Cho đến nay, các nhà ngoại giao Liên Hiệp Quốc vẫn hy vọng rằng Trung Quốc có thể trở thành nhân tố then chốt giúp ngăn chặn đồng minh thân thiết của họ khỏi những hành động “quá đà”.
Tuy nhiên, tư tưởng “ác cảm” với các lệnh cấm vận từ lâu cùng việc thiếu các chế tài xử phạt của Bắc Kinh có thể khiến các nhà quan sát phải thất vọng.
Như vậy, quốc tế không thể dựa vào Trung Quốc để đưa ra những biện pháp mạnh tay nhằm ngăn chặn Bình Nhưỡng nuôi dưỡng tham vọng hạt nhân của mình.
Theo một báo cáo của Foreign Policy, một công ty vận tải đường thủy có trụ sở ở Singapore, Chinpo Shipping, đã sử dụng tài khoản tại Ngân hàng Trung Quốc để che đậy các khoản thanh toán của Triều Tiên, theo đó các con tàu của công ty này đã chở vũ khí và các loại hàng hóa khác thay cho Bình Nhưỡng.
Báo cáo này chứng tỏ một điều về tính hiệu quả của các lệnh cấm vận đối với chương trình hạt nhân của Triều Tiên trong hơn một thập kỷ qua, đó là “hoàn toàn không có hiệu quả”. Theo ban cố vấn, có rất ít dấu hiệu cho thấy những biện pháp trừng phạt mới này sẽ thay đổi được cục diện.
Báo cáo khẳng định: “Theo điều tra của các chuyên gia, CHDCND Triều Tiên đã luồn lách tránh các lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc một cách thành công và tiếp tục sử dụng hệ thống tài chính quốc tế, các tuyến đường thủy và đường không để vận chuyển những mặt hàng bị cấm.
Cho đến nay, chưa có một dấu hiệu nào cho thấy Bình Nhưỡng sẽ ngừng các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của mình”.
Một số nhà quan sát thì tỏ vẻ lạc quan hơn khi cho rằng Bắc Kinh sẽ dần dần, với sự thuyết phục của Mỹ, hỗ trợ các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn của Liên Hiệp Quốc. “Đây là một cơ hội để Trung Quốc thể hiện mình cũng là một người chơi tích cực trên đấu trường quốc tế.
Nếu 7 tháng trước, bạn nói với tôi rằng Bắc Kinh sẽ đồng tình với nghị quyết của Liên Hiệp Quốc thì tôi sẽ nói là bạn bị điên nhưng bây giờ thì điều đó hoàn toàn có thể. Có lẽ ai cũng sẽ phải “ngả mũ” trước nước Mỹ”, một nhà ngoại giao cho biết.
Ban kiểm tra các hoạt động của công ty Chinpo đang tiến hành thẩm tra các hồ sơ của tòa án ở Singapore, nơi các công tố viên cáo buộc công ty này đã giúp đỡ chính phủ Triều Tiên vi phạm nghị quyết Liên Hiệp Quốc.
Theo tài liệu của tòa án, Chinpo đã thực hiện 605 lần thanh toán với trị giá hơn 40 triệu USD thay cho các công ty ở Triều Tiên từ tháng 4/2009 đến tháng 7/2013.
Các nhà chức trách Singapore cho rằng Giám đốc điều hành của Chinpo, ông Tan Cheng Hoe, đã “ngụy trang” cho vụ giao dịch bằng cách sử dụng một mẹo mà ông ta đã thực hiện từ năm 2010, đó là giấu tên tàu của Triều Tiên trên các bức điện chuyển khoản ngân hàng để tránh bị nghi ngờ.
Tháng 1/2016, Thẩm phán Jasvender Kaur đã phạt Chinpo 128.000 USD vì vi phạm luật pháp Singapore, nghị quyết của Liên Hiệp Quốc và hoạt động như bên chi trả tài chính mà chưa được cấp giấy phép từ chính phủ.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lần đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên là năm 2006 khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên.
Các biện pháp tiếp theo đó bao gồm xử phạt các thực thể tài chính liên quan đến việc cung cấp, hỗ trợ trang thiết bị cho tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên.
Tháng 6/2009, Hội đồng bảo an đã thành lập một ban chuyên gia giám sát việc thực thi lệnh trừng phạt. Ban chuyên gia bao gồm các đại diện từ những thành viên chủ chốt như Mỹ và Trung Quốc.
Trung Quốc thường từ chối bỏ phiếu trong các cuộc họp về nghị quyết trừng phạt trước đó. Điều này có thể tiết lộ rằng các công ty, tổ chức của Trung Quốc ít nhiều cũng liên quan tới các sai phạm của Bình Nhưỡng.
Trong trường hợp của Ngân hàng trung ương Trung Quốc, các nhà ngoại giao Bắc Kinh đã bày tỏ những quan ngại về quyết định của ban chuyên gia khi nhắc đến tên của ngân hàng này.
Họ cho rằng chỉ có chứng cứ từ một tòa án ở Singapore là chưa thuyết phục và các chuyên gia phải dựa vào những thông tin do chính quyền Trung Quốc cung cấp.
Bắc Kinh cũng không hào hứng trong việc hỗ trợ xiết chặt các biện pháp trừng phạt hiện có. Khi ban cố vấn của Liên Hiệp Quốc kêu gọi đóng băng các tài khoản của công ty vận chuyển hàng hải Triều Tiên (OMM) thì Trung Quốc đã ngay lập tức rút khỏi cuộc họp.
Cuối cùng, Mỹ đã lật ngược được tình thế và vào tháng 7/2014, 15 quốc gia trong Hội đồng Bảo an đều đồng ý áp đặt lệnh trừng phạt đối với OMM, tuy nhiên, công ty của Bình Nhưỡng đã nhanh chóng thành lập một hệ thống các doanh nghiệp mới để tiếp tục kinh doanh.
Tháng 2/2015, Liên Hiệp Quốc lại đề nghị trừng phạt 34 công ty đang tiến hành kinh doanh vận chuyển hàng hải ở Triều Tiên.
Song, một lần nữa, các nhà ngoại giao Trung Quốc ở New York lại “bàn lùi” và gọi những bằng chứng như vậy là không rõ ràng và không thể đưa ra lệnh phạt đối với các công ty trên.
Nick Gillard, nhà nghiên cứu của Dự án Alpha, Đại học London, người luôn theo sát các nỗ lực phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, cho rằng quyết định ủng hộ các biện pháp trừng phạt Triều Tiên của Liên Hiệp Quốc cho thấy sự nghiêm túc của Bắc Kinh trong việc tìm cách “cầm cương” Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên theo Andrea Berger, chuyên gia phi hạt nhân hóa tại Viện nghiên cứu Royal United Services Institute (Anh), Trung Quốc cũng từng đưa ra những cam kết tương tự trong quá khứ nhưng không nên hoàn toàn tin tưởng họ.
“Trung Quốc cũng đã đồng ý tham gia các gói trừng phạt trước kia, tuy nhiên trong mỗi trường hợp, nước này lại luôn không thực hiện các biện pháp cấm vận cho đến cuối cùng”, bà Andrea Berger nhận định.