Một màn kịch cực kì đáng xem, với kịch bản biến ảo khôn lường, đã và đang diễn ra trong nhiều tuần qua, khai màn từ một sự việc ở Jerusalem, và kéo sang cả Moscow, Damascus, Beirut, Ankara, Tehran, thậm chí Canberra.
Những "diễn viên chính" trong màn kịch này gồm có Israel, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia, và Iran, ngoài ra Syria và Lebanon đảm nhận kép phụ. Với các nhà quan sát, màn kịch này giống như một bàn cờ địa chính trị khu vực, với nhiều hơn hai người cầm quân.
Mọi sự khơi nguồn từ chuyến thăm cấp nhà nước dự kiến của Tổng thống Israel Reuven Rivlin tới Australia vào ngày 17/3 tới. Cuộc gặp này đã được Jerusalem và Canberra trực tiếp lên lịch.
Quan hệ Israel-Australia từ trước đến nay vẫn nồng ấm, và theo chuyên gia Caspit, chính phủ Canberra tỏ ra rất háo hức chờ đón chuyến thăm của Tổng thống Israel, đến mức họ sẵn sàng sắp lại lịch các cuộc hẹn trước đó, và một quan chức cấp cao Australia còn hủy chuyến công du nước ngoài để ở lại tiếp đón ông Rivlin.
Israel và Australia có quan hệ ngoại giao hết sức tốt đẹp. Ảnh: Times of Israel
Nhưng đột nhiên, Tổng thống Israel lại tuyên bố hủy chuyến thăm Australia. Lý do đưa ra là hiện tại, Tổng thống Nga Vladimir Putin quan trọng hơn đối với an ninh Israel.
Cùng lúc với việc xếp lịch hẹn Australia, bộ Ngoại giao Israel cũng gửi tín hiệu tới điện Kremlin đề cập đến khả năng lãnh đạo nước này tới thăm Nga. Trớ trêu thay, ngay sau khi vừa chốt lịch với Australia vào ngày 17/3, phía Nga lại đề nghị một "cái hẹn" vào đúng ngày đó.
Trước tình thế khó xử này, ông Rivlin đã hội ý với Thủ tướng Benjamin Netanyahu vào tuần trước. Không một chút lưỡng lự, ông Netanyahu khẳng định chẳng có gì phải suy nghĩ ở đây cả: một chuyến thăm tới Moscow là điều tối quan trọng vào thời điểm này.
Nhìn chung, Tổng thống và Thủ tướng Israel khá xung khắc. Ông Netanyahu từng tìm cách ngăn cản con đường tới chức Tổng thống của ông Rivlin, và hai người đã "kị" nhau từ đó đến nay.
Nhưng trong thời điểm này, lợi ích quốc gia đã vượt lên trên những đấu đá nội bộ. Ông Netanyahu đã và đang dồn tâm trí vào việc thuyết phục để ông Putin nhận ra mối hiểm họa từ bộ ba mà Jerusalem vẫn gọi là "trục ma quỷ", gồm Iran, chính phủ Assad, và Hezbollah.
Thông tin của do báo Kuwait al-Jarida rằng Israel cung cấp bằng chứng cho Moscow cho thấy Iran đã và đang tuồn vũ khí tối tân của Nga cho Hezbollah, dẫn đến việc ông Putin ra lệnh hoãn thương vụ S-300 với Tehran, là một minh chứng điển hình.
Đọc thêm: >> Iran vẫn chưa nhận được S-300 từ Nga do bị Israel "mách lẻo"?
Theo chuyên gia Caspit, báo al-Jarida từ lâu vẫn được cho là có nhiều mối quan hệ với cấp dưới thân cận của Netanyahu. Đã không ít lần bộ sậu của Thủ tướng Israel sử dụng báo này làm trung gian để phát thông tin ra ngoài mà không để lại dấu vết.
Giới trong ngành ở Israel và phương Tây đều ngầm hiểu rằng, các bài báo "độc quyền" của al-Jarida thực chất xuất phát từ các nguồn tin nội bộ chính phủ Israel, qua đó tăng thêm độ tin cậy cho báo này.
Theo đó, ông Netanyahu đã đề nghị ông Rivlin cho Canberra "leo cây" để tới Moscow. Tại đây, ông muốn Tổng thống Israel trình bày với điện Kremlin những hiểm họa đi kèm với việc chuyển giao S-300 tới Iran, trong đó nghiêm trọng nhất là khả năng Tehran sẽ tuồn S-300 cho Hezbollah.
Thổ Nhĩ Kỳ?
Cùng lúc với chiến dịch thuyết phục Nga của Israel, các tờ báo thân chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đồng loạt đưa tin về một "tiến trình hòa giải lịch sử" giữa nước này với Nhà nước Do Thái. Vậy tại sao đến nay vẫn chưa hề có động thái gì cụ thể trong cái tiến trình hết sức "đao to búa lớn" này?
Theo ông Caspit, không chỉ ông, mà đại đa số giới nghiên cứu chính trị Israel đều cho rằng, ông Netanyahu đang "né" Thổ đề chiều lòng Nga. Jerusalem hiểu rằng để kéo Moscow về phía mình, họ không thể tỏ thái độ quá mặn mà với Ankara, khi quan hệ Nga-Thổ đang diễn tiến xấu như hiện nay.
Như vậy, Israel buộc phải đưa ra lựa chọn: một mặt, họ muốn bình thường hóa mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, và trở lại thời kì liên minh quân sự trước kia. Nhưng mặt khác, Israel cũng rất muốn thuyết phục Nga rời Iran và Hezbollah càng xa càng tốt.
Chuyên gia Caspit nhận định, vào thời điểm này, rõ ràng Israel sẽ thiên về phương án thứ hai. Với Netanyahu, Putin quan trọng hơn Erdogan rất nhiều vào thời điểm này.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trong mắt Jerusalem giờ như một "gánh nặng", và Israel cho rằng chừng nào Erdogan còn tại vị, chừng đó liên minh quân sự giữa hai nước vẫn chỉ là ảo tưởng. Ông Netanyahu cũng thừa hiểu lý do duy nhất Erdogan muốn ngả về Israel là vì Ankara đang ở thế yếu, và rất cần đồng minh.
Với những gì Nga đã và đang làm tại Syria, vị thế của Putin ngày một gia tăng. Có thể nói, canh bạc Syria của Tổng thống Nga đã thắng lớn, khi không quân nước này đóng vai trò thiết yếu trong việc thay đổi cục diện không chỉ ở Syria mà còn cả khu vực Trung Đông.
Người Do Thái hiểu điều đó, và họ muốn xích lại gần Nga. Gần đây, một quan chức cấp cao quân đội Israel thậm chí còn nói rằng: "Chiến đấu cơ Nga có bay tới tận Tel Aviv, Israel cũng không bắn hạ". Có quá nhiều lý do để Israel bắt tay với Nga, và đương nhiên họ không muốn làm bất kì điều gì khiến Moscow phật ý.