Truyền thuyết Ngọc tỉ truyền quốc của Tần Thủy Hoàng

Hải Võ |

Ngọc tỉ truyền quốc là biểu tượng quyền lực của Hoàng đế trong lịch sử Trung Quốc. Nghiên cứu của các nhà sử học nước này cho biết, chiếc ngọc tỉ đầu tiên - ngọc tỉ truyền quốc của Tần Thủy Hoàng - được làm ra từ "tuyệt thế bảo ngọc" Hòa Thị Bích với nhiều truyền thuyết ly kỳ.

Ngọc tỉ truyền quốc là gì?

Ngọc tỷ truyền quốc được hiểu đơn giản là một chiếc ấn có khả năng chứng minh thân phận và quyền uy của Hoàng đế Trung Quốc thời cổ đại.

Trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, các quan lại thường sử dụng một chiếc ấn lớn gọi là “quan ấn”. Ấn tín này được Hoàng đế ban cho các quan, dùng để xác nhận thân phận và quyền lực của quan viên đó. Nói cách khác, ngọc tỉ chính là “quan ấn” của Hoàng đế, cũng là ấn tín quyền lực nhất trong “thiên hạ”.

Ngọc tỉ thời Bắc Tống, trưng bày tại Bảo tàng Thượng Hải.

"Ngọc tỉ" thời Bắc Tống, trưng bày tại Bảo tàng Thượng Hải.

Nguồn gốc của ngọc tỉ

Theo bài viết “Bí ẩn ngọc tỉ truyền quốc” đăng trên trang báo điện tử China.com, lịch sử ghi chép lại rằng ngọc tỉ truyền quốc là ấn tín từ Tần triều truyền lại cho các Hoàng đế đời sau.

Hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa Tần Thủy Hoàng sau khi thống nhất 6 nước thời Chiến Quốc đã hạ lệnh khắc một chiếc ngọc tỉ dành cho Hoàng đế, tên gọi là “Thiên tử tỉ”. Theo các thư tịch cổ của Trung Quốc ghi lại, ngọc tỉ làm bằng bạch ngọc, mặt chính có khắc 8 chữ “Thụ mệnh vu thiên, kí thọ vĩnh xương” do Thừa tướng Lí Tư viết bằng chữ triện, trở thành tín vật chứng minh hoàng quyền do thần thánh ban tặng và hợp thức hóa nền thống trị của Tần Thủy Hoàng.

Kể từ Tần Thủy Hoàng, các Hoàng đế Trung Hoa luôn xem ngọc tỉ truyền quốc là vật tượng trưng quyền lực vô cùng quan trọng, là biểu tượng của sự thống nhất thiên hạ. Chiếc ấn huyền thoại này không chỉ trở thành mục tiêu tranh đoạt và hãm hại lẫn nhau của các thế lực phong kiến, mà còn được xem là báu vật chốn hậu cung trong các vương triều Trung Quốc cổ đại.

Người giành được ngọc tỉ mặc nhiên có thể diễn giải bản thân là “thụ mệnh vu thiên” – tức là người nhận được sự ủy thác của trời. Ngược lại, một vương triều để mất ngọc tỉ cũng được xem là dấu hiệu “khí số đã tận”. Tương tự, một vị hoàng đế khi đăng cơ nếu như không sở hữu ngọc tỉ trong tay thì cũng bị gọi là “hoàng đế tự phong”, và những chiếu thư của “hoàng đế tự phong” không có ấn chương của ngọc tỉ cũng không nhận được sự tin tưởng. Chính vì vậy, trong các triều đại về sau này, khi ngọc tỉ của Tần Thủy Hoàng đã "mất tích", các nhà thống trị đã phải lựa chọn biện pháp chế tạo ngọc tỉ truyền quốc riêng để đảm bảo quyền lực của vương triều.

8 chữ thụ mệnh vu thiên, ký thọ vĩnh xương trên ngọc tỉ của Tần Thủy Hoàng. (Ảnh minh họa)

8 chữ "thụ mệnh vu thiên, ký thọ vĩnh xương" trên ngọc tỉ của Tần Thủy Hoàng. (Ảnh minh họa)

Ngọc tỉ truyền quốc và “tuyệt thế bảo ngọc” huyền thoại trong lịch sử Trung Quốc

Tương truyền, ngọc tỉ truyền quốc của Tần Thủy Hoàng được khắc từ miếng ngọc Hòa Thị Bích (tức miếng ngọc họ Hòa). Thư tịch cổ của Trung Quốc đều viết rằng, Hòa Thị Bích là “tuyệt thế bảo ngọc” cổ kim hiếm thấy, những truyền thuyết về ngọc tỉ truyền quốc cũng được bắt nguồn từ miếng ngọc này.

Thời Xuân Thu, người nước Sở tên Biện Hòa tìm được trong núi sâu một miếng ngọc thô. Biện Hòa tin chắc miếng ngọc là báu vật hiếm trên đời, bèn đem dâng lên Sở Lệ Vương. Lệ Vương không thể phán đoán lai lịch miếng ngọc, bèn cho gọi thợ ngọc tới phân biệt. Tuy nhiên ngọc trong đá không dễ để nhận biết, thợ ngọc của vua Sở khẳng định đó chỉ là một hòn đá tầm thường. Biện Hòa sau đó bị khép tội khi quân và chặt đứt chân trái.

Sau này Sở Vũ Vương kế vị, Biện Hòa lại đem ngọc dâng tặng. Tuy nhiên, Sở Vũ Vương và thợ ngọc thêm một lần khiến Biện Hòa oan uổng, bị phán tội khi quân và chặt nốt chân phải. Đến Sở Văn Vương lên ngôi, Biện Hòa tuổi đã cao lại mang ngọc đến kêu khóc, Văn Vương mới sai người đem đá bổ ra, quả nhiên đã khắc được một miếng “tuyệt thế bảo ngọc”. Từ đó, miếng ngọc trên mới được đặt theo tên của Biện Hòa, gọi là Hòa Thị Bích.

Hình dạng được cho là Hòa Thị Bích. (Ảnh minh họa)

Hình dạng được cho là Hòa Thị Bích. (Ảnh minh họa)

Truyền thuyết về Hòa Thị Bích

Điều kỳ lạ là, sau khi Hòa Thị Bích ra đời, những câu chuyện và truyền thuyết ly kỳ xoay quanh miếng ngọc này xảy ra liên tiếp.

Thời Sở Uy Vương, Chiêu Dương lập đại công cho nước sở, được ban tặng Hòa Thị Bích. Về sau Chiêu Dương du ngoạn Xích Sơn, bên dưới Xích Sơn có đầm nước rất sâu. Chiêu Dương là người ham thích khoa trương, bèn bày tiệc đãi khách trên lầu cao cạnh đầm, đồng thời mang Hòa Thị Bích ra cho mọi người cùng thưởng thức. Truyền thuyết kể lại, lúc đó trong đầm bất ngờ xuất hiện một con kình ngư, xung quanh là hàng đàn cá nhỏ. Mọi người đều cảm thấy hiếu kỳ cho nên mới chạy tới xem cá. Khi tất cả trở lại bàn tiệc thì Hòa Thị Bích đã biến mất! Chiêu Dương nghi ngờ là môn hạ Trương Nghi lấy trộm, bèn dùng cực hình tra khảo Trương đến mức gần hấp hối mới thả ra. Về sau Trương Nghi bỏ Sở theo Ngụy, cuối cùng đầu quân làm mưu sĩ cho nhà Tần, trực tiếp đối đầu nước Sở. Kết cục, Hòa Thị Bích không rõ tung tích, còn nước Sở thì thêm một kẻ thù.

Sự thực Hòa Thị Bích không phải do Trương Nghi lấy trộm. Chiêu Dương vốn có thế lực rất lớn ở nước Sở, đã treo thưởng ngàn lượng vàng để tìm ra tung tích Hòa Thị Bích. Do tình hình nghiêm trọng, kẻ trộm ngọc không thể “tẩu tán” Hòa Thị Bích trong suốt một thời gian dài.

Mãi tới sau này, Hòa Thị Bích bất ngờ xuất hiện tại kinh đô Hàm Đan của nước Triệu và được thái giám Cù Hiền dùng 500 lượng vàng mua về. Cù Hiền vô cùng yêu thích miếng ngọc này. Tuy nhiên, Triệu Huệ Văn Vương sau khi biết chuyện đã nhiều lần ám chỉ Cù Hiền phải tặng ngọc cho mình. Cù Hiền không chịu, Triệu Vương bèn điều binh tới tận nhà Cù Hiền cướp lấy Hòa Thị Bích.

Hoàn bích quy Triệu - một sự tích nổi tiếng thời Chiến Quốc xoay quanh tuyệt thế bảo ngọc Hòa Thị Bích.

"Hoàn bích quy Triệu" - một sự tích nổi tiếng thời Chiến Quốc xoay quanh "tuyệt thế bảo ngọc" Hòa Thị Bích.

Hoàn bích quy Triệu

Câu chuyện Hòa Thị Bích tại nước Triệu gây tiếng vang rất lớn, cuối cùng đến tai của Tần Chiêu Nhương Vương.

Tần Vương viết một phong thư cho Triệu Huệ Văn Vương, đòi dùng 15 tòa thành đổi lấy Hòa Thị Bích. Tình hình khi ấy Tần mạnh Triệu yếu, Triệu Vương lại luyến tiếc bảo ngọc cho nên không biết xử trí ra sao. May nhờ hiền tài Lạn Tương Như ra mặt giúp sức, Triệu Vương mới giữ được ngọc quý, từ đó mới xuất hiện điển tích Lạn Tương Như “hoàn bích quy Triệu”.

Năm 228 TCN, Tần diệt Triệu, Hòa Thị Bích lọt vào tay nước Tần.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc bình luận, những câu chuyện truyền kỳ về Hòa Thị Bích kể từ khi “tuyệt thế bảo ngọc” này ra đời giống như một lời cảnh báo về vận mệnh phải trở thành truyền quốc ngọc tỉ đầy phong ba của nó.

Tần Thủy Hoàng sử dụng Hòa Thị Bích khắc thành ngọc tỉ với hy vọng biểu tượng quyền lực của bản thân sẽ được con cháu dòng họ Doanh – họ của vương triều Tần – sẽ được lưu truyền đến muôn đời sau. Tuy nhiên, sự thực vẫn luôn tàn khốc. Tần triều nhanh chóng bị diệt vong dưới tay Hán Cao Tổ Lưu Bang, Hòa Thị Bích/ngọc tỉ truyền quốc cũng rơi vào một hành trình mới đầy huyền bí trong dòng chảy thời cuộc, cuối cùng trở thành một bí ẩn lớn trong lịch sử Trung Quốc.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại