Càng đến gần cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ, “trò chơi đổ lỗi” trong nội bộ Đảng Dân chủ càng sôi nổi khi không ít nghị sĩ giữ khoảng cách với những chính sách và phát biểu của một ông chủ Nhà Trắng đang sụt giảm uy tín.
Kết quả thăm dò mới nhất được đài ABC News và báo The Washington Post công bố giữa tháng 10/2014 cho thấy tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Obama chỉ còn 40%, mức thấp nhất mà cuộc thăm dò này ghi nhận kể từ khi ông lên nhậm chức.
Đầu tháng 10, tổng thống Mỹ nói cho dù ông không tham gia cuộc bầu cử vào ngày 4/11 tới nhưng các chính sách của ông đều “nằm trên lá phiếu”. Phe Cộng hòa ngay lập tức chộp lấy phát biểu này để gắn kết các đối thủ mình với ông Obama, khiến không ít ứng viên Đảng Dân chủ phiền lòng.
Bà Debbie Wasserman Schultz, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ (DNC), hôm 22/10 gần như bác bỏ nhận định trên của ông Obama. Hai ngày trước đó, Thượng nghị sĩ Joe Manchin ở Tây Virginia thậm chí nói thẳng rằng nhà lãnh đạo Mỹ không giúp ích được gì cho phe Dân chủ tại các bang có sự tranh đua quyết liệt.
Bà Anita Dunn, một nhà chiến lược của Đảng Dân chủ, cho rằng có những ứng viên muốn tìm vật tế thần trong trường hợp thất cử và ông Obama là một “lựa chọn dễ hiểu”. Bản thân nhà lãnh đạo Mỹ đang bị công kích xung quanh những chính sách đối ngoại của mình, nhất là cách xử lý khủng hoảng ở Syria và Ukraine, ứng phó nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và đại dịch Ebola .
Phe Cộng hòa không bỏ qua cơ hội này để chất vấn khả năng lãnh đạo đất nước của một tổng thống đến từ Đảng Dân chủ. Chưa hết, một loạt bê bối liên quan đến Sở Mật vụ gần đây, cộng với những tranh cãi dai dẳng về cải cách y tế và chính sách nhập cư càng xát thêm muối vào vết thương. Báo The New York Times nhận định ông Obama giờ đây không khác gì một nhân vật chính trị bị cô lập và bị những người không ưa thích trong nội bộ đảng xem là “gánh nặng”.
Đối mặt nguy cơ bị gia tăng chỉ trích trong trường hợp Đảng Dân chủ mất thế kiểm soát Thượng viện sau cuộc bầu cử, Nhà Trắng lập luận ông Obama đang cố hết sức để giúp các ứng viên đảng mình, như vận động gây quỹ giúp DNC thoát cảnh nợ nần, trì hoãn những quyết sách có thể gây tranh cãi... “Thành công của các ứng viên Đảng Dân chủ tùy thuộc vào khả năng họ thu hút những cử tri từng ủng hộ mạnh mẽ tổng thống hồi năm 2012” - người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest nhấn mạnh.
Bất chấp những lùm xùm nêu trên, các phụ tá cho biết ông Obama vẫn tiếp tục những nỗ lực vận động cuối cùng, tập trung vào sự tăng trưởng kinh tế và việc gây quỹ cho đảng. Thượng nghị sĩ Charles E. Schumer của Đảng Dân chủ nhận định: “Người dân lo ngại Ebola và IS nhưng điều khiến họ bận tâm hơn vẫn là cơm áo gạo tiền. Ông Obama không nên chỉ nói về những thành tựu đã đạt được mà còn về những gì muốn làm trong tương lai”.