Đô đốc Tôn Kiến Quốc, phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) dẫn đầu một phái đoàn 29 quan chức, quan sát viên đến dự Đối thoại Shangri-La, diễn ra từ ngày 29 đến 31-5.
Năm ngoái, phái đoàn Trung Quốc dự hội nghị an ninh này gồm 25 thành viên.
Ông William Choong, chuyên gia về an ninh châu Á - Thái Bình Dương của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), trụ sở ở Anh, nhận định biển Đông sẽ là vấn đề "bùng nổ" nhất trong số 3 chủ đề chính của hội nghị năm nay, gồm khủng bố, thương mại và lãnh thổ.
Năm ngoái, tranh cãi đã nổ ra giữa Mỹ và Trung Quốc về tình hình biển Đông.
"Chúng ta đã chứng kiến những gì xảy ra vào năm ngoái khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel chỉ trích hành động khiêu khích và đơn phương của Trung Quốc ở biển Đông đang gây bất ổn cho khu vực" - ông Choong nói.
Chuyên gia này dự báo rằng tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, người kế nhiệm ông Hagel, cũng sẽ đưa ra chỉ trích tương tự tại Đối thoại Shangri-La năm nay.
Tương tự, ông Alexander Neill, một chuyên gia khác của IISS, nói ông Carter chắc chắn sẽ nêu bật những lo ngại của Mỹ về hành động xây đảo nhân tạo trái phép và cản trở tự do đi lại của Trung Quốc ở biển Đông.
Một số nhà phân tích cho rằng việc Bắc Kinh cử Đô đốc Tôn Kiến Quốc, 63 tuổi, đến Singapore cho thấy nước này chuẩn bị kỹ cho một cuộc đối đầu có thể có với các nước đang chỉ trích mình tại hội nghị sắp tới.
"Ông Tôn là người tốt nghiệp trường tàu ngầm của hải quân PLA, rành về luật hàng hải quốc tế và chiến lược hàng hải dài hạn của Trung Quốc.
Ông ta sẽ dùng những kiến thức này để biện hộ hành động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở biển Đông và những sứ mệnh trên biển trong tương lai của hải quân nước này" - chuyên gia phân tích Li Jie tại Bắc Kinh cho biết.
Được tổ chức lần đầu vào năm 2002, Đối thoại Shangri-La năm nay dự kiến thu hút các quan chức quốc phòng đến từ gần 30 nước, theo nhà tổ chức IISS.