Với tựa đề “Đường chữ U không phải là đường cơ sở của Trung Quốc”, tờ Thời báo Hàn Quốc (Korea Times) phiên bản tiếng Anh số ra ngày 16/3 đã viện dẫn những quy định của luật pháp quốc tế để chứng minh rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông thông qua đường chữ U là hoàn toàn tùy tiện và không có căn cứ pháp lý.
Tờ báo cũng khẳng định Việt Nam có đầy đủ chủ quyền về mặt lịch sử đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Và trong suốt hơn ba thế kỷ qua, Việt Nam liên tục bảo vệ, thực thi chủ quyền của mình trên hai quần đảo theo luật pháp quốc tế.
Dưới đây là toàn văn nội dung bài viết:
Chưa bao giờ Trung Quốc đưa ra lý giải nào về tính hợp pháp của đường chữ U theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) mà nước này cũng đã tham gia phê chuẩn.
Cách xác định đường chữ U của Trung Quốc không nằm trong 3 phương pháp vạch đường cơ sở trong UNCLOS 1982, bao gồm đường cơ sở thông thường, đường cơ sở thẳng và đường cơ sở quần đảo.
Đường chữ U không là đường cơ sở thông thường
Điều 5 UNCLOS 1982 ghi: “Trừ khi có quy định khác trong công ước này, đường cơ sở thẳng để tính chiều rộng lãnh hải là ngấn nước thủy triều thấp nhất dọc theo bờ biển, như được thể hiện trên các hải đồ tỷ lệ lớn được quốc gia ven biển chính thức công nhận”.
Trên thực tế, đường chữ U là một đường chạy song song với bờ biển của các quốc gia khác và tách rời hoàn toàn với bờ biển của Trung Quốc, vì thế, đường chữ U không thể là một đường cơ sở thông thường.
Đường chữ U không là đường cơ sở thẳng
Điều 7 về đường cơ sở thẳng trong UNCLOS 1982 quy định, các điều kiện để một quốc gia vẽ đường cơ sở quần đảo là: phải có bờ biển bị khoét sâu và lồi lõm hoặc có một chuỗi đảo chạy dọc bờ biển; tuyến đường cơ sở thẳng không được chệch quá xa với xu hướng chung của bờ biển; các vùng biển ở bên trong các đường cơ sở này phải gắn với đất liền đủ đến mức đạt được chế độ nội thủy.
Với hai điều kiện đầu tiên, đường chữ U đã không thỏa mãn, một mặt vì nó là đường đứt khúc, không chạy dọc bờ biển của Trung Quốc mà chạy song song với bờ biển của các quốc gia khác, mặt khác các quần đảo và bãi ngầm mà nó bao quanh không phải là một chuỗi đảo chạy song song với bờ biển Trung Quốc. Vì không thỏa mãn hai điều kiện đầu nên không cần xét tới điều kiện cuối cùng nêu dưới đây.
Đường chữ U không là đường cơ sở quần đảo
Theo Điều 47, UNCLOS 1982, đường cơ sở quần đảo là “các đoạn đường cơ sở quần đảo thẳng nối liền các điểm ngoài cùng của các đảo xa nhất và các bãi đá lúc chìm lúc nổi của quần đảo”. Đường chữ U không thỏa mãn quy định này, vì trước hết, nó là đường đứt khúc 9 đoạn, không liền với nhau.
Thứ hai, UNCLOS 1982 quy định tuyến các đường cơ sở này bao lấy các đảo chủ yếu và xác lập một khu vực mà tỷ lệ diện tích nước đó với đất, kể cả vành đai san hô, phải ở giữa tỷ lệ số 1/1 và 9/1, song trên thực tế, tỷ lệ này của khu vực đường chữ U lớn hơn rất nhiều so với tổng diện tích quần đảo Hoàng Sa (17.000km2/10km2).
Cả ba phương pháp vạch đường cơ sở trên đều không thể áp dụng đối với đường chữ U của Trung Quốc. Do đó, quy định đường cơ sở của Trung Quốc đã vi phạm hai nguyên tắc cơ bản đó là vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam và cũng là vi phạm các quy định của UNCLOS 1982 về vạch đường cơ sở.
Chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Dưới đây là một số căn cứ lịch sử:
Hoàng Sa và Trường Sa là hai quần đảo xuất hiện trên các bản đồ hàng hải phương Tây trước thế kỷ XVII, hầu hết đều đi liền với tên gọi Ciampa hay Campa - gắn liền với vương quốc Champa, sau này trở thành một bộ phận của Việt Nam.
Sang thế kỷ XVIII, ghi chép của nhà bác học Lê Quý Đôn trong “Phủ biên tạp lục” còn cho biết chính quyền chúa Nguyễn đã khẳng định chủ quyền thông qua việc tổ chức quy củ các đơn vị chuyên trách thực thi công vụ trên hai quần đảo (Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải), quy định rõ ràng về phiên chế, phân rõ địa phương thực hiện, quy trình, thủ tục và nhiệm vụ cụ thể:
“Trước đây họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, luân phiên nhau hàng năm cứ vào tháng ba nhận mệnh đi làm sai dịch, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ ra biển, ba ngày ba đêm mới đến đảo này...”.
Những công việc của các đội đặc nhiệm này được quản lý rất chặt chẽ. Sổ ghi chép của một viên Cai đội tên là Thuyên và cho biết: “Năm Nhâm Ngọ lượm được 30 hốt bạc; năm Giáp Thân được 5.100 cân thiếc; năm Ất Dậu được 126 hốt bạc… ” (Lê Quý Đôn, 1977).
Năm 1802, triều Nguyễn thành lập, xây dựng một chính quyền cai trị, tiếp tục duy trì sự hiện diện, khai thác nguồn lợi và củng cố chủ quyền lãnh hải và trên các đảo, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa.
Các nhà nghiên cứu đã đưa ra rất nhiều đoạn chính sử, các văn kiện chính thức (châu bản) và những chỉ dụ, sắc lệnh do các hoàng đế nhà Nguyễn ban về các công việc liên quan đến hai quần đảo như việc vua Gia Long ra lệnh cho quân đội ra dựng mốc cắm cờ năm 1816, vua Minh Mệnh xử lý việc thưởng phạt đối với các sĩ quan và binh lính thực thi công vụ, phê duyệt kế hoạch xây chùa cùng việc phân bổ ngân sách và nhân lực…
Ngoài ra còn thể hiện trong các tài liệu được lưu giữ trong dân như những di vật của tiền nhân là những người tham gia Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải, những di tích như miếu thờ, nghi lễ tế sống các binh lính Hoàng Sa trước khi đi làm nhiệm vụ…
Như vậy, đến thời Nguyễn, chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được thiết lập và thực thi một cách đầy đủ và toàn vẹn, không có sự tranh chấp nào.
Chính vì vậy, khi đánh chiếm được Việt Nam, Pháp đã mặc nhiên đặt quyền quản lý của chính quyền đô hộ lên hai quần đảo. Người Pháp đã cho xây dựng các đài khí tượng, trạm quan trắc và cắt đặt lính đồn trú trên các đảo.
Ngày 21/7/1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết. Vĩ tuyến 17 trở thành ranh giới tạm thời. Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở phía nam vĩ tuyến, thuộc quyền quản lý của quân đội Pháp và sau đó là chính quyền Việt Nam Cộng hòa thực thi chủ quyền.
Năm 1975, khi đất nước hoàn toàn thống nhất, chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Như vậy, trong suốt hơn ba thế kỷ qua, Việt Nam đã liên tục bảo vệ và thực thi chủ quyền của mình trên hai quần đảo phù hợp với luật pháp quốc tế.