Lịch sử TQ đã bất công với "người kế thừa của Mao Trạch Đông"?

Hải Võ |

Ngày 7/10, 38 năm trước, Hoa Quốc Phong - người kế thừa của Mao Trạch Đông - chính thức trở thành nhân vật quyền lực nhất Trung Quốc khi nắm quyền đảng, chính phủ và quân đội.

Trang BBC tiếng Trung đăng tải bài phân tích viết, ngày 7/10/1976, tức ngày thứ hai sau vụ bắt giữ “bè lũ 4 tên”, kết thúc thời kỳ Cách mạng Văn hóa Trung Quốc, ông Hoa Quốc Phong chính thức đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, Thủ tướng Quốc vụ viện và Chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Từ thời điểm trên, ông Hoa Quốc Phong - nhân vật chủ chốt trong hành động tróc nã “nhóm 4 tên” - đã trở thành vị lãnh đạo duy nhất cùng lúc đảm nhận vị trí lãnh đạo tối cao của đảng, chính phủ và quân đội Trung Quốc kể từ năm 1949.

Tuy nhiên, quãng thời gian “hưng thịnh” của ông Hoa chỉ kéo dài 4 năm. Từ tháng 9/1980 đến 6/1981, Hoa Quốc Phong lần lượt rút khỏi các chức vụ tối cao tại Đảng, Chính phủ, Quân đội, đồng nghĩa với lui khỏi cốt lõi quyền lực của Trung Quốc. Ông Hoa qua đời ngày 20/8/2008.

Dân Trung Quốc: Mao Trạch Đông “công” nhiều hơn “tội” Dân Trung Quốc: Mao Trạch Đông “công” nhiều hơn “tội”

Hơn 85% số người Trung Quốc được khảo sát cho rằng, cố chủ tịch Mao Trạch Đông của họ đã mắc những sai lầm nhưng những gì ông làm được cho Trung Quốc đã “che mờ” tất cả.

Trong thời gian ngắn ngủi từ 1976 đến 1980, về đối nội, ngoại trừ nhiệm vụ xét xử “nhóm 4 tên” và chính thức kết liễu Cách mạng Văn Hóa, chính quyền còn lật lại các vụ án oan sai cũng như khôi phục chế độ thi đại học đã bị ngắt quãng 10 năm. Tất cả đều được thực hiện dưới sự lãnh đạo của Hoa Quốc Phong.

Một số học giả và chính trị gia nhận định, về sau này, Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách mở cửa nền kinh tế, tăng cường nội lực của Trung Quốc để ngày nay trở thành nền kinh tế số 2 thế giới, thực chất dựa trên cơ sở phương châm “kết thúc đấu tranh giai cấp, chuyển dịch trọng điểm công tác sang kiến thiết kinh tế” mà Hoa Quốc Phong đã đề ra trước đó.

Mặc dù vậy, theo BBC, trong thời kỳ Hoa Quốc Phong giữ vị trí lãnh đạo tối cao, ông vẫn kế thừa từ người tiền nhiệm Mao Trạch Đông nhiều chính sách, phương pháp và truyền thống. BBC cho hay, tiếp nối danh xưng “lãnh tụ vĩ đại” của Mao Trạch Đông, ông Hoa cũng được người Trung Quốc xưng tụng là “lãnh tụ anh minh” trong thời gian nắm quyền của mình.

Tranh vẽ Hoa Quốc Phong thời kỳ làm Chủ tịch Trung Quốc, Thủ tướng Quốc vụ viện và Chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Tranh vẽ Hoa Quốc Phong thời kỳ làm Chủ tịch Trung Quốc, Thủ tướng Quốc vụ viện và Chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Cũng theo BBC, xuất phát từ một số sai lầm trong thời gian cầm quyền, cho nên trong con mắt dư luận chính thống Trung Quốc đương đại, ký ức về nhân vật Hoa Quốc Phong - người khởi xướng và chỉ đạo hành động bắt giữ “nhóm 4 tên”, kết thúc Cách mạng Văn hóa - đã trở nên khá mờ nhạt.

Sau khi Hoa Quốc Phong qua đời năm 2008, trong vài năm trở lại đây, ở Trung Quốc, ngày càng có nhiều tranh luận về vấn đề công tội của ông này. Nhiều nhân vật trong giới chính trị nước này cho rằng nên đánh giá đúng những thành tựu và công trạng của Hoa Quốc Phong đối với lịch sử Trung Quốc.

Bí ẩn bên trong nơi quyết định vận mệnh quốc gia Trung Quốc Bí ẩn bên trong nơi quyết định vận mệnh quốc gia Trung Quốc

(Soha.vn) - Từng là cung điện của các bậc đế vương và nay là trụ sở làm việc của chính phủ Trung Quốc, Trung Nam Hải là nơi quyền lực nhất, cũng là nơi bí ẩn nhất nước này.

Người viết lại lịch sử Trung Quốc

Một trong những người đầu tiên đề nghị trả lại đúng giá trị lịch sử của Hoa Quốc Phong là giáo sư sử học Đại học sư phạm Hoa Đông Thượng Hải Hàn Cương. Giáo sư Hàn nhận định, đối với thành tựu của mình, Hoa Quốc Phong xứng đáng với danh xưng “người viết lại lịch sử Trung Quốc”.

Tô Hiểu Khang - nhà văn Trung Quốc đương đại - cũng đồng tình với quan điểm của giáo sư Hàn Cương. Ông Tô cho rằng, Hoa Quốc Phong là nhân vật lịch mà giá trị đã bị che mờ bởi câu chuyện cải cách kinh tế của Đặng Tiểu Bình.

Hoa Quốc Phong (trái) và Đặng Tiểu Bình năm 1978.

Hoa Quốc Phong (trái) và Đặng Tiểu Bình năm 1987. Ảnh: Nhân Dân Nhật Báo.

Trả lời phỏng vấn của BBC tiếng Trung, Tô Hiểu Khang cho hay, cái gọi là “viết lại lịch sử” thực chất là chỉ việc bắt giữ và xét xử được “bè lũ 4 tên”, đồng thời kết thúc hoàn toàn giai đoạn lịch sử Cách mạng Văn hóa.

BBC cho biết, trong quá trình chỉ đạo việc bắt giữ “nhóm 4 tên”, chính ông Hoa Quốc Phong đã yêu cầu Uông Đông Hưng - vệ sĩ chính của Mao Trạch Đông - phải ngày đêm kiểm soát các cơ quan tuyên truyền là Đài phát thanh Trung ương và tòa soạn Nhân Dân Nhật Báo. Đồng thời, Hoa Quốc Phong đã phái tổ công tác thâm nhập “sào huyệt” của nhóm 4 tên tại Thượng Hải, khống chế Thành ủy Thượng Hải và đập tan kế hoạch phát động dân binh Thượng Hải phản loạn của Bí thư Thành ủy Mã Thiên Thủy.

Mặc dù vậy, theo BBC, đến ngày nay luồng quan điểm chủ yếu tại Trung Quốc vẫn cho rằng công trạng trong vụ trừng trị nhóm 4 tên thuộc về Diệp Kiếm Anh, Lý Tiên Niệm, Vương Chấn cùng các lão thành cách mạng khác.

Trong khi đó, Tô Hiểu Khang nhận định, bất kể là khởi xướng hành động hay liên kết các bên để thực hiện hành động thì Hoa Quốc Phong đều là nhân vật chính. Ông Tô lý giải, Hoa Quốc Phong khi đó là lãnh đạo tương lai do Mao Trạch Đông bồi dưỡng, nên có quyền hợp pháp quyết định có tiến hành tróc nã nhóm 4 tên hay không.

Từ phải qua: Diệp Kiếm Anh, Hoa Quốc Phong, Lý Tiên Niệm.

Từ phải qua: Diệp Kiếm Anh, Hoa Quốc Phong, Lý Tiên Niệm.

Vai trò lịch sử

Nhiều học giả cho rằng, dư luận Trung Quốc đánh giá về Hoa Quốc Phong còn nhiều thiếu sót.

Tháng 8/1980, Đặng Tiểu Bình có bài phát biểu liên quan đến việc giải quyết vấn đề Hoa Quốc Phong và “tư duy lại” về thể chế mà Chủ tịch Mao Trạch Đông để lại. Đó là bài phát biểu 18/8, về sau được Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIII xem như “tài liệu cương lĩnh cải cách thể chế chính trị”.

Tô Hiểu Khang cho hay, nếu không có phương châm kết thúc đấu tranh giai cấp, chuyển dịch trọng điểm công tác sang kiến thiết kinh tế mà Hoa Quốc Phong đề ra tại Đại hội đảng lần 3 khóa XI của đảng Cộng sản Trung Quốc, thì nhiều khả năng sẽ không dẫn đến cuộc cải cách kinh tế của Đặng Tiểu Bình sau này. Ông Tô đánh giá, cuộc cải cách kinh tế của Trung Quốc thực chất đã được mở đầu từ thời kỳ của Hoa Quốc Phong.

Đặng Tiểu Bình (phải), Hoa Quốc Phong, Diệp Kiếm Anh.

Đặng Tiểu Bình (phải), Hoa Quốc Phong, Diệp Kiếm Anh.

Giới hạn của thời đại

Theo BBC, là một nhân vật thuộc giai đoạn lịch sử quá độ, Hoa Quốc Phong không tránh khỏi có sự giới hạn. Bên cạnh đó, trong vai trò là người kế thừa được Mao Trạch Đông chỉ định, Hoa Quốc Phong cũng mặc định kế thừa các di sản mà Chủ tịch Mao để lại.

Tuy nhiên, theo Tô Hiểu Khang, xét theo chiều sâu lịch sử thì đối với Trung Quốc, công trạng của Hoa Quốc Phong vẫn có thể xem như vượt xa những sai lầm mang tính thời đại của ông. Ông Tô cho rằng dư luận chính thống Trung Quốc cũng nên có cái nhìn khách quan hơn về Hoa Quốc Phong - người mà ông cho rằng, có công đưa lịch sử Trung Quốc sang một ngã rẽ mới.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại