Viễn cảnh nào chờ đón Ukraine sau khi Nga "ngửa bài" tại Syria?

Đức Huy |

Tạp chí Mỹ Christian Science Monitor dẫn lời các chuyên gia cho rằng, chiến dịch do Nga khởi xướng tại Syria đã để lại những dư chấn mà Ukraine đã và đang cảm nhận được từng ngày.

Theo tạp chí Christian Science Monitor (CSM), việc Nga can thiệp quân sự tại Syria đã và đang khiến không ít người dân Ukraine lo ngại phương Tây sẽ hợp tác với Nga và qua đó giảm bớt sự ủng hộ đối với Ukraine.

Mặt khác, một số lại hi vọng việc Nga "mất tập trung" vì chiến dịch tại Syria sẽ mở đường cho một viễn cảnh sáng sủa hơn cho miền đông Ukraine, khi họ cáo buộc Moscow từ trước đến nay vẫn hậu thuẫn cho lực lượng ly khai.

CSM nhận định, tháng trước, khi Nga bắt đầu triển khai quân tới Syria, những tiếng súng trước đó hàng ngày vẫn vang lên ở miền Đông Ukraine đột ngột trở nên im ắng hẳn.

Người dân Ukraine rõ ràng chào đón sự thay đổi này, nhưng họ cũng không khỏi bất an khi nghĩ đến những gì sẽ xuất phát từ các thỏa thuận ngầm giữa Nga và phương Tây trong vấn đề Syria, nhất là khi cả hai phe đều hiểu rõ ảnh hưởng tại Trung Đông quan trọng đến mức nào.

Khói bốc lên mù mịt sau cuộc không kích của Nga nhắm vào ngoại ô thành phố Homs, phía tây Syria, hôm 1/10 vừa qua. Ảnh: Twitter
Khói bốc lên mù mịt sau cuộc không kích của Nga nhắm vào ngoại ô thành phố Homs, phía tây Syria, hôm 1/10 vừa qua. Ảnh: Twitter

"Lệnh ngừng bắn này có vẻ trùng hợp với sự xuất hiện của một lập trường có tính xây dựng hơn từ Nga. Điều này khiến người Ukraine tự hỏi phải chăng phương Tây đã giảm sự ủng hộ đối với Ukraine để đổi lấy sự hợp tác của Nga trong vấn đề Syria?

Có khả năng sự thật không phải như vậy. Nhưng người Ukraine lúc này đang rất lo ngại" - ông Vadim Karasyov, giám đốc Viện nghiên cứu Chiến lược Toàn cầu tại Kiev, phát biểu.

Còn nhớ, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đăng đàn phát biểu tại kì họp thứ 70 Đại Hội đồng LHQ nhằm mục đích tập hợp một liên minh chống khủng bố ở Syria, phái đoàn đại diện của Ukraine đã nhất loạt đứng dậy bỏ ra ngoài.

Ngày hôm sau, khi đến lượt phát biểu của mình, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã nói rằng việc Nga kêu gọi thành lập liên minh chống khủng bố tại Syria "thật khó tin", đồng thời cáo buộc Nga "hậu thuẫn khủng bố" (ý muốn nói lực lượng ly khai - PV).

Theo chuyên gia Vladimir Panchenko thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc tế tại Kiev, nhiều người Ukraine đồng tình với việc thành lập liên minh chống khủng bố tại Trung Đông, song không rõ việc Nga can thiệp vào khu vực này sẽ ảnh hưởng ra sao tới Ukraine.

"Càng can dự sâu vào Trung Đông, Nga có thể sẽ càng gặp thêm nhiều rắc rối. Tuy nhiên, người Ukraine lại lo rằng đã có sự 'móc ngoặc' giữa Nga và phương Tây ở Syria, và điều này sẽ không đem lại lợi lộc gì cho Ukraine" - ông Panchenko phát biểu.

Trong một diễn biến liên quan, hôm 2/10 vừa qua, nhóm Normandy-4 đã nhóm họp ở Paris để hoàn tất những điểm cuối cùng của hiệp ước Minsk II trước kì hạn cuối năm nay.

Nga cho biết sẽ dùng ảnh hưởng của mình kêu gọi lực lượng ly khai chấp nhận một thỏa thuận mới với Kiev, theo đó Donbass sẽ trở thành khu tự trị nhưng vẫn thuộc lãnh thổ Ukraine.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo phương Tây dường như muốn thúc giục Kiev đàm phán trực tiếp với đại diện phe ly khai, ân xá cho các tay súng ly khai và khôi phục kinh tế tại các khu vực đòi độc lập.

Mới đây, hai bên đã nhất trí rút toàn bộ vũ khí khỏi tiền tuyến, thỏa thuận mà một thủ lĩnh ly khai nhận xét "có thể đồng nghĩa với việc kết thúc chiến tranh".

Cố vấn - viện chiến lược Defense Express
Valery Ryabikh
Đã có những tiến triển tại miền đông Ukraine, nhưng Nga vẫn nắm những con bài chiến lược để giữ ảnh hưởng của mình tại đây. Ukraine giờ trở thành "con tin" trong tình huống này, khi mà Nga bước vào một thời kì mới trong mối quan hệ với phương Tây tại Syria.

Theo giáo sư Dmitry Posrednikov, một phó Trưởng khoa tại trường Đại học Donetsk, phương Tây giờ đây đã chấp nhận sự thật phải hợp tác với Nga tại Syria, vì họ hiểu mình không thể tự giải quyết được vấn đề.

Ông Posrednikov cũng cho rằng, chiến sự tại miền đông đã đạt đến một điểm mà cả hai bên đều hiểu rằng không ai có thể giành thắng lợi hoàn toàn, do đó việc thiết lập một hiệp ước hòa bình chỉ còn là vấn đề thời gian.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại