Rõ ràng Tổng thống Putin là người có tài năng đặc biệt trong việc thay đổi thực tế trên thực địa. Ông đã khôi phục được vị thế của nước Nga thành một chủ thể lớn trên thế giới.
Tạp chí TIME nêu ra 5 thực tế giải thích những toan tính chiến lược của Putin khi triển khai chiến dịch không kích ở Syria
Uy tín
Putin đã dùng những ngôn từ đối ngoại cứng rắn và hành động quyết liệt để tăng thêm uy tín của ông ở trong nước ngay từ đầu.
Khi ông lần đầu tiên được bổ nhiệm làm Thủ tướng năm 1999, Putin có chỉ số tín nhiệm 31%, và có tới 37% người Nga không biết ông là ai. Chưa đầy một năm sau đó, số người ủng hộ ông lên tới 84%.
Khi và cả sau khi Putin thực hiện cuộc chiến 5 ngày ở Grudia tháng 8/2008, uy tín của ông tiếp tục tăng.
Kinh tế Nga lao dốc
Putin cần tìm ra những cách thức mới để khuấy động lòng tự hào của người Nga, bởi vì kinh tế nước này đã và đang nếm trải sóng gió.
"Thủ phạm" tức thì là giá dầu giảm mạnh, hiện đang ở mức dưới 50 USD/thùng. Các hợp đồng bán dầu khí mang lại gần 50% thu nhập của chính phủ Nga, chúng cũng chiếm tới 68% doanh thu xuất khẩu của nước này.
Moscow phụ thuộc rất lớn vào lượng dầu bán được để duy trì nền kinh tế.
Các lệnh cấm vận của phương Tây sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crưm từ Ukraina càng khiến cho mọi thứ tồi tệ.
Giá cả tăng 16% từ tháng 8, đồng Rúp giảm 5,5% giá trị trước đồng đôla Mỹ, và kinh tế Nga được dự báo giảm tới 3,4% trong năm nay.
Tuy nhiên, uy tín của Tổng thống Putin ở trong nước vẫn rất cao, lên tới 84%.
Niềm tự hào người Nga
Ở phương Tây, tín nhiệm của một vị lãnh đạo thường gắn với năng lực kinh tế của đất nước. Đó là lý do mà bất chấp những thách thức chính trị gần đây của Thủ tướng Đức Angela Merkel, không mấy người băn khoăn khi tín nhiệm của bà vẫn rất cao.
Ở Nga không giống thế. Đa số người dân nước này vẫn tin tưởng ông Putin hành động đúng về các vấn đề quốc tế.
Cuộc xung đột ở Ukraina được họ xem như một cuộc tranh đấu về bản sắc Nga. Điều đó giải thích vì sao sự ủng hộ dành cho Putin tăng từ 65% hồi tháng 1/2014 lên 80% ngay sau khi Nga sáp nhập Crưm.
Ukraina
Putin luôn có một mục tiêu chính sách đối ngoại tối cao: Tạo ra một liên minh Á-Âu để hành động như một đối trọng với Liên minh châu Âu.
Nhưng do kích cỡ và tầm quan trọng lịch sử của nó đối với Nga, sẽ không thể có một liên minh như vậy nếu thiếu Ukraina.
Cho đến gần đây, Kiev bắt đầu ngả sang Brussels thay vì hướng tới Moscow. Và đó là lý do Nga giữ một vai trò quan trọng trong cuộc chiến ở Ukraina, không muốn Ukraina gia nhập EU và NATO.
Can thiệp Syria
Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính, kinh tế Nga thiệt hại khoảng 9% tổng GDP trong vài năm tới vì cấm vận của phương Tây.
Nhưng Syria đã cho ông Putin cơ hội để sửa chữa quan hệ với phương Tây. Châu Âu hiện đang căng thẳng vì làn sóng di dân lánh nạn chiến tranh Syria.
Trong khi đó, Mỹ vẫn loay hoay tìm lời giải cho bài toàn tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Putin có thể đã tính toán rằng, nếu Nga thành công trong việc đảo chiều cuộc chiến chống IS bằng cách thực hiện các chiến dịch không kích thì châu Âu sẽ "vô hiệu hóa" các đòn trừng phạt nhằm vào Moscow trong những tháng tới đây, đặc biệt là nếu Nga tái bình ổn được khu vực, cho phép người tị nạn Syria trở về quê nhà.
Mỹ thì sẽ khó khăn hơn, vì nước này khăng khăng không chấp nhận một giải pháp nào ở Syria mà Tổng thống Bashar al-Assad vẫn tiếp tục nắm quyền.
Cứng rắn đối mặt với phương Tây đã mang lại cho Putin sự tín nhiệm cao ở trong nước. Giờ đây, nếu nhà lãnh đạo Nga có thể thành công trong khi Mỹ thất bại ở Syria thì ông thậm chí có thể tiếp tục được tín nhiệm làm Tổng thống tới năm 2024.