Iran vẫn chưa nhận được S-300 từ Nga do bị Israel "mách lẻo"?

Đức Huy |

Liệu đây có phải lý do thực sự đằng sau việc Nga trì hoãn thương vụ bán hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 cho Iran?

Theo nguồn tin của nhật báo Kuwait al-Jarida, nguyên nhân Tổng thống Vladimir Putin hoãn kế hoạch chuyển giao hệ thống tên lửa phòng thủ đất-đối-không S-300 cho Iran là do Tehran đã vi phạm quy ước đã cam kết trước đó với Moscow liên quan đến phong trào Hezbollah.

Cụ thể, dù đã cam kết với Nga, song Iran vẫn cung cấp một số vũ khí tối tân do Nga sản xuất cho lực lượng dân quân dòng Shiite của Lebanon.

Nguồn tin của al-Jarida tiết lộ, Moscow đã quyết định trừng phạt Tehran sau khi Israel cung cấp bằng chứng rõ ràng cho điện Kremlin cho thấy, Iran đã và đang đều đặn "tuồn" tên lửa đất-đối-không SA-22 (Pantsir-S1) sang Lebanon cho Hezbollah.


Lebanon đã nắm trong tay hệ thống SA-22 (Pantsir-S1) nhờ được Iran cung cấp?

Lebanon đã nắm trong tay hệ thống SA-22 (Pantsir-S1) nhờ được Iran cung cấp?

Thông tin tình báo do Tel Aviv cung cấp đã được phía Nga kiểm chứng ngay sau đó. Kết quả là các radar chống tên lửa của không quân Nga đã phát hiện một loạt các hệ thống SA-22 đặt tại nhiều khu vực ở Lebanon do Hezbollah kiểm soát.

Trước đó, trong bài phát biểu tại Đại Hội đồng LHQ hồi tháng 9/2015, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đưa ra nhiều thông tin liên quan đến việc Hezbollah cải tiến kho vũ khí với sự trợ giúp của chính phủ Iran và Syria.

Ông Netanyahu khi đó cho biết, không chỉ nhận được SA-22, mà Hezbollah còn nắm trong tay tên lửa chống hạm bờ biển Yakhont.

Ngoài ra, thông tin từ các cơ quan thông tấn của nhiều nước hồi tháng 4 năm ngoái cũng cho biết, các căn cứ Hezbollah tại Lebanon bị không quân Israel tấn công cũng được trang bị SA-22.

Bình luận về thông tin này, báo Jerusalem Post của Israel viết rằng, quân đội Nhà nước Do Thái chẳng ngại gì hệ thống tên lửa phòng không SA-5 đã quá lỗi thời của Hezbollah, bởi chúng luôn tỏ ra bất lực trước các đợt không kích của chiến đấu cơ Israel.

Tuy nhiên, báo này nhấn mạnh, SA-22 hoàn toàn có thể trở thành một mối lo ngại thường trực đối với các chiến đấu cơ Israel, vốn trước đây vấp phải rất ít kháng cự mỗi khi hoạt động trên không phận Lebanon.


Không quân Israel thường không gặp phải nhiều trở ngại khi hoạt động trên bầu trời Lebanon. Ảnh: Times of Israel

Không quân Israel thường không gặp phải nhiều trở ngại khi hoạt động trên bầu trời Lebanon. Ảnh: Times of Israel

Quan hệ Nga-Iran rạn nứt?

Cũng trong bài viết đăng trên al-Jarida, nguồn tin của báo này khẳng định, điện Kremlin đã thúc giục Iran lập tức thu hồi các lực lượng thân Tổng thống Assad ra khỏi Syria.

Đọc thêm: >> Iran rút toàn bộ Vệ binh Cách mạng Hồi giáo ra khỏi Syria

Theo đó, Moscow đã thông báo với Tehran rằng họ không cần sự trợ giúp của lực lượng tinh nhuệ Quds hay Hezbollah nữa, bởi giờ đây ưu tiên hàng đầu của Nga là tiến đến một thỏa hiệp chính trị để khép lại cuộc nội chiến dai dẳng suốt 5 năm qua tại Syria.

Ngoài ra, phía Nga đã nói thẳng với Iran rằng, mục đích của hai nước trong vấn đề Syria không hề đồng nhất.

Đây không phải lần đầu tiên Nga bắt Iran phải chờ lâu trong thương vụ S-300. Trước đây, cụ thể là năm 2010, Nga đã từng hủy thỏa thuận bán hệ thống phòng thủ tên lửa này cho Iran, trước sức ép của phương Tây về việc áp đặt lệnh trừng phạt lên Tehran.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại