong bầu cử, và các cử tri vốn không hề kiên định.

Điều gì sẽ xảy ra nếu đối thủ của bà Le Pen đột nhiên dính vào bê bối? Hay tổ chức IS lại một lần nữa tấn công Paris?

Đến lúc đó, nước Anh có lẽ cũng đã bước được một chân ra khỏi cửa.


Lãnh đạo Anh tham gia ký tên trong chiến dịch kêu gọi Anh rời khỏi EU. Ảnh: PA

Lãnh đạo Anh tham gia ký tên trong chiến dịch kêu gọi Anh rời khỏi EU. Ảnh: PA

Vào tháng 6, Anh sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc ra khỏi EU. Nếu số lượng phiếu ủng hộ việc tách khỏi EU thắng thế, tương lai của liên minh này lại càng khó đoán định, bà Applebaum nhận xét.

Nhiều nước EU khác có thể cũng sẽ theo chân Anh và tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý. Viktor Orbán, Thủ tướng Hungary, từng đôi lần đề cập đến chuyện rời bỏ phương Tây nhằm gia nhập liên minh chiến lược với Moscow.

Một khi đã từ bỏ châu Âu, có lẽ cũng không khó tưởng tượng việc nước Anh dần tách khỏi liên minh phía bên kia Đại Tây Dương.

Nếu tình hình kinh tế Anh ngày càng xấu đi do rời khỏi EU, có lẽ công chúng sẽ "hất cẳng" chính phủ Bảo thủ và bầu cho đảng Lao động, với người đứng đầu theo chủ trương bài Mỹ, nhà báo Applebaum nhận định.

Mọi người đều đánh giá thấp Jeremy Corbyn, lãnh đạo theo cánh cực tả đảng Lao động, nhưng chẳng phải nhiều người cũng từng xem thường Donald Trump trước khi bầu cử khởi tranh đó sao?

Nếu công chúng mong mỏi sự thay đổi, Corbyn là lựa chọn duy nhất. Và các cuộc bầu cử đều khó hiểu, các cử tri thì rất hay thay đổi.

Thiếu đi Pháp, thị trường chung châu Âu không thể tồn tại. Không có Anh, NATO cũng khó lòng trụ được lâu dài.

Và không phải tất cả mọi người sẽ đều thấy nuối tiếc nếu viễn cảnh này xảy ra. Như tỷ phú Trump từng tuyên bố, chi phí dành cho liên minh (hàng tỷ USD mỗi năm) có lẽ vẫn dễ nhận thấy hơn là những lợi ích dài hạn.

Một phương Tây thống nhất, những lệnh trừng phạt hạt nhân và các lực lượng quân đội thường trực đã đem tới 50 năm ổn định về chính trị. Bên cạnh đó, không gian kinh tế chung cũng mang tới thịnh vượng và tự do cho cả châu Âu và Bắc Mỹ.

Tuy nhiên, nhà báo Applabaum viết, chúng ta đều không để tâm tới những điều trên, cho đến ngày chúng biến mất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại