Ukraine đã hết đường lùi?

Tổng thống Ukraine vừa qua mới đạt được hòa bình tạm thời ở vùng miền đông chìm trong bạo lực suốt từ tháng Tư vừa qua.

Ông Petro Poroshenko cho rằng, điều này mang lại cơ hội cho ông đưa Ukraine tiến gần tới châu Âu hơn, nhưng thực tế không dễ như vậy.

Theo Reuters, chỉ còn một tháng nữa là bầu cử quốc hội tại Ukraine, thời điểm mà ông Poroshenko mong sẽ giành được sự ủng hộ để lập nên liên minh mạnh mẽ cho việc cải tổ. Nhưng kế hoạch hòa bình của ông lại đang bị chỉ trích nặng nề trong nước – thậm chí ngay cả từ những đồng minh lâu năm của ông.

Ukraina, Petro Poroshenko, Vladimir Putin, Dobass, Donetsk
Tổng thống Petro Poroshenko. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Mỹ từ chối cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine để chiến đấu với quân ly khai tại miền đông.

Chưa hết, Liên minh châu Âu vì muốn xoa dịu với Moscow mà có ý trì hoãn thực thi gói cam kết then chốt với Ukraine, đã phần nào cho thấy sự ủng hộ của phương Tây với Kiev cũng có giới hạn nhất định.

Xung đột Ukraine khiến Nga phải trả giá đắt Xung đột Ukraine khiến Nga phải trả giá đắt

Tăng trưởng kinh tế của Nga đang chậm lại và có thể trì trệ trong hai năm tới.

Bản thân kế hoạch hòa bình của ông Poroshenko đề xuất, trong đó bao gồm việc cho quân ly khai thời hạn tự trị là ba năm, lại bị chính phe ly khai phản đối. Họ muốn độc lập hoàn toàn, chứ không phải trong khuôn khổ của Kiev.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất với Tổng thống Ukraine là xu hướng thân phương Tây của ông lại bị Tổng thống Nga Vladimir Putin phản đối.

Và dường như Moscow cho thấy, họ có thể làm tất cả để ngăn mọi ngả đường dẫn Kiev tới EU, mà sau cùng là NATO.

Điều này cũng cho thấy bất kỳ động thái nào khác của Putin đều sẽ là nhân tố mang tính thay đổi cục diện xung đột tại đây.

Ngay cả khi NATO và Kiev cho biết, Moscow đã rút phần lớn quân đội khỏi biên giới, họ vẫn có cách đảm bảo cho mục đích trên được thực hiện bằng mọi giá.

Trên thực địa ở miền đông, nhiều người nghi ngại vào kế hoạch hòa bình của ông Poroshenko.

Ông nói rằng không cho phép thực thể này tách ra để phát triển bên trong biên giới Ukraine, nhưng lại ngoài sự kiểm soát của Kiev. Nhưng quân ly khai đã sẵn sàng lên kế hoạch cho các cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.

“Vấn đề mà ông ấy phải đối mặt – nếu không phải trong ngày hôm nay, thì sẽ là sau này – lại không phải ở miền đông Ukraine. Đó chính là dưới chân ông ấy ở Kiev, đất sẽ sụt dần. Nền tảng cho sự ủng hộ đối với Poroshenko đang tan vỡ” – James Sherr, thành viên nhóm cố vấn Chatham House, nhận định.

Reuters cho rằng, vào cuối tháng 8, một cú đảo chiều trên thực địa do lực lượng Nga can thiệp trực tiếp đã buộc ông Poroshenko từ bỏ hy vọng về chiến thắng quân sự mà ông từng đoan chắc.

Nga điều tra hình sự tội diệt chủng tại miền Đông Ukraine Nga điều tra hình sự tội "diệt chủng" tại miền Đông Ukraine

Nga đã mở vụ án hình sự về cái mà nước này gọi là hành vi diệt chủng của chính quyền Kiev đối với cộng đồng người nói tiếng Nga tại miền Đông Ukraine.

Báo chí Ukraine đưa tin hàng trăm binh sĩ của Kiev đã thiệt mạng trong trận thua nặng nề tại Ilovaisk, phía đông của Donetsk. Cho tới nay, Kiev vẫn chưa thông tin gì về vụ việc này.

“Đây là một đòn nặng về chính trị cũng như tâm lý” – nhà phân tích độc lập Volodymyr Fesenko của trung tâm cố vấn Penta nói. “Có cảm giác đây cũng chính là lúc khiến ông Poroshenko bắt đầu đàm phán”.

Tuy vậy, bất chấp lệnh ngừng bắn, Ukraine vẫn không ngừng tuyển quân. Các kênh truyền hình không ngừng chiếu các chiến dịch tuyển mộ và các quảng cáo thì hết lời khen ngợi những người đàn ông và phụ nữ quyết tâm ra tuyến đầu.

Bản thân ông Poroshenko cũng tự hào tuyên bố rằng, cậu con trai Oleksiy của ông từng học ở Anh, nay cũng tình nguyện tham gia chiến đấu ở miền đông.

Nhưng ông sẽ cho quân đội chiến đấu thế nào, khi Mỹ không cung cấp vũ khí sát thương?

Ngay cả khi kế hoạch hòa bình của ông thất bại, việc tiếp tục các chiến dịch tấn công ở miền đông có vẻ như sẽ không phải là quân bài cho Poroshenko.

Nhiều người nói rằng, nếu trở lại con đường quân sự, họ không tin là sẽ giải phóng được Donbass.

Trong bối cảnh đó, báo chí loan tin lãnh đạo Ukraine và Nga sẽ gặp nhau trong khoảng 3 tuần tới tại châu Âu.

Một mặt, ông Poroshenko muốn thăm dò ý định của Putin. Mặt khác, ông để cho Thủ tướng Arseny Yatseniuk chỉ trích Moscow hết lời, rằng Nga đang muốn dùng khí đốt làm vũ khí chống lại Kiev trong mùa đông sắp tới.

Poroshenko lo ngại, bất chấp các trừng phạt nặng nề của Mỹ và EU vào Nga, Moscow vẫn có vai trò nặng nề trong việc định đoạt tương lai của Ukraine.

Điều dễ nhận thấy nhất từ quyền lực này, chính là việc thỏa thuận tự do thương mại giữa EU và Ukraine đã bị hoãn cho tới 2016, dù đã được quốc hội Kiev và EU phê chuẩn.

Như vậy rốt cuộc, quân chủ bài vẫn nằm trong tay Putin, không phải Poroshenko.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại